Trong đơn kiện gửi đến Tòa án Liên bang, Ủy viên Hội đồng Thông tin Australia (AIC) cáo buộc Facebook vi phạm luật riêng tư khi tiết lộ thông tin của 311.127 người dùng nhằm mục đích lập hồ sơ chính trị thông qua khảo sát có tên This Is Your Digital Life (Đây là cuộc sống số của bạn). Dữ liệu này sau đó được tổ chức Cambridge Analytica sử dụng mà người dùng không hề hay biết.
“Thiết kế của nền tảng Facebook khiến cho người dùng không thể thực hiện lựa chọn và kiểm soát hợp lý việc tiết lộ thông tin cá nhân của họ”, Angelene Falk - một thành viên AIC tuyên bố.
Facebook lại bị kiện vì rò rỉ dữ liệu người dùng. Ảnh: Reuters. |
Mỗi hành vi vi phạm luật riêng tư có thể bị phạt tối đa 1,1 triệu USD. Khoản tiền phạt sẽ lên tới 346 tỷ USD nếu tòa án yêu cầu bồi thường cho tất cả 311.127 trường hợp. Tuy nhiên, con số này khá viển vông và cần có quyết định sau cùng từ các phiên toà.
Theo Reuters, đại diện của Facebook tại Australia không bình luận gì trước thông tin này.
Tháng 7 năm ngoái, Facebook đã bị Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ (FTC) phạt 5 tỷ USD vì vi phạm quyền riêng tư khách hàng trong vụ bê bối tương tự với Cambridge Analytica. Họ đã thực hiện cuộc thăm dò tính cách người dùng từ năm 2014-2015.
Trong vụ việc đó, Facebook bị buộc tội chia sẻ trái phép thông tin của 87 triệu người dùng trên toàn cầu với công cụ khảo sát của Cambridge Analytica, tổ chức có trụ sở tại Anh hiện đã đóng cửa. Các khách hàng của công ty tư vấn này bao gồm cả chiến dịch bầu cử năm 2016 của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Tuy nhiên, tại thời điểm đó con số 5 tỷ USD tiền phạt được ví như “vết muỗi đốt đối với Facebook”. Thậm chí giá cổ phiếu của hãng còn tăng lên sau phán quyết trên. Doanh thu quý liền sau đó tăng thêm 30%.
Vài tháng sau chiến thắng của ông Donald Trump, Cambridge Analytica đã đăng ký một công ty tại Australia nhưng chưa cung cấp dịch vụ cho bất kỳ đảng phái nào ở đây.
Trong đơn kiện, AIC nói rằng Facebook không biết chính xác bản chất của dữ liệu được chia sẻ với chương trình This Is Your Digital Life của Cambridge Analytica, nhưng đã không thực hiện các bước hợp lý để bảo vệ thông tin cá nhân của người dùng.
“Kết quả là, thông tin cá nhân của người Australia nằm trong diện ảnh hưởng có nguy cơ bị tiết lộ, mua bán và sử dụng vào mục đích chính trị”, hồ sơ tòa án cho biết. “Những vi phạm này đã tác động nghiêm trọng và lặp đi lặp lại với quyền riêng tư của người dùng”.
346 tỷ USD là khoảng tiền phạt khổng lồ đối với một công ty công nghệ. Theo báo cáo tài chính quý IV/2019, Facebook đạt doanh thu 21 tỷ USD, tăng 25% so với quý cùng kỳ. Như vậy, nếu bị tuyên có tội, mạng xã hội này sẽ phải đối mặt với mức phạt gấp hơn 16 lần doanh thu quý gần nhất.