Tòa án tối cao Bắc Kinh đã đưa ra phán quyết có lợi cho Facebook chống lại một công ty Trung Quốc đăng ký thương hiệu "face book" tại quốc gia này. Theo tòa, công ty Zhongshan Pearl River chuyên sản xuất thực phẩm đóng hộp đã "vi phạm các nguyên tắc đạo đức" với "ý định sao chép thương hiệu quốc tế".
Facebook bị chặn ở Trung Quốc từ 2009 sau vụ bạo loạn sắc tộc tại Tân Cương, Mark Zuckerberg luôn tìm cách tiếp cận thị trường tỷ dân này. Gần đây nhất là trong khuôn khổ Hội nghị Kinh tế vào tháng 3 tại Trung Quốc, Mark đã thuyết phục các nhà lãnh đạo nước này "gỡ bỏ cấm vận" đối với mạng xã hội này.
Facebook là thương hiệu lạ lẫm đối với người dân Trung Quốc. Ảnh: BBC. |
Tuyên bố của tòa án vào 28/4 đã khiến giới truyền thông Trung Quốc dự đoán lập trường của Bắc Kinh với Facebook đã mềm mỏng hơn. Lãnh đạo của Zhongshan tỏ ra bức xúc với phán quyết của tòa với những lý lẽ như: "Tại sao chính quyền lại cho chúng tôi đăng ký nhãn hiệu này trong quá khứ và nếu Facebook là thương hiệu toàn cầu lại không thể truy cập tại Trung Quốc". Về phía Facebook, hãng từ chối bình luận về vụ việc.
Tuần trước, Apple đã mất thương hiệu iPhone tại Trung Quốc. Tòa án tối cao Bắc Kinh đã từ chối đơn kháng cáo của Apple và cho phép Xintong Tiandi Technology - công ty chuyên kinh doanh đồ da sử dụng thương hiệu "IPHONE" tại quốc gia này.
Tòa án Bắc Kinh từ chối Apple kháng cáo trong việc sử dụng thương hiệu iPhone. Ảnh: BBC. |
Theo tờ The Wall Street Journal, người dùng mạng xã hội Trung Quốc tin rằng Mark Zuckerberg đã "vận động hành lang" với chính phủ nước này để có được phán quyết có lợi từ tòa án.
Trong chuyến đi vừa qua, Mark đã có cuộc gặp cá nhân với ông Lưu Vân Sơn, nhân vật đứng thứ 5 trong Ban Thường vụ Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc và là một trong năm người lãnh đạo tối cao Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Nội dung cuộc gặp này không được tiết lộ.
Từ trước đến nay Mark Zuckerberg luôn thể hiện thái độ "lấy lòng" với Trung Quốc như nhờ Tổng bí thư Trung Quốc Tập Cận Bình đặt tên tiếng Trung cho con gái. Học tiếng Quan thoại hay hình ảnh chạy bộ bên ngoài quảng trường Thiên An Môn. Đặc biệt, Priscilla Chan - vợ của anh cũng là người gốc Trung Quốc.