Độc giả và cảm nhận World Cup:
FIFA và những 'hạt sạn' mang tên trọng tài
Dù đã trải qua hơn một nửa chặng đường với hàng loạt trận cầu đầy kịch tính và bất ngờ nhưng World Cup 2010 diễn ra tại Nam Phi vẫn để lại trong lòng người hâm mộ những vết gợn về cách tổ chức của FIFA và đội ngũ trọng tài thiếu chuyên nghiệp.
Vấn đề nổi cộm trong World Cup 2010 chính là những quyết định gây tranh cãi của đội ngũ trọng tài |
World Cup 2010 được tổ chức tại Nam Phi đã đi hết một nửa chặng đường. Phải nói rằng, các trận đấu của World Cup năm nay diễn ra rất sôi nổi, hào hứng và có chất lượng chuyên môn cao. Sức hút mãnh liệt của những trận cầu kịch tính đã khiến người hâm mộ phải liên tục dõi theo trái bóng Jabulani lăn trên từng sân cỏ Nam Phi. Tuy nhiên, không phải trận đấu nào cũng mang lại sự hài lòng cho người hâm mộ về kết quả cuối cùng.
Hạt sạn ở đây chính là đội ngũ những trọng tài "cầm cân, nảy mực" trên sân. Nói một cách rộng hơn, sai lầm chủ yếu là của FIFA. Tôi không phủ nhận năng lực chuyên môn của các trọng tài. Bất kỳ ai có cơ hội điều khiển một trận đấu đều là người được tín nhiệm và có trình độ chuyên môn cao. Tuy nhiên, khi tình huống diễn ra quá nhanh (thậm chí chỉ kéo dài trong tích tắc) hoặc bị khuất tầm nhìn, trọng tài rất dễ mắc sai lầm. Dẫu sau, họ cũng chỉ là những người bình thường. Vì không không thể quan sát thật kĩ mọi tình huống trên sân nên nhiều lúc trọng tài chỉ đưa ra quyết định theo cảm tính.
Câu hỏi đặt ra là tại sao FIFA không sử dụng các thiết bị hiện đại để giúp các trọng tài đưa ra những quyết định chính xác và công bằng trong mỗi trận đấu? Ở đây, tôi xin nêu ra một vài quyết định gây tranh cãi của những Ông vua áo đen ( nếu nhờ đến các thiết bị kĩ thuật hiện đại thì có lẽ họ đã xử lý chính xác hơn).
"Bàn tay bẩn" của Henry đã mang về chiếc vé đến Nam Phi cho đội tuyển Pháp |
Đầu tiên là tấm vé vào vòng bảng của đội tuyển Pháp trong kỳ World Cup năm nay. Nếu là hâm mộ môn thể thao vua, chắc hẳn các bạn sẽ nhớ "màn trình diễn bằng tay" đầy tai tiếng của Henry trong nỗ lực đưa những chú gà trống Goloa đến Nam Phi. Nếu không có "bàn tay bẩn" của Henry, biết đâu đội tuyển CH Ireland đã có thể tham dự World Cup năm nay.
Chắc chắn, người Ireland có chết cũng không bao giờ quên tình huống gây tranh cãi nhất ở phút 103. Từ quả treo bóng sâu vào vòng cấm của Malouda, Henry “thoải mái” đỡ bóng bằng tay gần sát đường biên ngang rồi chuyền sang cho Gallas đánh đầu vào lưới Ireland. Bất chấp sự phản đối dữ dội của các cầu thủ khách cũng như HLV Trapattoni, trọng tài người Thụy Điển Martin Hansson vẫn công nhận bàn thắng của người Pháp.
Sau trận đấu đó, bản thân Henry cũng thừa nhận đã dùng tay ghi bàn. Không trách ông Martin Hansson, tôi chỉ thắc mắc tại sao khi tình huống đó xảy ra, trọng tài lại không nhờ đến các thiết bị kỹ thuật để đưa ra quyết định đúng đắn? Về phần mình, FIFA cũng không cho tổ chức lại trận play-off mặc dù nhận được yêu cầu từ phía Ireland. Có thể nói, chính đôi tuyển Pháp đã cướp mất tấm vé đi Nam Phi trong nước mắt người Ireland. FIFA đã quá sai lầm khi một mực duy trì quan điểm: quyết định của trọng tài là quyết định cuối cùng.
Nếu pha lập công của Lampard không được trọng tài công nhận... |
Tiếp đến là trận đấu knock-out giữa hai kỳ phùng địch thủ Đức và Anh. Một lần nữa, các trọng tài lại mắc sai lầm khi từ chối công nhận bàn thắng của Lampard. Ngoài các trọng tài, cả thế giới đều đồng ý bàn thắng đó là hợp lệ. Tôi không phủ nhận việc người Đức đã chơi hay trong trận đấu tối 27/06. Song, trong bóng đá không thể nói trước điều gì. Nếu người Anh được công nhận bàn thắng đó, hiệp 1 sẽ kết thúc với tỉ số 2-2 và những chú sư tử cũng không phải dâng cao đội hình nhằm tìm kiếm bàn thắng gỡ hòa. Chỉ vì quyết định bất công của trọng lại, Tam sư đã dính đòn tấn công ồ ạt từ người Đức và nhận thất bại chung cuộc với tỉ số đậm 1-4.
Nói như vậy không có nghĩa là tôi chắc chắn Anh sẽ giành quyền đi tiếp nếu bàn thắng của Lampard được công nhận. Điều tôi muốn nói là sự sai sót của đội ngũ trọng tài. Họ phải đưa những quyết định chính xác hơn để các đội bóng tiếp tục cống hiến những trận cầu đẹp mắt và hấp dẫn. Đôi khi, chỉ một sai lầm nhỏ cũng dẫn đến bước ngoặt của cả trận đấu. Một lần nữa, tôi lại tự hỏi tại sao trọng tài không xem xét bàn thắng đó bằng các thiết bị hiện đại rồi hãy kết luận?
...thì bàn thắng của Tevez lại không gặp nhiều trở ngại từ phía Ông vua áo đen |
Sau trận thua đậm của đội tuyển Anh trước cỗ xe tăng Đức là cuộc so tài giữa hai đại diện đến từ Nam Mỹ: Argentina và Mexico. Trong trận đấu này, quyết định của trọng tài lại trở thành đề tài gây tranh cãi. Các cầu thủ Mexico cảm thấy vô cùng oan ức khi bàn thắng mở tỷ số cho Argentina do Tevez lập công đã rơi vào thế việt vị. Tuy nhiên, sau một hồi tranh cãi, trọng tài người Italy Roberto Rosetti vẫn công nhận bàn thắng cho Argentina dù các cầu thủ Mexico đã chỉ tay lên màn hình lớn cho Ông vua áo đen xem lại tình huống quay chậm. Không riêng gì các cầu thủ Mexico, mọi người hâm mộ có mặt trong sân vận động lẫn khán giả xem truyền hình đều thấy rõ đó là một tình huống việt vị. Song, quyết định của trọng tài vẫn là quyết định cuối cùng.
Trên đây chỉ là 3 ví dụ điển hình dùng để chứng mình sự sai lầm trong các quyết định của trọng tài World Cup 2010. Đó là chưa kể đến hàng loạt tình huống "ăn gian" khác nữa như đánh nguội hay giả vờ ngã của các cầu thủ. Cuối cùng, tôi muốn kêu gọi FIFA hãy sử dụng thêm hai trọng tài đứng sau cầu môn như từng áp dụng cho Europa League mùa giải vừa qua. Nếu không, FIFA có thể dùng các thiết bị ghi hình hiện đại để đưa ra quyết định công bằng thay vì mặc các trọng tài liên tục mắc sai lầm. Lý do đơn giản là vì "sai một ly, đi một dặm"!
nguyễn thị thanh thảo
pexinh_pechanh_vipe_iuanh@yahoo.com
Ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh đã bắt đầu. Hãy gửi cho chúng tôi những dự đoán của bạn về đội bóng bạn yêu thích, những cầu thủ bạn hi vọng sẽ tỏa sáng tại Nam Phi. Hoặc chia sẻ cảm nhận của bạn về một kỳ World Cup đáng nhớ, về những trận cầu khó quên, hay một gương mặt cầu thủ khiến bạn nhớ mãi. Gửi ý kiến của bạn tại đây. * Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu và gửi bài viết từ 300 chữ trở lên. |