Zing.vn lược dịch bài viết của tác giả Antonio García Martínez đăng trên Vanity Fair về cuộc chiến giữa Facebook và Google Plus năm 2011.
Mark Zuckerberg là một thiên tài. Nhưng Mark không thiên tài kiểu Steve Jobs với mỗi sản phẩm đều hoàn hảo, ông chủ Facebook đã có nhiều thất bại như thương vụ với HTC, sai lầm khi dùng HTML5 vào năm 2012 khiến phiên bản mobile chậm chạp… Còn nhiều ví dụ tương tự nữa.
Thay vào đó, Mark là một thiên tài theo kiểu kinh điển, một kẻ muốn tạo ra trật tự thế giới mới, kẻ gây ảnh hưởng đến những người dưới quyền. Các nhân viên thời kỳ đầu luôn nể phục Mark bởi “hào quang” và tầm nhìn của anh.
Nhiều công ty tại Silicon Valley xây dựng nền văn hóa ưu tiên kỹ thuật, nhưng Facebook đã mang điều này lên một tầm cao mới. Các kỹ sư cầm trịch Facebook, và miễn code của bạn tốt, thì bạn được trọng dụng.
Người ta vẫn truyền tai nhau câu chuyện về chàng thanh niên Chris Putnam với con virus tự chế khiến Facebook lao đao, xóa dữ liệu người dùng. Thay vì kiện cáo và tống Chris vào tù, Dustin Moskovitz, đồng sáng lập Facebook đã tuyển anh này về.
Christ sau đó trở thành một trong những kỹ sư nổi bật nhất của Facebook. Đó là một tư duy độc đáo vào thời điểm đó: khi anh làm được việc, chẳng ai quan tâm đến những thứ đạo đức truyền thống lằng nhằng nữa.
Đó là nền văn hóa doanh nghiệp đã mang lại 500.000 USD mỗi năm cho một thanh niên 23 tuổi. Nền văn hóa đó cũng khiến nhân viên chú tâm làm việc trong một thành phố phồn hoa với kẻ lắm tiền.
Các nhân viên ăn ba bữa một ngày, thi thoảng ngủ lại công ty và chẳng làm gì ngoài viết code, sửa code, hoặc cãi nhau về các tính năng mới trong một nhóm Facebook nội bộ.
Mark Zuckerberg đã tạo nên một văn hóa doanh nghiệp kỳ lạ và tuyệt vời. Ảnh: Vanity Fair. |
Facebook cũng đánh dấu việc được tuyển dụng nhân viên mới hoành tráng với những buổi lễ, thề hẹn và cả một chương trình kỷ niệm với tên gọi Faceversary, nơi mọi đồng nghiệp cùng chúc tụng và tán dương bạn trên con đường mới.
Tương tự, khi công việc kết thúc, bạn sẽ có cảm giác mình vừa chuyển đến một thế giới khác hoàn toàn, Facebook sẽ đăng tấm thẻ nhân viên sờn cũ của bạn lên tường, cùng với vài dòng tin chia tay tự viết, nhận hàng trăm lượt thích và bình luận sau đó.
Nhân viên cũng sẽ rời các nhóm riêng, và họ có thể tham dự vào nhóm cựu nhân viên, nơi mọi người vẫn bàn về Facebook với tư cách khác.
Nói thế để thấy, Facebook tạo ra một môi trường đầy khuyến khích, nơi mọi nhân viên thuộc nằm lòng lời hiệu triệu tạo ra một “thế giới mở và gắn kết hơn”.
Và họ không làm thế chỉ vì tiền
Facebook đầy rẫy những kẻ tràn ngập quyết tâm về một thế giới mà mọi cá nhân đều dán mắt vào mạng xã hội với banner xanh trắng. Đó là điều đáng sợ, bởi nó không phải là lòng tham.
Mọi kẻ tham lam đều có giá của chúng, và hành động của chúng thì dễ đoán định. Nhưng một kẻ đi chinh phạt sẽ không thể mua được bằng tiền, cũng như không ai biết được hắn và những kẻ theo chân sẽ làm gì để đạt được mục đích.
Tháng 6/2011, Google tung ra mạng xã hội Google Plus, không giấu ý định gắn kết nó với các sản phẩm khác như Gmail hay YouTube. Với số lượng người dùng khổng lồ của Google, Google Plus ngay lập tức là mối họa tiềm năng của Facebook, họ cũng có nhiều tính năng ngon lành hơn Facebook như chia sẻ hình ảnh, giao diện thân thiện, gọn gàng hơn.
Thêm vào đó, Google Plus không có quảng cáo bởi Google đã kiếm đủ từ AdWords. Với sự hậu thuẫn của công cụ tìm kiếm Google, họ có lợi thế để chiếm lĩnh mạng xã hội.
Nước đi này ít nhiều gây bất ngờ, dù Google là một thành trì bất khả xâm phạm trong nhiều năm với search là lũy thành chính, họ vẫn lo lắng khi hàng loạt nhân sự của mình tìm đến Facebook. Đây không chỉ là sự chảy máu chất xám, bởi mỗi nhân sự Google mất đi, Facebook lại mạnh lên một chút.
Facebook (trái) đông nghịt nhân viên vào Chủ Nhật, trong khi Google vắng lặng như tờ. Ảnh: Vanity Fair. |
Google Plus là phát pháo bắt đầu một cuộc chiến mới, và đó là quả bom quăng thẳng chứ không chỉ là những cú ve vuốt thông qua các hội thảo, sự kiện. Facebook đã nhận một cú chí mạng, và họ lập tức ban bố tình trạng khẩn cấp trong nội bộ công ty.
Mark Zuckerberg tập hợp tất cả nhân viên trong bài phát biểu “Lockdown” năm 2011. Mục tiêu rất rõ ràng: đây là cuộc chiến giành người dùng, rằng Google đã có sản phẩm mới, rằng mỗi người dùng Facebook mất đi sẽ là một chiến thắng của đối thủ, và ngược lại.
Đây là phép thử lớn nhất cho sức hấp dẫn của hai mạng xã hội, Mark gợi ý một cách mơ hồ về những thay đổi cần có để giữ vững ngôi vị. Ý tưởng chính: tăng cường độ tin cậy, trải nghiệm người dùng và khả năng hoạt động của trang.
Lý thuyết của Facebook cũng rất khác, thay vì chăm chút đến từng chi tiết nhỏ như Apple, văn phòng của Facebook dán đầy những khẩu hiệu như “Xong việc thì tuyệt hơn hoàn hảo” hay “Hoàn hảo là kẻ thù của tốt đẹp”. Họ thà tung ra một sản phẩm còn khiếm khuyết hơn chăm chăm vào sản phẩm lý tưởng nhưng chỉ nằm trên giấy.
“Carthage phải bị tiêu diệt”, Mark kết thúc bài phát biểu bằng trận hỗn chiến từ lịch sử Hy Lạp, và những nhân viên Facebook rời khỏi phòng họp với khí thế của những mãnh tướng.
Carthage phải sụp đổ và những khẩu hiệu quyết chiến khác của Facebook. Ảnh: Vanity Fair. |
Các tấm khẩu hiệu, băng rôn đầy khí thế bắt đầu được treo khắp công ty. Các quán cafe trong khuôn viên Facebook sẽ mở suốt ngày đêm, mọi trụ sở sẽ làm việc không nghỉ. Facebook làm việc 24/7 và nhân viên được yêu cầu có mặt toàn thời gian. Người nhà sẽ được đến văn phòng để thăm người thân vào mỗi cuối tuần.
Đó là những ngày gian khó, khi mỗi cá nhân đều hy sinh ít nhiều đời sống riêng tư vì mục đích chung, có thể ví sự hy sinh là thước đo cho hiệu quả công việc.
Đây là một cuộc chiến người dùng, khốc liệt hơn nhiều so với cuộc chiến giành lợi nhuận.
Bộ phận giao diện, về ứng dụng, phải nghĩ kỹ hơn trước khi ra mắt một tính năng nhằm giữ Facebook gọn gàng. Bộ phận quảng cáo bị thúc ép đưa ra các chiến dịch mới. Đội ngũ kỹ thuật được yêu cầu tăng tốc Facebook hết mức có thể. Các nhóm nội bộ Facebook dành sức lực phân tích từng chi tiết của Google Plus.
Vào ngày Plus ra mắt, Mark cùng vài nhân sự cấp cao được phát hiện đang làm việc với Paul Adam - một trong các nhà thiết kế từng làm việc về Google Plus trước khi đến Facebook.
Google Plus rõ ràng không chơi đùa, các tin tức của mạng xã hội này, rò rỉ một cách vô tình hay cố ý cho thấy mọi hoạt động của Google đã được định hướng để xoay quanh Google Plus. Ngay cả Search, một trong những tính năng được dùng nhiều nhất trên Internet cũng định hướng mọi người, và mọi hoạt động chia sẻ hình ảnh, thậm chí cả chat đều được dùng để đẩy mạnh Plus.
Các lãnh đạo của Google như Larry Page không giấu giếm chuyện đó, dù cho điều này làm Google xáo trộn ít nhiều.
Không ngừng lại ở đó, Google liên tục công bố các con số ấn tượng. Tháng 12/2012, họ thông báo đã có 400 triệu tài khoản đăng ký và 100 triệu người dùng thường xuyên, cột mốc mà Facebook phải mất 4 năm mới có được.
Dường như trận chiến quá lớn ở một vùng đất xa lạ đã khiến Google rời bỏ những chiến thuật thông thường như dữ liệu hay các thông tin về kỹ thuật, thay vào đó họ tung ra các con số khổng lồ để gây ấn tượng vói làng công nghệ và rõ ràng để “hù dọa” Facebook.
Con số này ban đầu gây lo lắng cho nội bộ Facebook (và cả những kẻ bên ngoài), nhưng sau đó các đối thủ nhận ra chúng chỉ là số ảo, không thực sự mang lại giá trị.
Google đã tính tất cả những người click vào nút Google Plus trên mạng là “người dùng thường xuyên”, dù đó gần như chỉ là những cú click vì tò mò sau khi Google phổ cập nút bấm đó nhanh như nấm mọc sau mưa.
Thực tế, người dùng Google Plus rất ít khi đăng tin hoặc tương tác với các nội dung trên đó so với Facebook.
Cái kết đã được báo trước
Vic Gundotra, cựu lãnh đạo Microsoft, đã thầm thì những lời gây sợ hãi vào tai Larry Page, và khiến ông lớn này vội vã tung ra sản phẩm chỉ trong 100 ngày, ngược lại với sự cẩn thận trước đây của họ.
Vic cũng ba hoa về Google Plus mọi lúc mọi nơi, chẳng thèm xem Facebook ra gì, thậm chí không ít lần xách mé mạng xã hội lớn nhất hành tinh. Trong khi đó, các tính năng của Google Plus không thực sự độc đáo, nhiều trong số đó copy y chang từ đối thủ.
Cũng đột ngột như thế, tháng 4/2014, Vic bất ngờ tuyên bố rời khỏi Google, và Google Plus như một chiến hạm chìm nghỉm cùng với sự rời đi của thuyền trưởng.
Thất bại được xác nhận khi đội ngũ Google Plus được chuyển sang phát triển nền tảng Android. Google cũng đổi định dạng Plus từ “sản phẩm” sang “nền tảng”.
Cuộc chiến kết thúc, Facebook đã đánh một trận quá trên cơ.
Và Facebook một lần nữa khẳng định rằng họ là một vương quốc bất khả xâm phạm, ít nhất là từ những đe dọa bằng tiền-và-quyền kiểu truyền thống như Google.
Đây vẫn chỉ là bước khởi đầu, Google vẫn lớn gấp 5 lần Facebook nói về quy mô công ty, và Facebook vẫn chưa có cách thu tiền người dùng.
Nếu Facebook muốn thực sự vững chân trước Google (và cả những kẻ kiếm tiền như núi Apple và Amazon), họ sẽ cần tạo ra nguồn thu riêng, tương tự Adwords của Google hoặc iPhone của Apple.
Để theo đuổi điều đó, Facebook sẽ phải dấn thân vào những dự án táo bạo và đôi khi mơ hồ. Cũng như Google Plus, sản phẩm đó sẽ huy động toàn bộ lực tượng công ty, chỉ để tàn lụi sau những thất bại khốn cùng. Nhưng rồi từ tàn tro của thất bại, cùng những căng thẳng trước ngày Facebook bán cổ phiếu lần đầu tiên, họ rồi sẽ tìm được mỏ vàng riêng: khai thác người dùng di động.