Theo TBKTSG Online, Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) đang gấp rút chuẩn bị các lộ trình cho cách tính giá điện theo giờ.
Cụ thể, cách tính này hực hiện vào giờ cao điểm trong các ngày từ thứ hai đến thứ bảy trong tuần: Khoảng thời gian từ 9 giờ 30 đến 11 giờ 30 và từ 17 đến 20 giờ trong ngày là giờ cao điểm; từ 20 giờ hôm trước đến 4 giờ sáng hôm sau là giờ thấp điểm; các giờ không nằm trong khoảng thời gian giờ cao điểm và thấp điểm được tính là giờ bình thường. Được biết, trước đó, ngành điện chỉ thực hiện việc tính tiền điện theo giờ với khách hàng sử dụng điện cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và dịch vụ.
Theo cách tính này, giá mỗi kWh điện của giờ cao điểm và giờ bình thường chênh nhau cả nghìn đồng, còn giá của giờ thấp điểm chỉ vào khoảng 60% so với giờ bình thường.
Để tính tiền điện theo giờ, ngành điện sẽ đưa ra nhiều mức giá bán điện khác nhau, vào những khoảng thời gian khác nhau trong ngày. Riêng ngày chủ nhật, EVN quy định không có khung giờ cao điểm trong việc tính tiền điện. Ngành điện chỉ tính theo giờ thấp điểm (từ 20 giờ hôm trước đến 4 giờ sáng hôm sau) và giờ bình thường từ 4 giờ đến 20 giờ hằng ngày.
Ảnh minh họa. |
Việc tính tiền điện theo giờ nhằm khuyến khích người dân sử dụng điện vào giờ thấp điểm, và hạn chế vào giờ cao điểm, nhằm tránh quá tải, thiếu điện vào giờ cao điểm. Cách làm này được cho rằng sẽ đem lại lợi ích cho cả ngành điện và cho cả người dân.
Cũng theo TBKTSG Online, hiện tập đoàn Điện lực Việt Nam đang hợp tác với một tập đoàn công nghệ thông tin và viễn thông, để phát triển giải pháp tính tiền điện theo giờ cho người dân.
Nguyên lí hoạt động như sau: đồng hồ đo điện của người dân sẽ được gắn thêm một chiếc sim điện thoại có tích hợp sẵn các phần mềm theo dõi thông tin, sau đó chuyển về trung tâm dữ liệu để tính cước.
Trước đó, ông Đinh Quang Tri, Phó tổng giám đốc EVN cho biết, ngành điện đang rất muốn minh bạch mọi thứ. Tuy nhiên, theo ông Tri, việc minh bạch hoàn toàn còn gặp nhiều rào cản, do ngành điện có tới hơn 22 triệu khách hàng với các khung giờ sử dụng cao điểm, thấp điểm khác nhau.
Cũng theo ông Tri, việc tăng giá điện trong tương lai phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: chi phí sản xuất đầu vào, nhu cầu sử dụng điện của người dân.
"Nếu như nhu cầu sử dụng điện của Việt Nam tăng quá nhanh sẽ dẫn đến việc phải vay nợ gấp để phát triển, xây dựng nguồn điện. Vay gấp sẽ có lãi suất cao, chi phí xây dựng lớn...từ đó áp lực lên giá điện. EVN là doanh nghiệp phục vụ xã hội, mục tiêu không phải lợi nhuận. Lợi nhuận 0% đã là mơ ước với EVN rồi", ông Tri nói.
Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực, Bộ Công thương, ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết sắp tới Bộ Công thương sẽ ban hành biểu giá điện chi tiết theo đúng lộ trình tăng giá 7,5%. Ông Tuấn cũng khẳng định Bộ Công Thương sẽ cố gắng công bố biểu giá điện bậc thang đơn giản nhất có thể.