Hôm 15/2, Tòa án quận Bắc California thông báo Meta đồng ý trả 90 triệu USD để giải quyết vụ kiện kéo dài từ năm 2012. Đây là một trong những con số bồi thường lớn nhất liên quan đến các mạng xã hội.
Vụ kiện tập thể, được đệ trình vào năm 2012, bắt nguồn từ bản cập nhật tính năng Open Graph của Facebook vào năm 2010. Open Graph được thiết kế để cung cấp thông tin chi tiết hơn về hoạt động và sở thích của người dùng cho bạn bè trên mạng xã hội.
Sau nhiều lần kháng cáo, Meta đồng ý bồi thường 90 triệu USD vì xâm phạm quyền riêng tư, theo dõi và thu thập dữ liệu của người dùng. Ảnh: Getty Images. |
Facebook đã tạo nút "Like" trên các trang web. Tính năng này cho phép Facebook sử dụng cookie, thu thập dữ liệu về hoạt động của người dùng trên các trang web đó.
Từ đó, ứng dụng này có thể theo dõi mọi hoạt động của người dùng trên Internet. Theo tài liệu của tòa án, Facebook có thể xem được thông tin liên lạc, trang web người dùng đã truy cập, sản phẩm họ đã xem hoặc mua.
Để giảm bớt lo ngại về quyền riêng tư, đại diện Facebook khi đó cho biết sau khi người dùng đăng xuất, công ty sẽ không thu thập dữ liệu về hoạt động của họ trên những trang web đối tác.
Tuy nhiên, giới nghiên cứu đã phát hiện Facebook vẫn tiếp tục thu thập dữ liệu về hoạt động trên Internet của người dùng ngay cả khi họ đã đăng xuất khỏi ứng dụng.
Sau khi bị lên án vào năm 2011, Facebook ban đầu đã ra sức bào chữa cho Open Graph, nhưng sau đó công ty đã sửa lỗi về thu thập cookies và làm rõ các chính sách của mình.
Theo DiCello Levitt Gutzler, công ty luật tham gia vụ kiện, nếu tòa án thông qua đơn đệ trình, thỏa thuận của Meta sẽ trở thành một trong 10 vụ giải quyết án kiện tập thể về quyền bảo mật dữ liệu lớn nhất nước Mỹ.
Vào năm 2017, sau khi tập thể người dùng khiếu nại lần thứ ba, một thẩm phán đã chấp thuận đề nghị của Facebook và bác bỏ vụ kiện này. Các nguyên đơn lại kháng cáo vào năm 2020. Sau đó, tòa án phúc thẩm ở Mỹ đã đảo ngược quyết định trên.
Facebook tiếp tục đệ trình lên Tòa án tối cao, từ chối có mặt tại phiên xét xử, nhằm mở ra cơ hội cho các bên thương lượng giải quyết. Cuối cùng, tòa án bác bỏ các lý lẽ của Facebook và Meta buộc phải chấp nhận bồi thường số tiền lớn để dàn xếp vụ kiện.
Tuy nhiên, theo CNN Business, Meta không thừa nhận có hành vi sai trái trong vụ kiện này. Công ty này cho rằng việc trả khoản phạt là để làm hài lòng cộng đồng lẫn những cổ đông.
"Vụ kiện đã kéo dài hơn một thập kỷ, việc đưa ra thỏa thuận giải quyết vấn đề là hành động vì lợi ích tốt nhất của cộng đồng và cổ đông. Chúng tôi rất vui khi giải quyết dứt điểm vấn đề này", Drew Pusateri, đại diện của Meta, chia sẻ với CNN Business.
Thỏa thuận bồi thường của Facebook áp dụng cho những người dùng ở Mỹ có tài khoản trong khoảng thời gian từ ngày 22/4/2010-26/9/2011, và đã truy cập các trang web có hiển thị nút "Like" nhưng không thuộc sở hữu của Facebook.
Ngoài ra, Meta đồng ý xóa dữ liệu người dùng mà Facebook đã thu thập thông qua bản cập nhật này.
“Đây thực sự là một lời cảnh tỉnh cho các công ty quảng cáo và Internet có hành vi thu thập dữ liệu người dùng và sử dụng tính năng theo dõi trình duyệt nâng cao", Stephen Grygiel, một trong những luật sư chính đại diện cho vụ kiện cho biết.