Công ty CP Tập đoàn FLC (FLC) vừa công bố báo cáo tài chính quý I với doanh thu giảm đáng kể so với cùng kỳ năm trước.
Cụ thể, trong quý đầu tiên của năm 2022, nhà phát triển bất động sản du lịch này vẫn ghi nhận 1.085 tỷ đồng doanh thu thuần từ hoạt động bán hàng và cung cấp dịch vụ. Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm trước, mức doanh thu này đã giảm tới 58%.
Trong khi đó, giá vốn giảm thấp hơn (54%) khiến tập đoàn này kinh doanh trong tình trạng dưới giá vốn quý I và lỗ gộp hơn 14 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước vẫn lãi 108 tỷ.
Trong bối cảnh nguồn thu sụt giảm, các khoản phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp của FLC lại không giảm so với cùng kỳ năm trước, thậm chí, chi phí tài chính còn tăng gần gấp 3 lần khiến tập đoàn này lỗ sâu hơn từ hoạt động kinh doanh.
Ngoài ra, trong quý I, tập đoàn cũng phải ghi nhận gần 265 tỷ đồng tiền lỗ từ công ty liên doanh, liên kết chuyển về.
KẾT QUẢ KINH DOANH GẦN ĐÂY CỦA FLC | ||||||||||
Nhãn | I/2020 | II | III | IV | I/2021 | II | III | IV | I/2022 | |
Doanh thu thuần | tỷ đồng | 4768 | 1722 | 3424 | 3467 | 2487 | 1262 | 1444 | 1167 | 1085 |
Lợi nhuận sau thuế | -1892 | -838 | 577 | 2396 | 43 | 22 | 6 | 15 | -465 |
Với các kết quả này, FLC báo lỗ ròng 465 tỷ đồng quý I, trong khi cùng kỳ lãi dương gần 43 tỷ đồng. Đây cũng là mức lỗ sâu nhất mà FLC phải chịu kể từ quý II/2020.
Theo lý giải của ban lãnh đạo FLC, doanh thu hợp nhất giảm mạnh trong quý vừa qua là do tập đoàn phải thu hẹp mảng kinh doanh thương mại, bên cạnh đó, doanh thu bất động sản cũng giảm mạnh do dịch Covid-19 tăng trên cả nước làm hạn chế nhân công trực tiếp thi công tại các công trình. Điều này dẫn tới chậm bàn giao các dự án và không ghi nhận được doanh thu bán bất động sản.
Ngoài ra, hoạt động kinh doanh dịch vụ nghỉ dưỡng của tập đoàn cũng sụt giảm do ảnh hưởng của dịch bệnh.
Ở chiều ngược lại, chi phí tài chính quý I của FLC tăng gần gấp 3 lần có nguyên nhân từ việc tập đoàn tăng các khoản trích lập dự phòng của các khoản đầu tư, đặc biệt tại tập đoàn mẹ.
Chính các yếu tố này là nguyên nhân chính khiến lợi nhuận sau thuế quý I của FLC đảo chiều so với cùng kỳ và báo lỗ 465 tỷ đồng.
Tuy nhiên, ban lãnh đạo FLC cho biết các mảng kinh doanh của tập đoàn đã có dấu hiệu khởi sắc trở lại từ cuối quý I, sau khi nhiều biện pháp hạn chế về đường bay, du lịch… dần được gỡ bỏ.
Tính đến cuối tháng 3, FLC có tổng tài sản cân đối với nguồn vốn đạt gần 35.500 tỷ đồng, vẫn tăng 5% so với đầu năm. Trong đó, tập đoàn có vốn chủ sở hữu đạt hơn 9.350 tỷ và hơn 1.600 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối.
Hoạt động của Bamboo Airways cùng các hàng hàng không khác đã khởi sắc trở lại khi các tuyến bay được nối lại. Ảnh: T.L. |
Tính riêng tại công ty mẹ FLC trong quý vừa qua, tập đoàn này ghi nhận 478 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 67% so với cùng kỳ. Các khoản chi phí tài chính, bán hàng và chi phí khác tăng mạnh cũng là nguyên nhân khiến tập đoàn mẹ FLC lỗ ròng 478 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi dương 22 tỷ đồng.
Lãnh đạo FLC cho biết sang tới đầu quý II, nhiều hoạt động kinh doanh cốt lõi của tập đoàn đã khởi sắc trở lại. Trong tháng 4, Bamboo Airways đã khai thác 97,5% các chuyến bay đúng giờ với tỉ lệ lấp đầy trung bình trên toàn mạng bay nội địa đạt 90-92%.
Các khu du lịch của FLC cũng đã ghi nhận sự gia tăng về công suất phòng, trong bối cảnh nhu cầu du lịch tăng mạnh trở lại.
Trong kỳ nghỉ lễ 10/3 trước đó, hệ thống nghỉ dưỡng của FLC đã đón hơn 15.000 lượt khách lưu trú. Ước tính trong dịp nghỉ lễ 30/4, hệ thống này sẽ đón tiếp hàng vạn lượt du khách.
Ở lĩnh vực bất động sản, tập đoàn cho biết các dự án trọng điểm đang triển khai sẽ tiếp tục được xúc tiến cả về pháp lý và tiến độ với kỳ vọng mang về doanh thu ngay trong năm nay.