Toyota sẽ ngừng sản xuất xe tại các cơ sở ở Ontario, Canada, cho đến cuối tuần này, theo thông báo được hãng này đưa ra hôm 9/2.
Ford cũng tuyên bố tạm dừng việc sản xuất tại các nhà máy động cơ ở Windsor, Ontario, theo Reuters.
Trong khi đó, nhà máy của hãng ở Oakville, gần Toronto, đang hoạt động với hiệu suất thấp, do lo ngại việc đóng cửa cầu Ambassador - cây cầu huyết mạch giữa Canada và Mỹ - có thể ảnh hưởng đến việc sản xuất và vận chuyển hàng hóa.
Hãng Stellantis cũng phải đối mặt với tình trạng thiếu phụ tùng tại nhà máy lắp ráp ở Windsor, Ontario. Các công nhân tại nhà máy này đã phải kết thúc ca làm việc sớm hôm 8/2.
Hình ảnh đoàn xe trong cuộc biểu tình ở thủ đô Ottawa, Canada. Ảnh: Reuters. |
Một cửa khẩu biên giới khác ở tỉnh Alberta, Canada, cũng bị đóng cửa cả hai chiều kể từ cuối ngày 8/2.
Hơn 2/3 trong tổng số 511 tỷ USD hàng hóa giao dịch hàng năm giữa Canada và Mỹ được vận chuyển bằng đường bộ. Do đó, cả Washington và Ottawa đều cảnh báo rằng cuộc biểu tình kéo dài có thể gây ra nhiều thiệt hại về kinh tế.
"Tôi nghĩ rằng điều quan trọng là tất cả người dân Canada và Mỹ phải hiểu tác động của sự tắc nghẽn này - tác động tiềm ẩn đối với người lao động và chuỗi cung ứng”, người phát ngôn Nhà Trắng Jen Psaki cho biết hôm 9/2.
Washington cũng đang làm việc với các nhà chức trách Canada để khai thác tuyến giao thông đến cầu Blue Water nối cảng Huron ở Michigan với cảng Sarnia ở Ontario, trong bối cảnh lo ngại các cuộc biểu tình có thể trở thành bạo lực, bà Jen Psaki nói.
Xuất phát từ phong trào phản đối yêu cầu tiêm vaccine bắt buộc đối với giới lái xe tải xuyên biên giới, “Đoàn xe Tự do” đã biến thành cuộc biểu tình chống lại mọi yêu cầu bắt buộc tiêm chủng, thậm chí đòi giải tán chính phủ của ông Trudeau, theo Reuters.
Đến nay, cuộc biểu tình đã lan sang nhiều quốc gia như Australia, New Zealand và Pháp.