Cục Dự trữ Liên bang Mỹ quyết định giảm tốc độ tăng lãi suất còn 0,25 điểm phần trăm. Ảnh: Reuters. |
Trong cuộc họp chính sách đầu tiên của năm 2023, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) quyết định tăng lãi suất 0,25 điểm phần trăm, đưa lãi suất điều hành lên 4,5-4,75%, mức cao nhất kể từ tháng 10/2007.
Trước đó, đa số nhà đầu tư đều tin rằng ngân hàng trung ương Mỹ sẽ giảm tốc độ tăng lãi suất xuống 25 điểm cơ bản. Kể từ tháng 3/2022, ngân hàng trung ương Mỹ đã nâng lãi suất điều hành tổng cộng 4,25 điểm phần trăm.
Ngay sau quyết định của Fed, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones giảm 0,72% xuống 33.826,24 điểm. Chỉ số S&P 500 mất 9,21 điểm, tương đương 0,23%, còn 4.069,19 điểm. Còn chỉ số Nasdaq nhích nhẹ 0,25% lên 11.611,79 điểm.
Fed nhẹ tay hơn
Trước cuộc họp quan trọng của Fed, các dữ liệu về lạm phát của Mỹ liên tục phát đi những tín hiệu tích cực. Lạm phát hạ nhiệt sẽ cho phép ngân hàng trung ương nhẹ tay hơn trong việc thắt chặt chính sách tiền tệ.
Theo dữ liệu được Bộ Thương mại Mỹ công bố, trong tháng 12/2022, chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) lõi tại Mỹ - loại trừ giá thực phẩm và năng lượng - tăng 4,4% so với một năm trước đó, giảm từ 4,7% của tháng 11. Đây là mức tăng hàng năm thấp nhất kể từ tháng 10/2021.
Còn chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng cuối năm 2022 tại Mỹ đã ghi nhận mức giảm hàng tháng mạnh nhất kể từ đầu đại dịch, và mức tăng hàng năm thấp nhất trong hơn một năm.
Phố Wall đổ dồn sự chú ý vào bước đi tiếp theo của Fed. Ảnh: Reuters. |
Giới đầu tư cũng dồn sự chú ý vào bài phát biểu trong họp báo ngay sau cuộc họp của ông Powell. Một số chuyên gia dự báo lãi suất điều hành của Mỹ sẽ giảm nhẹ trong cuối năm. Nhưng các quan chức Fed đã nhiều lần bày tỏ sự nghi ngờ đối với bất cứ động thái nới lỏng nào trong năm nay.
Tuyên bố sau cuộc họp của Fed lưu ý rằng lạm phát "đã giảm bớt phần nào nhưng vẫn ở mức cao". Cơ quan hoạch định chính sách của ngân hàng trung ương vẫn nhận thấy cần "tăng lãi suất liên tục trong phạm vi mục tiêu".
Trước đó, giới quan sát dự báo tuyên bố của Fed sẽ không dùng cụm từ "tăng lãi suất liên tục" và thay bằng giọng điệu bớt diều hâu hơn. Nhưng tuyên bố vẫn giữ nguyên cụm từ này.
Giọng điệu của Fed
Các quan chức Fed cho biết sẽ xác định mức độ tăng lãi suất dựa trên những yếu tố như tác động của các đợt tăng lãi suất tính đến nay, độ trễ và sự phát triển trong điều kiện tài chính, kinh tế.
Trước đó, các quan chức đã nhấn mạnh rằng lập trường chính sách thắt chặt sẽ được duy trì đến khi các dữ liệu chỉ ra "lạm phát đang giảm bền vững về 2%".
Chủ tịch Fed Jerome Powell khẳng định dù đã đạt được một số tiến bộ trong cuộc chiến chống lạm phát, ông dự đoán lãi suất vẫn được giữ ở mức cao ngay cả khi đã ngừng tăng.
Các thị trường đang phán đoán cơ quan hoạch định chính sách của Fed sẽ duy trì mức tăng lãi suất 0,25 điểm phần trăm trong cuộc họp tháng 3 rồi tạm dừng. Việc tạm dừng tăng lãi suất nhằm đánh giá tác động đối với nền kinh tế.
Trên thực tế, việc giữ lãi suất ở mức cao sẽ cho phép Fed tiếp tục thắt chặt chính sách một cách kín đáo. Bởi theo chuyên gia Ellen Zentner - nhà kinh tế trưởng tại Morgan Stanley, lãi suất thực tế vẫn tăng cao nếu lạm phát đi xuống, ngay cả khi Fed dừng tăng lãi suất.
Một số dấu hiệu chỉ ra Fed có thể vẫn cần giữ lãi suất ở mức cao. Theo dữ liệu được Bộ Thương mại Mỹ công bố hôm 26/1, GDP quý IV/2022 của Mỹ ghi nhận tốc độ tăng trưởng 2,9% so với năm trước đó.
Tốc độ tăng trưởng thấp hơn một chút so với mức 3,2% của quý III/2022, nhưng vượt dự báo 2,8% của các nhà kinh tế được khảo sát bởi Dow Jones.
Các dữ liệu cho thấy kinh tế Mỹ đang chống chịu tốt hơn dự đoán của thị trường. Chi tiêu tiêu dùng - chiếm khoảng 68% GDP - tăng 2,1% trong quý cuối năm 2022, giảm nhẹ so với mức 2,3% của giai đoạn trước nhưng vẫn duy trì dương.
Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu... Mời độc giả của Zing đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.