Bài viết là quan điểm của Ralph Jennings, Forbes.
Điện thoại sản xuất tại Việt Nam đúng ra phải có nhiều lợi thế về mặt kinh tế. Đất nước này đã phụ thuộc vào việc sản xuất trong 30 năm qua và đang tiến lên những bậc cao hơn của chuỗi giá trị khi bắt đầu sản xuất thiết bị điện tử.
Samsung Electronics là ví dụ điển hình. Công ty này đã đầu tư 17,3 tỷ USD vào các nhà máy ở Việt Nam. Các trường công lập nhấn mạnh khoa học. Sinh viên tốt nghiệp làm việc cho một công ty công nghệ nước ngoài có thể biết rõ các bước cần để làm nên một chiếc điện thoại.
Thương hiệu Việt Nam không tác động đến thị trường
Các công ty Việt Nam đã tham gia thị trường và đưa ra những mẫu smartphone, chủ yếu sử dụng Android với giá rẻ. Những cái tên như BPhone xuất hiện cách đây vài năm. VinSmart, một công ty con của tập đoàn Vingroup đang bán những chiếc điện thoại dưới thương hiệu Vsmart với giá từ 100 USD.
Bphone 3 được đánh giá tích cực hơn, nhưng cũng không có mặt trên các kệ hàng thiết bị điện tử. Ảnh: Thế Anh. |
Công ty Bkav đã đưa ra những chiếc smartphone đầu tiên phát triển tại Việt Nam. Các mẫu Bphone và Bphone 2 của hãng được đánh giá không tích cực, và bán được khoảng 12.000 chiếc.
Giám đốc điều hành Nguyễn Tử Quảng thừa nhận thua lỗ với Bphone, nhưng mô tả tầm nhìn trở thành Apple hoặc Samsung của Việt Nam.
Bphone 3 được phát hành năm 2018 nhận được nhiều phản hồi tích cực hơn từ các chuyên gia về tốc độ xử lý và khả năng chống nước. Dù vậy, chẳng có cửa hàng điện tử nào ở một khu phố sầm uất của TP.HCM trưng bày Bphone. Những người bán hàng còn không trả lời được câu hỏi mua chiếc điện thoại này ở đâu.
Các công ty Việt Nam khác như Masstel hay Mobiistar cũng ra mắt điện thoại. Dù vậy, tới những cửa hàng điện tử chỉ có thể bắt gặp các thương hiệu nước ngoài như Oppo, Samsung hay Sony.
Thanh Võ, nhà phân tích tại IDC cho biết các thương hiệu smartphone Việt Nam chiếm chưa tới 1% thị phần. Trong 15 tháng qua, thị phần cao nhất mà các hãng Việt Nam đạt được là 5%. Những thương hiệu smartphone hàng đầu tại Việt Nam là Samsung, Oppo và Xiaomi.
Người Việt Nam vẫn ưa thích các thương hiệu điện thoại nước ngoài như Apple, Samsung. Ảnh: Cnet. |
Tuy nhiên, hầu hết người Việt vẫn không mua điện thoại được phát triển ở đất nước mình vì họ có thể mua được nhiều thương hiệu nước ngoài nổi tiếng hơn ở cùng mức giá. Nói cách khác, các thương hiệu nước ngoài vẫn được đánh giá cao hơn, theo nhận định của Maxfield Brown, chuyên viên tư vấn tại Dezan Shira & Associates, TP.HCM.
"Xu hướng nhu cầu của người dùng Việt Nam gần đây là hướng tới các sản phẩm quốc tế, và tôi kỳ vọng xu hướng này sẽ tiếp tục khi người dùng ngày càng chi tiêu nhiều hơn", ông Brown nhận định.
Xu hướng này sẽ sớm thay đổi?
Nhiều nhà phân tích cho rằng xu hướng thích thương hiệu nước ngoài của người Việt Nam giống thị trường Trung Quốc cách đây 20 năm, khi thu nhập bắt đầu tăng. Đầu tiên họ chọn thực phẩm, rượu và đồ điện tử nước ngoài, nhưng sau đó dần dần chuyển sang thương hiệu nội địa.
Theo tạp chí Practical Ecommerce, đến nay người dùng Trung Quốc vẫn mua hàng hóa nước ngoài khi họ muốn đồ thật chất lượng hoặc sợ hàng giả. Tuy nhiên, nhiều thương hiệu nội địa chứng minh được chất lượng khi được người Trung Quốc lựa chọn như hành động yêu nước. Các hãng Trung Quốc như Huawei, Oppo hay Xiaomi đều bán rất tốt trong nước.
Vsmart Live được ra mắt vào tháng 8 với cấu hình tầm trung, gần đây đã giảm tới nửa giá. Ảnh: Anh San. |
"Tôi nghĩ điều tương tự sẽ xuất hiện tại Việt Nam. Tôi cho rằng xu hướng quay lại hàng tiêu dụng nội địa sẽ xuất hiện khi người dùng cảm thấy niềm tự hào quốc gia", ông Brown nhận xét.
Những thương hiệu smartphone nước ngoài cũng bán sản phẩm ở tầm giá thấp để thu hút những người dùng Việt không có nhiều tiền. Do vậy, các hãng vẫn có cơ hội nếu sản phẩm có giá hấp dẫn, ông Thanh Võ nhận xét.
VinSmart đã bán được khoảng 300.000 chiếc điện thoại thông qua 5.200 cửa hàng. Nhà máy hiện tại có công suất 25 triệu máy/năm, và họ cũng đang xây thêm nhà máy với công suất tới 100 triệu máy, có thể đáp ứng xuất khẩu. VinSmart đã ký hợp đồng với BQ của Tây Ban Nha để bán những smartphone thương hiệu Vsmart tại nước này vào tháng 12.
"Vingroup là một công ty thú vị, bởi họ có thể tham gia bất kỳ ngành nào", Mike Lynch, giám đốc tại công ty chứng khoán SSI cho biết. Công ty này sản xuất điện thoại trong nước.
"Tôi sẽ không phản đối việc mua một chiếc điện thoại của họ", ông Lynch chia sẻ.