Sáng 24/10, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) tỉnh Bạc Liêu cho biết trong 24 giờ qua, đơn vị ghi nhận 155 F0 qua xét nghiệm RT-PCR. Trong đó, 22 trường hợp tại cộng đồng thị xã Giá Rai, huyện Vĩnh Lợi và Hồng Dân.
Trong 22 F0 trong cộng đồng mới phát hiện tại Bạc Liêu, 15 người liên quan Công ty TNHH Thủy sản Tấn Khởi và Công ty TNHH Thủy sản Châu Bá Thảo, cùng thị xã Giá Rai.
7 trường hợp còn lại có một nhân viên y tế ở phường Láng Tròn (thị xã Giá Rai), 4 người ở xã Ninh Qưới, huyện Hồng Dân; 2 trường hợp tại xã Hưng Hội và Vĩnh Hưng A của huyện Vĩnh Lợi liên quan đến chuỗi lây nhiễm của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bạc Liêu.
Đối với 100 F0 phát hiện tại khu phong tỏa và cách ly tập trung ở Bạc Liêu, 97 người liên quan chuỗi lây nhiễm của Công ty Tấn Khởi và Công ty Châu Bá Thảo. 33 F0 trở về từ TP.HCM và các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An đều được phát hiện trong khu cách ly tập trung.
Tỉnh Bạc Liêu kiên quyết không bỏ chốt cửa ngõ trên quốc lộ 1 để kiểm soát dịch Covid-19. Ảnh: Việt Tường. |
Theo lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Bạc Liêu, những trường hợp về từ các tỉnh, thành không có khả năng lây lan ngoài cộng đồng vì đã được cách ly từ trước. Các trường hợp còn lại khả năng lây lan cao ngoài cộng đồng, do trước khi có kết quả xét nghiệm, các F0 đã tiếp xúc nhiều người.
Tại Kiên Giang, tối 23/10, ngành y tế ghi nhận thêm 99 người nhiễm nCoV, nâng tổng số F0 tính từ ngày 21/6 lên 7.724 trường hợp.
Trong 99 F0 mới tại Kiên Giang có 9 ca cộng đồng (hơn 9%), 45 người trong khu phong tỏa (45,45%), 35 ca đang cách ly tập trung (35,35%) và 10 trường hợp về từ TP.HCM và các tỉnh (10,11%).
“Số ca mắc mới và F0 tại cộng đồng đều tăng hơn ngày trước. Số F0 chiếm tỷ lệ cao chủ yếu tại khu cách ly tập trung, cách ly tại nhà nên đề nghị các địa phương tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định về cách ly và triển khai xét nghiệm tầm soát theo hướng dẫn”, lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Kiên Giang chia sẻ.
24 giờ qua, tỉnh An Giang ghi nhận 297 người nhiễm nCoV. Trong 109 F0 mới tại cộng đồng, huyện Chợ Mới 67 trường hợp, Châu Phú 28 người. Số F0 trở về từ TP.HCM và các tỉnh cũng rất nhiều (39 người).
Theo Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh An Giang, số ca nhiễm trong cộng đồng tăng cao do bệnh nhân tự đến các phòng khám, bệnh viện để sàng lọc. Dịch bệnh tại huyện Chợ Mới đang lan ra thị trấn Chợ Mới và các xã Tấn Mỹ, Bình Phước Xuân và Kiến An (liên quan ổ dịch thị trấn Mỹ Luông).
Nhiều quán ăn tại phường Mỹ Quý, TP Long Xuyên (An Giang) chỉ bán mang về dù được phép phục vụ tại chỗ. Ảnh: Thanh Trần. |
Trước tình hình phức tạp của dịch bệnh, UBND tỉnh An Giang đã có văn bản gửi các địa phương về việc yêu cầu người dân không ra đường từ 20h đến 5h hôm sau. Hiện, An Giang vẫn tiếp nhận trên 1.000 người hồi hương mỗi ngày, trong đó có hàng chục F0 được cách ly, điều trị.
Tại Sóc Trăng, 24 giờ qua tỉnh này phát hiện 87 F0 mới (8 cộng đồng), nâng tổng ca mắc Covid-19 từ cuối tháng 4 đến nay lên 4.278 người. Trong đó, 2.042 trường hợp được điều trị khỏi bệnh.
Nói với Zing, bác sĩ Trần Văn Dũng, Phó giám đốc Sở Y tế tỉnh Sóc Trăng, khẳng định địa phương không phải là điểm nóng dịch Covid-19 dù F0 tăng nhanh trong nhiều ngày.
Theo ông Dũng, tỉnh Sóc Trăng đã kiểm soát được các ca nhiễm nCoV trong cộng đồng. F0 được phát hiện nhiều hiện nay là những trường hợp trở về từ vùng dịch, trong khu cách ly và phong tỏa.
Sóc Trăng vừa hoàn thành bệnh viện dã chiến tại trụ sở Tỉnh đoàn. Ảnh: Nhật Tân. |
Ông Nguyễn Trọng Khánh, Giám đốc Ban Quản lý dự án 1 tỉnh Sóc Trăng, cho biết đơn vị vừa bàn giao cho ngành y tế một bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19 tại trụ sở của Tỉnh đoàn (250 giường). Đơn vị còn đầu tư bệnh viện dã chiến 150 giường tại thị xã Vĩnh Châu và trên 100 giường ở huyện Long Phú.
Tại TP Sóc Trăng, khu cách ly tập trung và điều trị F0 không triệu chứng với quy mô 600 giường đang hoàn thiện trong khu văn hóa Hồ Nước Ngọt với kinh phí hơn 19 tỷ đồng. Bệnh viện Quân dân y tỉnh này được chuyển đổi công năng thành bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19.
Cùng ngày, cơ quan chức năng huyện Châu Thành (Tiền Giang) phong tỏa hàng loạt điểm nguy cơ ở xã Bình Đức sau khi ghi nhận ổ dịch tại 2 doanh nghiệp với 89 F0. Xã này bị Sở Y tế Tiền Giang ra quyết định chuyển từ cấp độ 1 lên cấp độ 4 (vùng đỏ).
Lãnh đạo Huyện ủy Châu Thành cho biết lúc đầu địa phương dự kiến phong tỏa toàn xã Bình Đức với hơn 2.000 hộ dân. Tuy nhiên, huyện sau đó chỉ phong tỏa phạm vi hẹp nhưng kiểm soát chặt các điểm nguy cơ, ngăn chặn dịch bệnh lây lan.
Gần một tuần qua, Tiền Giang liên tiếp có thêm các ca F0 cộng đồng. Trong 24 giờ qua, địa phương ghi nhận thêm 156 F0, trong đó có 32 ca cộng đồng. Châu Thành là huyện có nhiều F0 nhất với 69 ca (25 cộng đồng, 44 trong khu cách ly).
Theo Sở Y tế Tiền Giang, dịch bệnh cơ bản vẫn được kiểm soát nhưng còn xuất hiện một số ca mắc mới, nhỏ lẻ. Các chuỗi ca bệnh cơ bản được khoanh vùng, truy vết, phong tỏa và xử lý.
Tại Trà Vinh, đến sáng 24/10, tỉnh ghi nhận 109 F0 mới. Trong đó, 28 ca cộng đồng. “Tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, lan nhanh qua các khu vực khác. Nhiều chùm ca bệnh chưa rõ nguồn lây”, bác sĩ Kiên Sóc Kha, Giám đốc Sở Y tế Trà Vinh, nói.
Hiện, tỉnh Trà Vinh đang đẩy nhanh tốc độ tiêm vaccine. Địa phương đã tiêm 400.000 liều mũi 1 (đạt 56% tỷ lệ dân số) và 57.000 người được tiêm 2 mũi.
Trong tuần qua, Đồng Tháp cũng ghi nhận hàng loạt F0 trong cộng đồng tại huyện Tân Hồng, Tam Nông và Cao Lãnh. Chính quyền địa phương đã truy vết, triển khai các biện pháp phòng, chống dịch liên quan đến các ca nhiễm mới. Tỉnh này đã tiêm 795.311 liều vaccine mũi 1 và 96.586 người tiêm đủ 2 mũi phòng Covid-19.