Parkphum Dejhutsadin, một bác sĩ nổi tiếng trên cộng đồng Facebook Thái Lan, nói điện thoại của ông báo tin nhắn liên tục vào chiều 8/2. Hàng trăm người trong số 2 triệu "follower" của Parkphum trong tuyệt vọng đã tìm đến ông cầu cứu.
Jakrapanth Thomma, 32 tuổi, khi đó đang điên loạn xả súng tại trung tâm thương mại Terminal 21 của thành phố Nakhon Ratchasima. Cuộc tấn công vô cớ đã cướp đi sinh mạng của ít nhất 29 người và khiến hàng chục người khác bị thương.
Những người sống sót trốn trong các gian hàng và nhà kho không biết cầu cứu ai ngoài mạng xã hội. Họ gửi tin nhắn xin giúp đỡ và tìm hướng an toàn để thoát thân.
Parkphum hiểu mình có thể giúp họ. Trong gần 16 tiếng cảnh sát và quân đội Thái Lan tìm cách vô hiệu hóa kẻ thủ ác, ông gần như không ngủ để duy trì liên lạc với những người đang kẹt lại trong trung tâm thương mại.
Hình ảnh Jakrapanth Thomma vũ trang hạng nặng được ghi lại bên trong trung tâm thương mại Terminal 21 ngày 8/2. Ảnh: Khaosod. |
Cộng đồng mạng phối hợp giải cứu
"Họ báo cho tôi biết thông tin và hình ảnh nơi họ ẩn nấp. Cơ quan chức năng không thể biết hết vị trí những người sống sót, còn tôi thì biết hết mọi thứ. Tôi không ngủ. Tôi không thể để họ chết được", Parkphum chia sẻ.
"Mọi tin nhắn họ gửi tôi về nơi ẩn náu và có bao nhiêu người trốn cùng đều chính xác khi cảnh sát tiếp cận vị trí. Họ nấp trong H&M (cửa hàng thời trang), Eveandboy (cửa hàng thẩm mỹ) và phòng tập thể hình. Tôi như biết rõ bản thiết kế của cả trung tâm thương mại", Parkphum chia sẻ.
Nhiều tài khoản Facebook nổi tiếng khác cũng vào cuộc, hỗ trợ xác định vị trí các nạn nhân và trấn an những người chưa thể thoát khỏi tòa nhà.
"Tôi bảo mọi người giữ im lặng hết mức và tắt âm điện thoại, gửi cho tôi vị trí và số điện thoại của họ", Witawat Siriprachai, 36 tuổi, admin trang bình luận xã hội "Drama-addict" được nhiều người dùng Facebook tại Thái Lan biết đến, chia sẻ.
"Tôi cảnh báo họ đừng livestream vị trí ẩn nấp vì tay súng cũng sử dụng Facebook", Witawat cho biết.
Pat, 42 tuổi, nói mình nghe tiếng súng nổ khi đang dùng bữa trong trung tâm thương mại. Cô chạy ngay đến một cửa hàng bán điện thoại di động để ẩn náu. Suốt gần 5 tiếng, Facebook là công cụ giúp cô nắm bắt diễn biến vụ tấn công. Cũng nhờ ứng dụng nhắn tin của nền tảng này, Pat đã báo tình hình cho một người bạn và được hướng dẫn kênh liên hệ với cảnh sát.
"Tôi chờ đợi trong bóng tối, cho đến khi cảnh sát phản hồi lời kêu cứu và hỏi vị trí chính xác của tôi", Pat kể lại.
Nhờ đầu mối này, đặc nhiệm Thái Lan đã tổ chức được đường đi và thời gian trốn thoát cho toàn bộ những ai còn kẹt trên cùng tầng của Pat. Khi tay súng ở cách vị trí ẩn náu 3 tầng lầu, cảnh sát báo hiệu an toàn và tổ chức cho mọi người chạy đến lối thoát hiểm. Đặc nhiệm hộ tống và đưa họ đến nơi an toàn vào lúc 23h.
Chiến dịch giải cứu đêm 8/2 diễn ra thành công một phần nhờ thông tin mà cảnh sát tiếp cận được thông qua mạng xã hội. Ảnh: Reuters. |
Lộ bí mật chiến dịch
Trước khi Jakrapanth Thomma bị tiêu diệt trong tầng hầm vào sáng 9/2, các đặc nhiệm đêm trước đó đã phối hợp tiến hành nhiều cuộc đột kích giúp giải cứu hàng trăm người đến nơi an toàn.
"Chúng tôi liên lạc qua Facebook với những ai còn bên trong tòa nhà để thu thập thông tin. Nếu không có nền tảng này, công việc sẽ vô cùng khó khăn. Chúng tôi sẽ không thể biết rõ bao nhiêu người kẹt lại và điều gì đang diễn ra trong đó", Pongpipat Siripornwiwat, phó giám đốc cảnh sát Nakhon Ratchasima, trả lời Reuters.
Thảm kịch tại thành phố cách Bangkok 250 km về phía đông bắc là một ví dụ chân thực về mức độ Facebook gắn kết với cuộc sống của 69 triệu dân tại Thái Lan. Đất nước Đông Nam Á có 56 triệu người dùng hoạt động/tháng. Trung bình mỗi tài khoản online gần 3 tiếng một ngày với phần lớn hoạt động ghi nhận từ điện thoại di động.
Tuy nhiên, bên cạnh công dụng hỗ trợ giải cứu các nạn nhân, việc chia sẻ thông tin cũng dẫn đến không ít khó khăn cho chiến dịch. Cảnh sát cho biết tay súng còn sử dụng các nền tảng này để theo dõi đường đi nước bước của cơ quan chức năng.
"Mạng xã hội là một con dao hai lưỡi. Nó giúp cảnh sát cứu người, nhưng cũng giúp hung thủ nắm rõ từng bước hoạt động của chúng tôi", ông Pongpipat nhận định.
Facebook cũng chính là nền tảng mà tay súng Jakrapanth sử dụng để báo trước ý định đẫm máu của mình, sau đó cập nhật thường xuyên quá trình phạm tội trước khi bị khóa tài khoản vào 19h20 ngày 8/2.
"Chúng nghĩ có thể xài tiền dưới âm phủ được chăng?" là những dòng đăng tải của viên thượng sĩ nhất gần 3 tiếng trước khi nổ súng tại một căn nhà, sau đó tiếp tục hành trình giết chóc tại doanh trại, một ngôi chùa địa phương, cao tốc rồi trung tâm thương mại Terminal 21. Thông điệp cuối cùng mà Jakrapanth viết lên Facebook là: "Tôi có nên đầu hàng hay không", đăng gần 4 tiếng sau khi vụ xả súng bắt đầu.
Mạng xã hội thời gian qua thường bị chỉ trích là tác nhân khuếch đại hoặc thậm chí là khuyến khích các vụ xả súng. Điển hình là vụ thảm sát ở Christchurch, New Zealand, năm 2019. Facebook dường như đã rút ra những bài học đắt giá. Gã khổng lồ mạng xã hội ngày 8/2 hành động quyết liệt sau khi được cộng đồng mạng thông báo, theo Reuters.
Twitter, một nền tảng khác xuất hiện nhiều hình ảnh phản cảm liên quan đến vụ xả súng, cũng xác nhận họ đã nhanh chóng hành động, loại bỏ các video vụ việc và kiểm duyệt hình ảnh bạo lực.
Cả tài khoản Facebook và Instagram của Jakrapanth đều bị xóa. Công ty công nghệ còn truy vết và xóa hết mọi nội dung mà tay súng từng đăng tải hoặc đang được người khác chia sẻ. Những tài khoản giả làm Jakrapanth cũng bị khóa.
"Chúng tôi cũng đáp ứng các đề nghị khẩn cấp từ Cảnh sát Hoàng gia Thái Lan, chia sẻ thông tin liên quan đế tay súng để ngăn chặn thiệt hại thêm nghiêm trọng", thông cáo của Facebook cho biết.