Bài viết dựa trên quan điểm của tác giả Shira Ovide, New York Times.
Tôi sẽ nói cho bạn một bí mật: “Facebook là cỗ máy kiếm tiền tốt nhất Internet”.
Không chỉ là chốn ẩn náu yêu thích của những kẻ cực đoan trên khắp thế giới, Facebook còn là nơi việc theo dõi, xâm hại quyền riêng tư của người dùng chỉ vì tờ bạc xanh được bình thường hóa. Phải, Facebook đang làm tan chảy bộ não của chúng ta.
Nhưng, dù bạn hay tôi ghét nó, điều đó chẳng thể thay đổi được sự thật rằng vẫn còn hàng triệu, thậm chí hàng tỷ người đang phó mặc cuộc sống cá nhân cho mạng xã hội này.
Dù bị ghét, Facebook vẫn kiếm được núi tiền. Ảnh: Erik Carter. |
Hôm 27/1, Facebook cho biết doanh thu quảng cáo đến từ các nền tảng mạng xã hội trong năm 2020 đạt gần 86 tỷ USD. Mỗi ngày, 2,6 tỷ người trên thế giới vẫn đang sử dụng ít nhất một trong số các ứng dụng của hệ sinh thái Facebook. Và dĩ nhiên, con số này vẫn tăng lên hàng ngày.
Dường như mỗi tuần, Facebook lại dính vào một vụ bê bối khác nhau. Cho dù người dùng có phản đối chính sách hoạt động của công ty, các sản phẩm của Facebook vẫn được hàng tỷ người sử dụng. Cứ thế, hàng loạt doanh nghiệp bắt đầu bơm tiền điên cuồng vào quảng cáo để tiếp cận người dùng, hy vọng nhờ có Facebook, họ có thể phát triển hoạt động của mình, nhất là trong thời kỳ đại dịch.
Đáng nói, những sản phẩm của Facebook không tốn kém bất kỳ chi phí nào. Chính những hành vi hàng ngày của chúng ta trên mạng xã hội là thứ giúp Facebook có lợi nhuận.
Covid-19 đã đem đến cho Facebook cơ hội phát triển hiếm có. Ảnh: Sam Whitney. |
“Khoảng cách giữa sự tai tiếng và thành công tài chính của Facebook chưa bao giờ lớn thế này”, Kurrt Wagner, cây bút của Bloomberg viết.
Các nhà sử học, hãy cho tôi biết liệu có công ty nào trên thế giới, mặc dù bị chê bai và liên tục hứng chịu chỉ trích, lại được sử dụng rộng rãi cũng như thành công như Facebook không?
Ngay từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, các đồng nghiệp của tôi đã dự đoán đây là thời điểm mà mạng xã hội lớn nhất thế giới này trỗi dậy. Chúng ta đã đánh giá quá thấp sự phát triển nhanh chóng của Facebook cũng như những công ty công nghệ.
Apple, Netflix, Microsoft hay những gã khổng lồ công nghệ khác đã và đang tạo ra hàng loạt sản phẩm giúp mọi người và doanh nghiệp khác vượt qua đại dịch. Và cũng chỉ cần có thế, những công ty công nghệ này “tha hồ” mà vơ vét tiền bạc.
Tôi không chắc mình cảm thấy thế nào về việc này.
Vâng, tôi rất biết ơn vì nhờ có Facebook, Amazon, Google và những công ty khác, chúng tôi mới có thể làm việc, đi học, mua sắm cũng như giải trí trong thời điểm Covid-19 hoành hành. Tuy nhiên, chúng tôi khó có thể lờ đi sự chênh lệch tài chính của họ với tình trạng suy thoái của nhiều nền kinh tế trên thế giới, hay tình hình tài chính tồi tệ của nhiều gia đình.
Một lần nữa, tôi băn khoăn nên làm gì để trả lời được câu hỏi quan trọng: “Liệu những điều có lợi cho Big Tech sẽ giúp ích cho chúng ta?”.