Hoạt động sản xuất điện khiến EVN đã lỗ 2 năm liên tiếp. Ảnh: Việt Linh. |
Bộ Công Thương vừa công bố kết quả kiểm tra chi phí giá thành sản xuất kinh doanh điện 2023 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).
Số liệu này được đưa ra sau khi Bộ Công Thương lập đoàn kiểm tra thực tế chi phí sản xuất, kinh doanh điện năm ngoái của tập đoàn này. Đây sẽ là cơ sở để Bộ và EVN tính toán, đề xuất điều chỉnh giá bán lẻ điện.
Theo đó, tổng chi phí sản xuất kinh doanh điện (bao gồm chi phí sản xuất kinh doanh điện của các khâu phát điện, truyền tải điện, phân phối - bán lẻ điện và phụ trợ - quản lý ngành) năm 2023 của EVN là 528.604 tỷ đồng, tăng hơn 7% so với năm 2022.
Mức này tương đương giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2023 là 2.088,9 đồng/kWh, tăng gần 3% so với năm 2022. Trong đó, các khoản thu của EVN và các đơn vị thành viên từ thanh lý, nhượng bán tài sản cố định và vật tư thu hồi, thu nhập từ hoạt động cho thuê cột điện đã được giảm trừ.
Trong năm 2023, giá bán lẻ điện bình quân dao động ở mức 1.920,3-2.006,7 đồng/kWh. Như vậy, ước tính EVN lỗ 82,2-168,5 đồng/kWh điện bán ra.
Theo số liệu, tổng chi phí khâu phát điện tăng 7% lên 441.356 tỷ đồng, tương ứng với giá thành khâu phát điện theo điện thương phẩm là 1.744,12 đồng/kWh.
Tổng chi phí khâu truyền tải điện là 18.879 tỷ đồng, tương ứng với giá thành khâu này theo điện thương phẩm là 74,61 đồng/kWh.
Tổng chi phí khâu phân phối - bán lẻ điện là 66.773 tỷ đồng, tương ứng với giá thành theo điện thương phẩm là 263,87 đồng/kWh.
Tổng chi phí khâu phụ trợ - quản lý ngành là 1.595 tỷ đồng, tương ứng với giá thành điện thương phẩm là 6,31 đồng/kWh.
Ngoài ra, khoản bù giá cho chi phí sản xuất kinh doanh điện tại các xã, huyện đảo chưa nối lưới điện quốc gia là hơn 428 tỷ đồng.
Sản lượng điện thương phẩm thực hiện năm 2023 của EVN được xác định là 253,05 tỷ kWh, tăng hơn 4% so với năm 2022. Doanh thu bán điện thương phẩm năm 2023 là 494.359 tỷ đồng, tăng hơn 8%. Giá bán điện thương phẩm bình quân thực hiện là 1.953,57 đ/kWh, tăng gần 4%.
Tính chung cả năm 2023, hoạt động sản xuất kinh doanh điện của EVN lỗ 34.244 tỷ đồng. Nếu trừ thu nhập tài chính khác, số lỗ giảm còn 21.822 tỷ đồng.
Trên thực tế, đây là năm thứ 2 liên tiếp EVN lỗ sản xuất kinh doanh điện. Năm 2022, tập đoàn cũng lỗ gần 36.300 tỷ đồng từ hoạt động này.
Theo kết quả kiểm tra, các khoản chưa hạch toán vào giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2023 vào khoảng 18.032 tỷ đồng.
Tại phiên chất vấn diễn ra hồi tháng 8, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết điện là một trong những mặt hàng phải đảm bảo bình ổn giá theo chỉ đạo của Nhà nước. Ở đầu vào, EVN là đơn vị duy nhất có chức năng mua bán điện và cung ứng điện để đảm bảo an ninh năng lượng điện quốc gia.
Song, dù phải mua điện với cơ chế giá thị trường, EVN lại phải đảm bảo bình ổn giá đầu ra. Yêu cầu này khiến giá mua vào và bán ra của EVN đã chênh lệch tới 208-216 đồng/kWh.
Trong môi trường kinh tế hiện nay, đầu tư đã trở thành khái niệm không mấy xa lạ với hầu hết mọi người. Để độc giả có thể tiếp cận những xu hướng đầu tư mới nhất, Tri Thức - Znews xây dựng chủ đề Đầu tư qua sách - nơi ghi lại những cuốn sách, câu chuyện, xu hướng đầu tư đã và đang diễn ra. Trong đó, các lĩnh vực đầu tư phổ biến bao gồm bất động sản, chứng khoán, ngoại hối và tiền ảo... Ngoài các câu chuyện về đầu tư, Đầu tư qua sách còn bao gồm các kiến thức về quản lý gia sản, tài chính cá nhân.