Sự có mặt của McDonald’s tại Việt Nam mới đây lại vừa tạo ra cơn sốt cuồng nhiệt, khiến các thương hiệu thức ăn Việt không thể làm ngơ! Tuy nhiên, các thương hiệu thức ăn nhanh Việt Nam mới chỉ dừng lại ở giai đoạn đầu và chưa đủ sức vươn xa.
Sân chơi của doanh nghiệp Việt
Trong số không nhiều thương hiệu thức ăn nhanh bình dân Việt Nam tạo lập được chỗ đứng trong lòng người tiêu dùng, chuỗi thương hiệu Vina One với các món ăn nhanh đặc trưng kiểu Việt Nam, như phở, cơm tấm, bò beefsteak sau gần 5 năm, đã phát triển lên con số 7 cửa hàng.
“Tôi không sợ cạnh tranh” - anh Phan Trí Thành, chủ hệ thống Vina One cho biết. Thật vậy, ba cửa hàng trong số đó, một ở Phú Mỹ Hưng và hai ở Vincom A (TP.HCM) có vị trí khá gần các thương hiệu thức ăn nhanh nổi tiếng là KFC và Lotteria, nhưng vẫn đông khách.
Trước sự bành trướng của các thương hiệu fastfood nước ngoài, một vài thương hiệu bình dân Việt Nam đã bừng tỉnh. |
Ông chủ Vina One lý giải thêm: “Cách làm tại Vina One là khách hàng phải được phục vụ trong những địa điểm lịch sự, vệ sinh tuyệt đối, nhưng giá cả phù hợp với đa số. Chúng tôi xây dựng và áp dụng các chuẩn mực sạch, bài bản, thiết bị đúng tiêu chuẩn, tương tự các thương hiệu thức ăn nhanh nước ngoài. Sự cầu toàn trong kinh doanh, chuẩn mực trong hệ thống là cách để thương hiệu luôn ở trong tâm trí khách hàng”.
Nếu các thương hiệu thức ăn nhanh nước ngoài thành công nhờ sự hỗ trợ của công nghệ, thì đối với thức ăn Việt, doanh nghiệp cũng cần có “bí kíp” riêng. Chẳng hạn, để tạo ra miếng gà rán ngoài giòn trong mềm mà vẫn đảm bảo độ chín, các hãng phải sử dụng lò nướng chuyên dụng. Với phở, anh Thành cũng mày mò chế tạo ra hệ thống đổ nước lèo tự động để tạo chuẩn định lượng cho từng tô phở, vì nhiều nước hay ít nước quá cũng đều khiến tô phở mất ngon.
Ngoài ra việc sử dụng hệ thống này còn giúp đảm bảo vệ sinh thực phẩm. Tương tự, một nhãn hiệu thức ăn nhanh khác là Tuấn Mập cũng được nhiều người tiêu dùng ủng hộ. Với giá bán chỉ từ 12.000 - 15.000 đồng/ổ bánh mỳ, được xếp vào loại thức ăn nhanh bình dân, thương hiệu bánh mì Tuấn Mập còn vươn xa hơn, khi trở thành một điển hình thành công trong việc nhượng quyền thương mại, và đã phát triển hơn 100 cửa hàng phủ khắp các quận TP.HCM, thậm chí vươn ra các tỉnh lân cận như: Đồng Nai, Vũng Tàu, Bình Dương,…
Cách đây ít lâu, một thương hiệu ăn nhanh là Xôi lá chuối đã ra đời từ ý tưởng kinh doanh của những bạn trẻ thuộc thế hệ 8X. Từ đó đến nay, Xôi lá chuối đã có đến 6 cửa hàng và thu hút khá đông khách.
Chưa thể nhân rộng
Tuy thế, so với các thương hiệu thức ăn nhanh nước ngoài có chiến lược kinh doanh bài bản và nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường bằng kinh nghiệm kinh doanh, khả năng tổ chức điều hành, quản trị hệ thống… các thương hiệu thức ăn nhanh Việt Nam mới chỉ dừng lại ở giai đoạn đầu, chưa đủ sức vươn xa. Điều này cũng dễ hiểu bởi khả năng xây dựng thương hiệu, khả năng tài chính, kinh nghiệm kinh doanh, quản trị hệ thống của các chủ doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn hạn chế.
Ông Phạm Trường Chậm, chủ thương hiệu bánh mì Tuấn Mập nhận xét, xây dựng một món ăn vỉa hè trở thành một chuỗi hệ thống cửa hàng được quản lý bài bản, đồng nhất từ thiết kế bảng hiệu, quảng cáo, tiếp thị cho đến chất lượng sản phẩm… là cả một quá trình lâu dài, đòi hỏi người làm kinh doanh phải có sự đam mê, cầu tiến và đặc biệt là phải giữ đúng những cam kết của mình với khách hàng.
Còn bà Nguyễn Thị Kim Oanh, chủ thương hiệu Wrap&Roll, người có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực nhượng quyền thương hiệu, thì cho rằng tư duy kinh doanh chuỗi cửa hàng rất khác với kinh doanh một vài cửa hàng riêng lẻ.
Ngay từ đầu phải xác định rõ ràng định hướng kinh doanh và thiết lập cả một bộ nguyên tắc cho việc kinh doanh này, thì mọi thứ mới đi vào quy trình và dễ dàng nhân rộng. Có nhiều thương hiệu ẩm thực của Việt Nam có khả năng xây dựng chuỗi, nhưng nếu chỉ có đam mê kinh doanh và tay nghề làm ẩm thực thôi vẫn chưa đủ, mà phải học cách quản trị chuỗi cửa hàng thì mới thành công được. Đây cũng là quan điểm của bà Vũ Thị Kim Yến, chủ thương hiệu Xôi chè Bùi Thị Xuân. Có lẽ vì thế mà thương hiệu Xôi chè Bùi Thị Xuân ra đời từ năm 1977, nhưng đến nay vẫn chỉ dừng lại ở con số 3 cửa hàng.
Có một thực tế mà các chủ thương hiệu ẩm thực ít đề cập đến, là khả năng sinh lợi của từng cửa hàng. Ông Phạm Trường Chậm cho biết thêm: “Chúng tôi luôn đảm bảo bên nhận nhượng quyền có doanh thu trên 12 triệu đồng/ngày”. Nhưng đây chỉ là lời tuyên bố thuộc loại hiếm hoi của một nhà kinh doanh thức ăn nhanh Việt.
Một hạn chế khác là các chủ kinh doanh Việt chưa chú trọng các quy định vệ sinh, khả năng làm tiếp thị và sự đồng đều về chất lượng. Do vậy, từ một khía cạnh nào đó, việc các thương hiệu thức ăn nhanh của nước ngoài đổ bộ cấp tập vào Việt Nam cũng có mặt tích cực, là thức tỉnh những nhà kinh doanh thức ăn Việt, giúp họ học hỏi, rút kinh nghiệm để tìm chỗ đứng riêng trên thị trường.