Giới chức Mỹ cáo buộc Simon Saw-Teong Ang, 63 tuổi, giáo sư ngành kỹ thuật điện ở Đại học Arkansas - Fayetteville đã lừa đảo trường này cũng như Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA), khi “không khai báo ông cũng giữ các chức vị ở một trường đại học và các công ty Trung Quốc”.
Vì vậy, ông bị cáo buộc vi phạm các chính sách về xung đột lợi ích, theo cáo trạng hình sự mà CNN tiếp cận được. Tội danh mà ông bị cáo buộc là lừa đảo qua hình thức viễn thông, điện tử.
Simon S. Ang, 63 tuổi, bị FBI bắt giữ ngày 8/5. Ảnh: AP. |
“Ông Ang nói dối và không báo cáo các công việc bên ngoài với Đại học Arkansas, cho phép ông giữ công việc của mình ở đây, đồng thời nhận ngân sách nghiên cứu của chính phủ Mỹ”, theo bản khai được nộp lên tòa án liên bang ở khu vực Tây Arkansas.
Nhờ vậy, ông Ang đã nhận được tiền tài trợ và hợp đồng từ các cơ quan liên bang, bao gồm NASA, trong khi mối liên hệ của ông với chính phủ Trung Quốc cũng như chức vị trong một số công ty Trung Quốc sẽ khiến ông không được nhận các khoản tiền từ chính phủ Mỹ, theo hồ sơ nộp lên tòa án.
Đại học Arkansas cho biết ông Simon Ang đã bị đình chỉ công tác không lương, và đại học này đang hợp tác với chính quyền.
Hồ sơ nộp lên tòa án cũng cho biết mối liên hệ của ông Ang bị phát hiện sau khi một nhân viên của trường cố gắng tìm ra người chủ của một ổ cứng được đưa tới quầy tìm đồ thất lạc trong thư viện trường.
Trong khi xem nội dung của ổ cứng, nhân viên này phát hiện một email tháng 9/2018 giữa ông Ang và một nhà nghiên cứu từ Đại học Xidian, ở Tây An, tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc.
Ông Ang viết rằng tình hình chính trị đang trở nên khó khăn hơn. “Ông cứ lên mạng tìm là sẽ thấy Mỹ định làm gì với các học giả của ‘Kế hoạch Ngàn Nhân tài’”, ông Ang viết, “Không nhiều người ở đây biết tôi thuộc chương trình đó, nếu lộ ra, công việc của tôi ở đây cũng gặp rắc rối lớn”.
Theo FBI, chương trình học giả “Nghìn Nhân tài” của Trung Quốc là chương trình của những người làm việc, học tập ngoài Trung Quốc. trong các ngành nghiên cứu mà nước này đặt ưu tiên cao. Các nhà điều tra cho rằng dù những người này thường không phải gián điệp, họ vẫn thu thập thông tin nghiên cứu mà chính quyền Trung Quốc đang cần.
Nói về chương trình này vào năm ngoái, giám đốc an ninh quốc gia của FBI, John Brown, trả lời trước Quốc hội Mỹ rằng các học giả Ngàn Nhân tài thường được Trung Quốc mời gọi, khuyến khích, chuyển về nước những nghiên cứu mà họ thực hiện ở Mỹ, cũng như các thông tin, tài sản trí tuệ. Ông nói họ là “mối đe dọa đáng kể cho nước Mỹ”.
Theo cáo trạng, ông Ang có tiết lộ mình là học giả Ngàn Nhân tài cho Đại học Arkansas năm 2014, nhưng không khai báo mối liên hệ với các chương trình khác mà ông cũng tham gia từ năm 2012 đến 2018.
Cáo trạng của giới chức Mỹ ghi rõ cáo buộc nhắm vào ông Ang liên quan đến tội danh lừa đảo qua hình thức viễn thông, điện tử thay vì do thám.
Cáo trạng nêu ví dụ năm 2016, ông Ang nộp đề xuất xin tài trợ lên NASA cho một hợp đồng trị giá nửa triệu USD, mà không tiết lộ mâu thuẫn lợi ích đến từ các chức vụ của ông ở Trung Quốc. Đề xuất đó sau được NASA lựa chọn.
Nếu bị kết án, ông Ang có thể chịu án tối đa 20 năm tù, theo các quan chức liên bang.