Ngay sau sự cố suýt bị "khai tử" tại Thái Lan, Facebook tiếp tục gặp phải nhiều rắc rối trên khắp châu Âu. Tốc độ phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội lớn nhất hành tinh đang đe doạ nghiêm trọng đến các vấn đề an ninh, chính trị của nhiều chính phủ.
Ông chủ Facebook, Mark Zuckerberg cũng phải đối mặt với bài toán nan giải về việc kiểm soát các nội dung được đăng tải trên mạng xã hội do mình sáng lập.
Những rủi ro châu Á
Chính phủ các nước trong khu vực châu Á ngày càng siết chặt việc kiểm duyệt nội dung được đăng trên mạng xã hội nói chung và Facebook nói riêng. đặc biệt là những quốc gia có nhiều biến động về chính trị.
Mới đây toà án hình sự Thái Lan đã trực tiếp gửi email đến CEO Mark Zuckerberg để yêu cầu gỡ bỏ những bài viết được cho là trái phép. Đáp lại yêu cầu của chính phủ, đại diện Facebook tại Thái Lan đã cho gỡ một số nội dung theo yêu cầu.
Ngay sau đó, dưới áp lực từ chính phủ, Hiệp hội các nhà cung cấp dịch vụ Internet tại Thái Lan (Tispa) đã phải ra tối hậu thư với Facebook nếu không muốn bị đóng cửa tại thị trường tiềm năng nhất châu Á này. Nguyên nhân là do Facebook không gỡ bỏ tất cả các bài viết do chính phủ yêu cầu.
Một tháng trước, chính phủ Việt Nam cũng yêu cầu Facebook hợp tác về việc gỡ bỏ thông tin giả danh, tài khoản giả mạo các cá nhân, tổ chức, đặc biệt là tài khoản giả mạo các lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước.
Trong những lần làm việc với chính phủ sở tại, đại diện Facebook đều tỏ rõ thiện chí muốn hợp tác. Tuy nhiên chính sách của họ là giữ nguyên các nội dung do người dùng đăng tải. Những thông tin được cho là trái với pháp luật địa phương sẽ được xem xét gỡ bỏ.
Trước đó không lâu, mạng xã hội lớn nhất hành tinh đã tăng cường 3.000 nhân viên theo dõi để kiểm duyệt nội dung sau sự cố về người dùng ở Thái Lan. Trong video phát trực tiếp, một ông bố đã tự tay giết chết cô con gái 11 tháng tuổi rồi tự sát. Đáng tiếc là video này vẫn tồn tại quá lâu trước khi bị gỡ bỏ.
Chính cơ chế giám sát đầu cuối, thay vì kiểm soát nội dung trước khi đăng tải đã khiến Facebook gặp phải những rủi ro nghiêm trọng này. Theo Mark Zuckerberg, Facebook có khoảng 1,2 tỷ người dùng tích cực mỗi ngày. Vì vậy việc kiểm soát các nội dung trước khi đăng tải hầu như bất khả thi.
Án phạt khắp châu Âu
Không chỉ ở châu Á, Facebook đang phải đối mặt với hàng loạt án phạt và đơn kiện từ các toà án châu Âu. Đầu tháng 5, đảng Xanh của Áo đã đâm đơn kiện Facebook về việc các lãnh đạo của họ bị phỉ báng trên mạng xã hội này. Toà án Áo ra phán quyết buộc Facebook phải xoá những bình luận gây thù địch.
Mới đây cơ quan giám sát dữ liệu CNIL của Pháp cũng chính thức xử phạt Facebook 150.000 euro. Nguyên nhân được đưa ra là do Facebook đã không bảo vệ thông tin của người dùng trước các nhà quảng cáo.
CNIL cho biết mức phạt của họ đối với Facebook là một phần của cuộc điều tra rộng khắp ở châu Âu. Các nước Bỉ, Hà Lan, Tây Ban Nha và Đức đều tiến hành điều tra.
Trong một án phạt năng hơn từ Uỷ ban châu Âu, Reuters cho biết Facebook vừa bị phạt 122 triệu USD do đã phát tán ra những thông tin sai sự thật trong thương vụ thâu tóm WhatsApp.
Nói về án phạt, Margrethe Vestager - Ủy viên phụ trách chính sách cạnh tranh của Ủy ban châu Âu cho biết: "Quyết định này là một lời nhắc nhở rõ ràng đối với các công ty rằng, họ phải tuân thủ tất cả các khía cạnh của các quy tắc sáp nhập của châu Âu, bao gồm nghĩa vụ cung cấp thông tin chính xác".
Đáp lại, Facebook tỏ ra hoàn toàn phục tùng trước án phạt của cơ quan chống độc quyền châu Âu và sẽ không kháng cáo về hình phạt tài chính. Đại diện Facebook cho biết những sai sót trong hồ sơ khai thuế năm 2014 của họ hoàn toàn không phải cố ý.
Trên thực tế, án phạt 122 triệu USD không thấm tháp gì so với doanh thu hàng quý khoảng 8 tỷ USD của Facebook. Tuy nhiên những động thái này cho thấy mức độ ảnh hưởng to lớn của Facebook trên phạm vi toàn cầu.
Chính phủ các nước đang ngày một quan tâm hơn đến những nội dung được truyền tải trên mạng xã hội này. Ngoài những nội dung trái với quy định của luật pháp thì những chính sách về bảo mật thông tin người dùng cũng được các quốc gia đặc biệt lưu ý.