Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

‘EVFTA cho thấy xu thế toàn cầu hoá là không thể đảo ngược'

Đại sứ Phạm Sanh Châu, từng là đại sứ Việt Nam tại EU vào thời kỳ bắt đầu đàm phán EVFTA, cho biết hiệp định sẽ giúp VN sản xuất chuyên nghiệp và hấp dẫn dòng đầu tư hơn.

Ngày 30/6, Liên minh châu Âu (EU) và Việt Nam chính thức ký Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA), và Hiệp định Bảo hộ Đầu tư Việt Nam - EU (IPA), tại Hà Nội, khép lại quá trình đàm phán và rà soát pháp lý kéo dài 7 năm đã buộc hai bên phải vượt qua nhiều khó khăn, theo Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Phạm Sanh Châu.

Việt Nam đã gia nhập câu lạc bộ của “Tứ Đại Đẳng Gia” gồm bốn đại gia thương mại đẳng cấp của châu Á, với Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, để ngồi cùng “mâm trên” với đối tác thương mại lớn nhất và đẳng cấp nhất thế giới

Ông Phạm Sanh Châu từng là đại sứ Việt Nam tại Bỉ và Liên minh châu Âu (EU) giai đoạn 2011-2014, trùng với thời kỳ Việt Nam và EU khởi động đàm phán chính thức EVFTA tháng 6/2012.

Trả lời Zing.vn, ông nói các tiêu chuẩn khắt khe về bảo vệ môi trường trong EVFTA sẽ là thách thức trước mắt với doanh nghiệp Việt Nam, nhưng về lâu dài sẽ có lợi cho đất nước.

Hội đồng châu Âu gọi EVFTA là hiệp định “tham vọng nhất đạt được với một nước đang phát triển” và sẽ loại bỏ gần như toàn bộ thuế đánh vào hàng EU xuất sang Việt Nam (sau 10 năm) và hàng Việt Nam xuất sang EU (sau 7 năm).

Sau lễ ký, EVFTA vẫn cần được Nghị viện châu Âu phê chuẩn thì mới có hiệu lực. Khi ấy 65% thuế quan đánh vào hàng EU xuất sang Việt Nam, và 71% thuế quan hàng Việt Nam sang EU sẽ lập tức biến mất.

FTA thế hệ mới với các quan tâm “mang hơi thở thời đại”

- Việc ký kết được EVFTA trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ thương mại đang lên trên thế giới sẽ tác động thế nào đối với Việt Nam, thưa đại sứ?

- Lợi ích trực tiếp là 71% thuế mà EU đánh vào hàng hoá Việt Nam sẽ tự động huỷ khi hiệp định có hiệu lực, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ xuất khẩu nhiều hơn, nhiều việc làm sẽ được tạo ra và đời sống người dân sẽ được nâng cao.

Một ý nghĩa khác to lớn hơn là Việt Nam đã gia nhập được câu lạc bộ của “Tứ Đại Đẳng Gia” gồm bốn đại gia thương mại đẳng cấp của châu Á, với Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, để ngồi cùng “mâm trên” với đối tác thương mại lớn nhất và đẳng cấp nhất thế giới là Liên minh châu Âu.

EVFTA là FTA thế hệ mới, không chỉ giải quyết thuế quan đối với các thương mại hàng hoá, dịch vụ truyền thống mà còn đề cập cả những quan tâm mang hơi thở thời đại như bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu, quyền của người lao động, cấm lao động trẻ em hay bảo vệ sở hữu trí tuệ, và cả những vấn đề nghe rất lạ như sức khoẻ của động vật, bảo vệ sự đa dạng sinh học.

Vì vậy, hiệp định này sẽ giúp nâng cao nhận thức của Việt Nam về nhiều vấn đề mà quốc tế quan tâm, đồng thời cũng yêu cầu Việt Nam phải tự “nâng cấp” bản thân mình về nhiều mặt, từ hành lang pháp lý đến thực tiễn triển khai, cách làm ăn, buôn bán đến cách tiếp cận các vấn đề xã hội, theo hướng chuyên nghiệp, đẳng cấp và có trách nhiệm hơn.

EVFTA toan cau hoa anh 4
Ngành dệt may được dự đoán sẽ tăng cường xuất khẩu sau khi EVFTA có hiệu lực. Ảnh: AFP.

- Quá trình thảo luận ở Nghị viện châu Âu sắp tới dường như khó đoán, nhất là sau cuộc bầu cử ở Nghị viện và các nghị sĩ theo xu hướng bảo hộ giành ghế. Ông nhận định ra sao về triển vọng EVFTA được Nghị viện châu Âu phê chuẩn?

- Nghị viện châu Âu lần thứ 8 mới được bầu tháng 5, theo nhiệm kỳ 5 năm, là thể chế đóng vai trò ngày càng quan trọng trong đời sống chính trị của người dân EU. Theo quy định, EVFTA chỉ có hiệu lực sau khi được Nghị viện phê chuẩn. Mà để Nghị viện phê chuẩn, hiệp định phải được Uỷ ban Thương mại Quốc tế (INTA), một uỷ ban chuyên trách về thương mại của Nghị viện xem xét, phê duyệt và trình lên phiên toàn thể của Nghị viện châu Âu có trụ sở ở cả Brussels, Bỉ, và Strasbourg, Pháp.

Có hai vấn đề cơ bản được đặt ra: thứ nhất là về thủ tục: khi nào Uỷ ban mới xem xét hiệp định để trình Nghị viện, và khi nào Nghị viện đưa vào chương trình nghị sự để xem xét, phê chuẩn; thứ hai là về nội dung: Uỷ ban và Nghị viện có điều chỉnh gì không?

Kết quả bầu cử Nghị viện châu Âu tháng trước cho thấy phe dân tộc chủ nghĩa và chủ trương bảo hộ có thắng thế hơn trước nhưng chưa đủ mạnh để cản trở hoàn toàn các chính sách tự do thương mại của Uỷ ban châu Âu. Tuy nhiên do Nghị viện mới được bầu, sẽ mất thêm thời gian để ổn định bộ máy, tổ chức và nhân sự của các uỷ ban, trong đó có Uỷ ban Thương mại Quốc tế.

Về mặt nội dung, kể từ khi Hiệp ước Lisbon quy định thẩm quyền các thể chế EU có hiệu lực, Nghị viện châu Âu được đồng hành cùng với Uỷ ban châu Âu xây dựng các chính sách thương mại và đầu tư, và Nghị viện được tham gia giám sát thường xuyên và ngay từ đầu toàn bộ quá trình đàm phán các hiệp định tự do thương mại.

Đàm phán được khởi động tháng 6/2012, và kết thúc tháng 12/2015, rồi đến giai đoạn rà soát văn bản pháp lý, cho đến khi hiệp định có hiệu lực phải trải qua ba nhiệm kỳ của Nghị viện (2009-2014; 2014-2019; 2019-2024)

Với Nghị viện mới, thành viên mới của Uỷ ban Thương mại Quốc tế, thời gian để các nghị sĩ làm quen và thẩm định nội dung của EVFTA sẽ lâu hơn. Tháng 7 này, Nghị viện mới sẽ họp phiên đầu tiên và bầu thành viên các uỷ ban trong đó có INTA.

Nghị viện châu Âu cho phép Uỷ ban châu Âu tiến hành đàm phán với Việt Nam năm 2011. Đàm phán được khởi động tháng 6/2012, và kết thúc tháng 12/2015, rồi đến giai đoạn rà soát văn bản pháp lý, cho đến khi hiệp định có hiệu lực phải trải qua ba nhiệm kỳ của Nghị viện (2009-2014; 2014-2019; 2019-2024). Việc thay đổi các nghị sĩ làm cho quá trình kết thúc và phê chuẩn gặp khó khăn.

Tuy nhiên, với quyết tâm chính trị của hai bên và đà quan hệ phát triển tốt đẹp hiện nay hy vọng rằng hiệp định sẽ được Nghị viện châu Âu phê chuẩn trong một năm, tương tự các FTA mà EU ký với Nhật bản và Singapore.

EVFTA toan cau hoa anh 5
Hiệp định thương mại EVFTA được ca ngợi là “thế hệ mới” vì có các điều khoản về phát triển bền vững như thúc đẩy quyền lao động. Ảnh: Reuters.

Việt Nam hấp dẫn hơn với dòng đầu tư nước ngoài

- Các yêu cầu về phát triển bền vững sẽ có tác động ra sao đối với Việt Nam?

- Kể từ khi EU ký FTA với Nhật bản cách đây gần hai năm, vấn đề hợp tác chống biến đổi khí hậu dựa trên Hiệp định Paris đã được đưa vào FTA. Đây chính là một trong những yếu tố làm cho FTA với EU có đẳng cấp hơn hẳn, nhưng cũng đầy thách thức hơn, nhất là đối với các nước đang phát triển. Đối với Việt Nam, các tiêu chuẩn về môi trường sẽ tạo khó khăn trước mắt cho nhiều doanh nghiệp nhưng về lâu dài sẽ có lợi cho đất nước, nhất là khi Việt Nam chủ trương “không đánh đổi môi trường để phát triển” như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng tuyên bố.

Hơn nữa Việt Nam đã lồng ghép 17 mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc (LHQ) 2030 trong mọi hoạt động của mình. Việt Nam đã từng là một trong những nước về đầu trong việc thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ của LHQ. Vì vậy, việc thực hiện thêm các mục tiêu phát triển bền vững trong EVFTA cũng không tạo thêm sức ép lớn cho Chính phủ Việt Nam.

EVFTA toan cau hoa anh 6
Khí thải từ một nhà máy giấy ở ngoại ô Hà Nội, ngày 21/5/2018. Theo ông Phạm Sanh Châu, các tiêu chuẩn về môi trường trong EVFTA sẽ là khó khăn trước mắt cho doanh nghiệp, nhưng mang lại lợi ích lâu dài cho đất nước. Ảnh: Reuters.

- Việt Nam đang “nhanh chân” hơn các nước châu Á cũng như ASEAN trong việc ký kết FTA với thị trường khổng lồ như EU. Ông có bình luận gì về điều này và “phần thưởng” của việc đi trước như vậy?

- Việc ký EVFTA ngày 30/6 có ý nghĩa to lớn và tác động về nhiều mặt đối với Việt Nam. Nó khẳng định tính đúng đắn của chính sách hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam, nước có độ mở kinh tế lớn nhất trên thế giới xét về quy mô dân số. Nó cho thấy rằng xu thế toàn cầu hoá là không thể đảo ngược mặc dù có thể lúc này chủ nghĩa bảo hộ thắng thế.

Việc các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) đồng ý ký FTA với Việt Nam vào thời điểm này cho thấy tầm quan trọng của nền kinh tế Việt Nam đối với EU nói riêng, và vị thế của Việt Nam trong chính sách đối ngoại của EU và từng nước thành viên.

Sau 5 năm EU và Hàn Quốc thực hiện FTA, quan hệ thương mại của hai bên tăng 45%. Dự kiến thương mại giữa EU và Việt Nam cũng tăng như vậy sau lộ trình gỡ bỏ tới 99% hàng rào thuế quan.

EVFTA toan cau hoa anh 7
Một công trường xây dựng metro ở Hà Nội. EVFTA sẽ mở cửa các gói đấu thầu dịch vụ công ở Việt Nam cho các công ty châu Âu. Ảnh: AFP.

Cùng với lợi ích do Hiệp định CPTPP mang lại, việc ký và phê chuẩn EVFTA sẽ mang lại cho Việt Nam trọn “đôi cánh” để tung bay, tiếp cận vào thị trường rộng lớn của cả trời Âu và trời Thái Bình Dương. Với lợi thế này, Việt Nam sẽ càng trở nên hấp dẫn hơn với dòng đầu tư nước ngoài và một sự chuyển dịch lớn dự kiến sẽ diễn ra trong thời gian tới.

Đàm phán về hiệp định này đã kết thúc cách đây ba năm rưỡi nhưng mãi đến nay cả hai bên mới ký được. Lý do chậm trễ đến từ hai phía: nào là phải tách thành hai hiệp định riêng rẽ về thương mại và đầu tư, nào là Brexit, nào là bận đàm phán CPTPP, nào là cản trở kỹ thuật...

Nhưng cuối cùng lòng kiên trì và sự quyết tâm đã chiến thắng. Vinh quang này xin chia sẻ cho tất cả chúng ta nhưng công đầu tiên xin dành cho những ai đã tham gia trực tiếp và gián tiếp vào quá trình đàm phán, vận động. Nhân dịp lễ ký EVFTA, xin dành cho họ sự ghi công của đất nước và dân tộc. 

- Xin chân thành cảm ơn đại sứ.

‘Nhanh chân ký EVFTA, VN đi tắt quãng đường, cơ hội bắt kịp khu vực'

Đại sứ Ngô Quang Xuân, từng tham gia đàm phán gia nhập WTO, coi EVFTA là “điểm rất sáng” trong bối cảnh chiến tranh thương mại, nhưng VN cần nắm rõ các yêu cầu của EU.

Đại sứ EU: 'EVFTA có thể được ký vào cuối tháng 6 hoặc đầu tháng 7'

Đại sứ EU tại Việt Nam kỳ vọng hiệp định thương mại tự do giữa hai bên sẽ được ký kết vào cuối tháng 6 hoặc đầu tháng 7, đánh giá cao những cam kết và nỗ lực của Việt Nam.

Trọng Thuấn

Bạn có thể quan tâm