Ông Jerome Powell - Chủ tịch Fed. Ảnh: Bloomberg. |
CNN đưa tin theo báo cáo được Bộ Thương mại Mỹ công bố hôm 29/6, trong quý I, nền kinh tế Mỹ đã tăng trưởng nhanh hơn nhiều so với ước tính trước đó.
Cụ thể, GDP quý I tăng trưởng 2% so với cùng kỳ năm 2022, vượt xa mức ước tính là 1,3%. Trước đó, các nhà kinh tế được Refinitiv khảo sát dự đoán tốc độ tăng trưởng chỉ là 1,4%.
Kinh tế Mỹ vẫn chống chịu tốt
Tốc độ tăng trưởng GDP được điều chỉnh tăng do sự thay đổi trong các dữ liệu về xuất khẩu, chi tiêu của người tiêu dùng, đầu tư doanh nghiệp, chi tiêu của chính quyền bang và địa phương.
Các dữ liệu mới cho thấy người Mỹ đang tiêu nhiều tiền hơn vào dịch vụ và giảm chi tiêu cho hàng hóa. Chi tiêu đối với những dịch vụ như chăm sóc sức khỏe cũng tăng vọt. Chi tiêu của người tiêu dùng chiếm khoảng 2/3 sản lượng kinh tế.
Sự thay đổi trong xuất - nhập khẩu cũng đóng góp tích cực vào GDP. Xuất khẩu được điều chỉnh tăng so với ước tính trước đây, trong khi nhập khẩu giảm.
Ước tính GDP mới nhất cho thấy nền kinh tế Mỹ đang chống chịu tốt hơn nhiều tưởng tượng. Sức mạnh chi tiêu của người tiêu dùng nước này vẫn còn mạnh mẽ, dù các nhà kinh tế chỉ ra tăng trưởng kinh tế của Mỹ đã giảm tốc trong những tháng gần đây.
Hơn nữa, nhiều người tiêu dùng Mỹ muốn "chi tiêu trả thù" do đã hạn chế chi tiêu trong thời kỳ đại dịch, hoặc không thể mua được những mặt hàng từng khan hiếm trong giai đoạn trước đây.
"Người tiêu dùng vẫn còn tiền dành để chi cho những chiếc ôtô mới, vốn không có sẵn trong 2 năm qua vì tình trạng khan hiếm chip. Họ cũng chi tiêu cho dịch vụ khi nhiều kế hoạch đã bị hoãn lại trong thời kỳ đại dịch", ông Bill Adams - chuyên gia kinh tế trưởng tại Comerica Bank - nói với CNN.
Áp lực với Fed gia tăng
Ngân hàng trung ương Mỹ đã tăng lãi suất điều hành 10 lần liên tiếp kể từ tháng 3 năm ngoái để hạ nhiệt lạm phát. Cơ quan này sẵn sàng đánh đổi bằng tăng trưởng kinh tế giảm tốc và thị trường lao động chậm lại.
"Người tiêu dùng vẫn đang chi tiêu, nhưng họ đã cân nhắc nhiều hơn do lạm phát dai dẳng và các đợt tăng lãi suất kéo dài của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đang tạo ra áp lực lớn", CNN dẫn lời ông Gregory Daco - nhà kinh tế trưởng tại Ernst & Young - nhận định.
"Chúng tôi vẫn nghiêng về kịch bản xảy ra một cuộc suy thoái nhiều hơn. Nhưng chúng tôi đã giảm khả năng xảy ra suy thoái xuống 55%. Và ngay cả khi thực sự xảy ra, cuộc suy thoái này cũng có những đặc điểm riêng", ông nói thêm.
Những dữ liệu mới nhất về nền kinh tế Mỹ sẽ là tin xấu với Fed. Nền kinh tế Mỹ đang chống chịu tốt hơn nhiều so với dự báo. Điều này đồng nghĩa với việc các quan chức ngân hàng trung ương có thể phải làm nhiều hơn.
Sau cuộc họp kéo dài hai ngày trong tháng này của FOMC - cơ quan hoạch định chính sách của Fed, các quan chức giữ nguyên lãi suất điều hành nhưng dự báo sẽ tiếp tục tăng lãi suất thêm 2 lần nữa trong năm nay, mỗi lần 0,25 điểm phần trăm. Lãi suất điều hành của ngân hàng trung ương Mỹ hiện được cố định trong khoảng 5-5,25%.
Theo CNBC, trong một phiên họp về chính sách tiền tệ ở Sintra (Bồ Đào Nha), ông Jerome Powell - Chủ tịch Fed - đã tiết lộ ngân hàng trung ương sẽ "thắt chặt nhiều hơn". Ông cho biết điều đang thúc đẩy lạm phát là một thị trường lao động thiếu cung.
Trên thực tế, 10 đợt nâng lãi suất liên tiếp của Fed có thể vẫn cần thêm thời gian để tác động lên nền kinh tế. Các chính sách tiền tệ như tăng, giảm lãi suất thường có độ trễ nhất định.
Do đó, các quan chức Fed không thể chắc chắn rằng liệu những chính sách tài khóa đã đủ hạn chế để đưa lạm phát về mức mục tiêu hay không.
Hầu hết chuyên gia kinh tế tin rằng các đợt tăng lãi suất sẽ kéo Mỹ vào một cuộc suy thoái, ít nhất là suy thoái nông. "Khả năng các hoạt động kinh tế suy yếu là khá lớn", ông Powell thừa nhận.
Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu... Mời độc giả của Zing đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.