Các chiêu trò gian lận đầu tư liên quan đến tiền mã hóa đang ngày càng trở nên phổ biến. Trong một báo cáo về bảo vệ người tiêu dùng, Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ (FTC) nhận định rằng các nền tảng mạng xã hội như Instagram hay Facebook đang trở thành nền tảng để những kẻ lừa đảo lợi dụng. Các hình thức gian lận liên quan đến đầu tư đang ngày một gia tăng trên mạng xã hội.
Cuộc khủng hoảng lừa đảo trên mạng xã hội
Theo báo cáo của FTC, trong năm 2021 tội phạm mạng đã chiếm đoạt tới 770 triệu USD trên các phương tiện mạng xã hội. Từ khoảng 5.000 báo cáo gian lận trong năm 2017, con số này đã lên tới gần 100.000 vào năm 2021, tăng gấp 19 lần, trong khi số lượng thiệt hại về tiền tệ lớn hơn khoảng 18 lần so với cùng kỳ.
Trong báo cáo vào tháng 5/2021, FTC cho biết số trường hợp lừa đảo tiền mã hóa trong năm đã cao hơn 12 lần so với cả năm 2020, tổng thiệt hại đã tăng tới gần 1.000%. Trong đó, các chiêu trò gian lận tiền mã hóa hiện chiếm phần lớn.
Lừa đảo tiền mã hóa trên mạng xã hội đang gia tăng một cách chóng mặt. Ảnh: The Guardian. |
Báo cáo cho thấy 64% các vụ lừa đảo đầu tư được báo cáo trên mạng xã hội liên quan đến thanh toán bằng tiền mã hóa. Trong khi đó, phương thức phổ biến thứ hai - các ứng dụng thanh toán liên kết với tài khoản ngân hàng chỉ chiếm 13% tổng số vụ. FTC kết luận tốc độ lan truyền thông tin nhanh và hệ thống kiểm duyệt nội dung yếu kém của các nền tảng mạng xã hội đã vô tình tiếp tay tội phạm.
Những hình thức lừa đảo phổ biến
Những kẻ lừa đảo trên các mạng xã hội thường đóng giả làm người nổi tiếng, bạn bè hoặc gia đình để khuyến khích người dùng đầu tư vào các dự án mập mờ. Hầu hết khoản "đầu tư" này đều sử dụng tiền mã hóa với hứa hẹn mang lại lợi nhuận lớn. Ngoài ra, các tin tặc có thể hack tài khoản của người dùng và yêu cầu thanh toán bằng Bitcoin hoặc các loại tiền mã hóa khác.
Năm 2020, một hacker 18 tuổi đến từ Florida đã bị bắt sau khi xâm nhập vào tài khoản Twitter của ứng viên Tổng thống Mỹ Joe Biden và Bill Gates. Tin tặc đã gửi tweet từ các tài khoản này để yêu cầu thanh toán bằng tiền mã hóa và hứa rằng tất cả các khoản thanh toán được gửi đến địa chỉ bên dưới sẽ được trả lại gấp đôi. Vụ gian lận này đã gây ra thiệt hại hơn 100.000 USD.
Một vụ việc tương tự cũng xảy ra vào năm 2021, những kẻ mạo danh Elon Musk trên Twitter đã lừa được số tiền lên tới gần 2 triệu USD.
Tin tặc từng chiếm dụng tài khoản Twitter của Tổng thống Joe Biden để lừa đảo. Ảnh: Business Insider. |
“Chính phủ, cơ quan thực thi pháp luật, công ty tiện ích hoặc đơn vị quảng bá sẽ không bao giờ yêu cầu thanh toán bằng tiền mã hóa. Nếu ai đó làm vậy, thì đó là một trò lừa đảo", bà Cristina Miranda, trưởng bộ phận bảo vệ người tiêu dùng và kinh doanh của FTC cho biết.
Ngoài việc giả dạng người nổi tiếng, FTC phát hiện ra rằng những kẻ lừa đảo còn đóng giả làm các chuyên gia để đưa ra "mẹo" đầu tư. Đã có trường hợp tin tặc mạo danh các đại diện từ Coinbase, một nền tảng trao đổi tiền mã hóa phổ biến.
Theo một báo cáo vào tháng 1 của công ty phân tích blockchain Chainalysis, những kẻ lừa đảo tiền mã hóa trên toàn thế giới đã thu về gần 14 tỷ USD.
Theo Chainalysis, sự phổ biến của tài chính phi tập trung (DeFi) là yếu tố hàng đầu dẫn đến bùng nổ gian lận tiền mã hóa. DeFi là một hình thức tài chính không phụ thuộc vào các bên trung gian như người môi giới, sàn giao dịch hay ngân hàng, mà thay vào đó sử dụng các hợp đồng thông minh trên blockchain.
Những người ủng hộ DeFi cho rằng công nghệ này hầu như loại bỏ được những bất tiện như phí giao dịch hay thời gian chờ đợi. Tuy nhiên cơ sở hạ tầng và sự an toàn của DeFi vẫn là một vấn đề đang gây tranh cãi.
DeFi có thể dễ dàng bị tin tặc tấn công và rất khó để các cơ quan quản lý có thể ngăn chặn. Trên thực tế, 21% trong tổng số các vụ hack vào năm 2021 đã tận dụng các sơ hở trong mã DeFi.