Mỹ đang bế tắc trong việc nâng trần nợ công từ mức 31.400 tỷ USD hiện tại. Ảnh: Reuters. |
Theo Reuters, tại buổi họp báo sau cuộc họp hôm 3/5, ông Jerome Powell - Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) - cho biết Fed không thể bảo vệ nền kinh tế Mỹ trước những rủi ro do việc không nâng trần nợ công.
Theo ông, chính phủ Mỹ không nên tự dồn mình vào thế khó. "Việc giải quyết mâu thuẫn về trần nợ giữa đảng Cộng hòa và Dân chủ là vấn đề của Quốc hội và chính quyền Tổng thống Biden", Chủ tịch Fed lập luận.
Mỹ đứng trước rủi ro vỡ nợ
"Chúng tôi không đưa ra lời khuyên cho bất cứ bên nào. Nhưng chúng tôi chỉ muốn nói rằng, đây là một điều rất quan trọng cần được giải quyết", ông Powell nhấn mạnh.
Ông Powell khẳng định việc Mỹ vỡ nợ là chưa từng có tiền lệ. Điều này sẽ gây ra "vô số hệ quả khó lường", nhưng vị quan chức không nêu chi tiết các rủi ro.
Đầu tuần này, bà Janet Yellen - Bộ trưởng Tài chính Mỹ - tiết lộ rằng theo ước tính chính xác nhất của cơ quan này, Mỹ có thể vỡ nợ sớm nhất vào ngày 1/6. Điều này gióng lên hồi chuông cảnh báo đối với việc nới trần nợ khẩn cấp.
Tổng thống Mỹ Joe Biden đã triệu tập 4 quan chức hàng đầu của Quốc hội Mỹ tới cuộc họp tại Nhà Trắng vào ngày 9/5. Nhưng đến nay, vẫn chưa rõ hướng đi của Washington.
Theo bà Yellen, nguy cơ vỡ nợ sẽ mang đến những "thách thức nghiêm trọng" cho các hộ gia đình Mỹ. Bởi điều này làm gia tăng chi phí vay và hủy hoại danh tiếng của Mỹ trong vai trò nền kinh tế hàng đầu thế giới.
Đầu tuần này, bà Yellen nói với các nhà lập pháp Mỹ rằng Bộ Tài chính có thể sử dụng những công cụ kế toán đặc biệt, nhằm giữ nợ công ở dưới ngưỡng giới hạn đến đầu tháng 6.
Điều này có nghĩa là chính phủ Mỹ sẽ có thêm một tháng để đạt được thỏa thuận nới trần nợ, nhằm tránh được một vụ vỡ nợ nguy hiểm.
Bế tắc về trần nợ
Vài tháng qua, các nhà hoạch định chính sách nước này vẫn chưa thể thống nhất được mức trần nợ mới. Hai bên khó có thể đạt thỏa thuận chung trong khoảng thời gian một tháng ngắn ngủi.
Lưỡng đảng vẫn bế tắc. Tháng trước, Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarth đưa ra kế hoạch giảm chi tiêu 4.500 tỷ USD và chỉ tăng trần nợ thêm 1.500 tỷ USD. Nhưng dự luật này bị Thượng viện Mỹ - do đảng Dân chủ kiểm soát - phản đối.
Trong khi đó, Tổng thống Biden cho biết ông sẵn sàng thảo luận về các biện pháp giảm thiểu thâm hụt ngân sách. Nhưng những biện pháp này cần tách biệt với vấn đề trần nợ.
Đừng nên tin rằng Fed có thể cứu nền kinh tế, hệ thống tài chính và danh tiếng của nước Mỹ trên toàn cầu khỏi những thiệt hại mà sự kiện này gây ra
Chủ tịch Fed Jerome Powell
Theo ông Powell, chưa cần nói đến việc Mỹ thực sự vỡ nợ, vấn đề này nguy hiểm ngay từ khi mới chỉ là một nguy cơ.
"Đừng nên tin rằng Fed có thể cứu nền kinh tế, hệ thống tài chính và danh tiếng của nước Mỹ trên toàn cầu khỏi những thiệt hại mà sự kiện này gây ra", ông Powell nhấn mạnh.
Cũng trong họp báo hôm 3/5, Chủ tịch Fed cho biết lạm phát đã hạ nhiệt phần nào kể từ giữa năm ngoái, nhưng áp lực lạm phát vẫn cao, và con đường đưa lạm phát về mức mục tiêu 2% còn rất dài.
Vị chủ tịch khẳng định vẫn còn quá sớm để cắt giảm lãi suất. "FOMC (cơ quan hoạch định chính sách của Fed) tin rằng lạm phát sẽ không hạ nhiệt nhanh đến vậy. Do đó, việc cắt giảm lãi suất là không phù hợp", ông nhấn mạnh.
Ông Powell cho rằng để đạt được những bước tiến trong việc kìm hãm lạm phát ở khu vực dịch vụ, cần phải hạ nhiệt nhu cầu và tăng trưởng việc làm hơn nữa.
Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu... Mời độc giả của Zing đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.