F1 Thượng Hải: Nhanh và chậm
Liệu BrawnGP có tiếp tục phong độ ấn tượng? Ferrari với sự chuyển đổi hệ thống khí động học mới sẽ cải thiện được vị trí? Câu trả lời sẽ có tại Thượng Hải cuối tuần này.
Một góc trường đua Thượng Hải
Thượng Hải là một trong những trường đua hiện đại bậc nhất trên thế giới qua bàn tay nhào nặn của kiến trúc sư người Đức: Hermann Tilke. Thượng Hải tích hợp đầy đủ những yếu tố tốc độ nhanh - chậm, những đoạn đường thẳng dài và những góc cua tròn lớn, một điều kiện rất lý tưởng cho việc cạnh tranh vị trí tại đây.
Sau hai vòng đấu nóng ở Melbourne và Sepang, F1 chuyển đến Thượng Hải với điều kiện thời tiết tốt hơn. Nhiệt độ cao nhất vào tháng 4 tại thành phố này chỉ khoảng 19 độ C, và lượng mưa rất thấp với 94 mm. Trước đây, Thượng Hải thường được tổ chức vào cuối kỳ thi đấu và hay rơi vào những tháng có lượng mưa nhiều khiến việc tổ chức thường xuyên gặp bất lợi.
Với 16 góc cua và nhiều đoạn đường thẳng dài, yếu tố khí động học luôn được các kỹ sư F1 quan tâm nhất. Những cỗ máy vượt qua các khúc cua hỗn hợp, quanh co rồi tiến vào những đoạn đường thẳng dài thì sức ép trọng tâm xe phải tạo đủ lực hãm cần thiết. Độ bám đường của lốp trơn cần được tính toán kỹ lưỡng, nhất là khi xe băng qua góc cua thứ 7 và thứ 8.
Sơ đồ đường đua Thượng Hải
Với xe của BrawnGP, Toyota và Williams thì lực ép trọng tâm đang là lợi thế lớn nhất. Trong hai vòng đấu đầu tiên, khả năng hãm của những chiếc xe này tốt hơn hẳn Ferrari hay McLaren. Tại những đoạn đường thẳng dài, thao tác phanh sẽ ít hơn và đạt hiệu quả cao cho việc bứt phá tốc độ. Cũng chính vì lý do này, FIA đã phải tổ chức cuộc họp tại Paris ngày 14-15/4, nhằm quyết định BrawnGP, Toyota và Williams có còn được sử dụng hệ thống khuếch tán khí động học của họ nữa hay không. Kết quả cuộc họp đã mang lại lợi thế cho ba đội đua trên, khi FIA kết luận hệ thống này không vi phạm luật đua.
Điều đáng ngại thứ 2 tại vòng đua ở Trung Quốc là sự cân bằng xe. Những chiếc xe có độ ổn định cao thì tay đua cũng tự tin hơn khi thao tác tại Thượng Hải. Các góc cua thay đổi hướng liên tục khiến cho độ nhạy của thân xe phải làm việc hết công suất. Cho dù mặt đường tại trường đua này khá bằng phẳng, nhưng khi các tay đua đẩy nhanh gia tốc sau khi phanh, rất khó kiểm soát độ trượt của mặt đường. Góc cua số 14 là một điểm mốc quan trọng cho việc tranh dành vị trí tại đây.
Một cung đường quanh co đầy khó khăn
Với lốp trơn, Thượng Hải chưa bao giờ là một mặt đường lý tưởng. So sánh với A1GP, thì khả năng trượt và mài mòn của lốp trơn là hơn 15% so với các trường đua khác. Lốp xe bị ép chặt khi vào cua và bung ra khi bứt tốc, đồng nghĩa với nhiệt độ tăng nhanh. Tại góc cua số 13, một đường cong lớn với góc quay lên đến 270 độ, lực ly tâm cực lớn và độ mài mòn ở đây sẽ quyết định cho toàn bộ chặng đường trong vòng đấu này.
Hệ thống KERS chắc chắn sẽ thật hữu ích khi làm việc tại Thượng Hải. Hiệu suất động cơ chỉ có 55% ( với Sepang là trên 70% ) thì áp lực động cơ là không lớn cho kỹ sư của các đội đua. Do đó, KERS sẽ là một cách tiếp cận tốt nhất cho việc bứt phá trong những đoạn thẳng dài và góc cua thứ 14.
Một vòng đấu vô cùng khó khăn tại Trung Quốc sẽ là tâm điểm cuối tuần này. Với BrawnGP họ vẫn được đặt niềm tin lớn nhất cho chiến thắng thứ 3 liên tiếp. Ferrari sẽ được mong chờ cho sự chuyển đổi hệ thống khí động học mới sau hai vòng đấu trắng tay. Liệu McLaren có còn là chính mình sau những sự cố với FIA? Câu trả lời sẽ được giải đáp cuối tuần này.
Lịch thi đấu:
Thứ 6 - 17/4/2009:
Làm quen với đường đua 1: 9h00 - 10h30
Làm quen với đường đua 2: 13h00 - 14h30
Trực tiếp: DStv Supersport, Eurosports 2, CCTV 5, SH-G, Fuji Television.
Thứ 7 - 18/4/2009:
Làm quen với đường đua 3: 10h00 - 11h00
Phân hạng: 13h00
Trực tiếp: DStv Supersport, Eurosports 2, CCTV 5, SH-G, Fuji Television, Starsport.
Chủ Nhật 19/4/2009:
Đua chính thức: 14h00
Trực tiếp: DStv Supersport, Eurosports 2, CCTV 5, SH-G, Fuji Television, Starsport.
Dũng Lê
Theo DV