Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

EU 'vạ lây' vì đạo luật của ông Biden

Chương trình nghị sự về khí hậu của Tổng thống Joe Biden đang khiến mối quan hệ hợp tác kinh tế lớn nhất thế giới - giữa châu Âu và Mỹ - rạn nứt.

my va chau au anh 1

Trong tháng qua, Mỹ và châu Âu - hai nền kinh tế chiếm 1/3 thương mại toàn cầu - đang có nhiều tranh cãi liên quan tới chương trình nghị sự mang tính bước ngoặt của Tổng thống Joe Biden.

Đạo luật Giảm Lạm phát (IRA) được Quốc hội Mỹ thông qua vào tháng 8 hứa hẹn cung cấp các khoản trợ cấp hào phóng và giảm thuế tiêu dùng đối với các nhà sản xuất ôtô Bắc Mỹ. Cho đến nay, IRA đang phát huy hiệu quả.

Tuy nhiên, châu Âu cho rằng đạo luật này sẽ gây tổn hại cho các công ty của khối đang xuất khẩu vào thị trường Mỹ. Nhật Bản và Hàn Quốc cũng đưa ra mối lo ngại tương tự.

“Không phải cách đối xử với đồng minh”

Theo đạo luật IRA, người tiêu dùng có thể được giảm thuế tới 7.500 USD cho một số loại xe điện (EV) mới tùy thuộc vào số lượng bộ phận của chiếc xe được sản xuất hoặc lắp ráp tại Mỹ, Canada và Mexico.

Ủy ban châu Âu cho rằng chính sách hỗ trợ này sẽ khiến các công ty châu Âu khó cạnh tranh hơn và có thể chuyển hướng đầu tư khỏi khối.

“IRA buộc các công ty châu Âu phải chuyển cơ sở sản xuất sang Mỹ để tham gia vào các dự án có trụ sở tại Mỹ, làm suy yếu năng lực công nghiệp của châu Âu”, bà Yvonne Bendinger-Rothschild, Giám đốc điều hành Phòng Thương mại châu Âu tại Mỹ, nói với CNN.

“‘Tổng thống Biden có thể cần điều kiện này để thông qua dự luật tại Quốc hội, song đây không phải cách đối xử với đồng minh”, bà nhấn mạnh.

Trong hội nghị thượng đỉnh cuối năm của các nhà lãnh đạo EU diễn ra vào ngày 14/12, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng khẳng định: “Bây giờ chúng ta phải phản ứng bằng sức mạnh”.

Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo cũng kêu gọi EU cùng đưa ra kế hoạch để giúp các công ty trong khối tiên phong trong công nghệ xanh, nhằm thúc đẩy nền kinh tế, theo AP.

“Chúng ta phải thúc đẩy đầu tư công của châu Âu để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng. Nếu không có kế hoạch toàn EU như vậy, chúng ta sẽ chỉ cạnh tranh với nhau, trong khi Mỹ hưởng lợi”, ông De Croo nói.

Trước đó, vào ngày 5/12, ông Thierry Breton, quan chức EU chịu trách nhiệm về thị trường nội bộ, cũng rời khỏi cuộc họp của diễn đàn EU - Mỹ về thương mại và công nghệ. Ông nói rằng những lo ngại của khối không được xem xét đúng mức.

Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire cũng từng chỉ trích kế hoạch của Mỹ “gây nguy hiểm cho sân chơi bình đẳng” và làm tăng nguy cơ xảy ra “cuộc chiến thương mại mới”. Bộ trưởng Kinh tế Đức, Robert Habeck, mô tả gói hỗ trợ của Washington là "quá mức" và "hút đầu tư từ châu Âu", theo Politico.

my va chau au anh 2

Nhiều công ty châu Âu đang tìm tới thị trường Mỹ để tìm kiếm ưu đãi từ gói trợ cấp IRA. Ảnh: InsideEVs.

Cả Mỹ và EU đều đang đối mặt rủi ro. Theo Ủy ban châu Âu, thương mại xuyên Đại Tây Dương giữa hai bên đạt kỷ lục 1.200 tỷ euro (tương đương 1.260 nghìn tỷ USD) vào năm 2021, và được coi là “động mạch chính của nền kinh tế thế giới”.

Trong khi Trung Quốc là đối tác lớn nhất của châu Âu về thương mại hàng hóa, Mỹ chiếm vị trí hàng đầu nếu tính cả thương mại dịch vụ và đầu tư.

Mối quan hệ hợp tác đó ngày càng trở nên quan trọng hơn trong năm nay, đặc biệt là đối với châu Âu. Kể từ khi chiến sự nổ ra ở Ukraine vào cuối tháng 2, các chuyến hàng khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Mỹ qua Đại Tây Dương đã gia tăng mạnh mẽ, khi các nước EU nỗ lực thay thế năng lượng nhập khẩu từ Moscow.

Tuy nhiên, IRA là một trở ngại nghiêm trọng tiềm tàng. Dù Mỹ và EU khó rơi vào chiến tranh thương mại, đạo luật này đang thử thách liên minh xuyên Đại Tây Dương và thúc đẩy châu Âu xem xét huy động gói trợ cấp riêng.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đã chỉ trích kế hoạch của Mỹ là biểu hiện của chủ nghĩa bảo hộ, nói rằng nó có thể châm ngòi cho cuộc chạy đua trợ cấp. “Một cuộc chiến thương mại tốn kém” không có lợi cho khối, bà nói.

Trong khi đó, ông Georg Riekeles, Phó giám đốc Trung tâm chính sách châu Âu, tỏ ra bi quan về con đường phía trước. Ông nói với CNN rằng IRA hiện là luật và rất khó để chính quyền Mỹ thực hiện những thay đổi quan trọng.

Tham vọng không thành

Đây không phải là lần đầu Washington và Brussels bất đồng. Năm 2018, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã áp thuế 25% đối với thép và 10% đối với nhôm nhập khẩu từ châu Âu, theo chính sách “Nước Mỹ trên hết” để hỗ trợ ngành công nghiệp trong nước.

Đáp trả, EU đã áp đặt thuế quan đối với một số sản phẩm từ Mỹ, bao gồm quần jean, rượu whisky và xe máy Harley-Davidson. Đến tháng 10/2021, hai bên đồng ý tạm đình chỉ các mức thuế này và nỗ lực tiến tới thỏa thuận chung. Tuy nhiên, tham vọng này gặp nhiều trở ngại.

my va chau au anh 3

Tổng thống Mỹ Joe Biden và các nhà lãnh đạo châu Âu tham dự hội nghị thượng đỉnh tại Brussels. Ảnh: Valeria Mongelli/Bloomberg.

Vào năm 2013, dưới thời cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama, các cuộc đàm phán về Hiệp định Đối tác Thương mại và Đầu tư xuyên Đại Tây Dương (TTIP) đã được khởi động.

Marianne Petsinger, nhà nghiên cứu cấp cao tại Chatham House, nói với CNN rằng châu Âu và Mỹ muốn thỏa thuận này đóng vai trò “đối trọng” với sức mạnh kinh tế ngày càng tăng của Trung Quốc. Song ba năm sau đó, hai bên vẫn không có tiếng nói chung.

Bà cho rằng cuộc đàm phán bị đình trệ do bất đồng về các quy định và loại sản phẩm có thể xuất hiện trên kệ siêu thị của châu Âu.

“Ở một mức độ nào đó, (thất bại của TTIP) xuất phát từ sự phản đối của công chúng (EU) đối với thịt gà được khử trùng bằng clo và thịt bò được nuôi bằng thức ăn chứa hormone”, bà Petsinger nhận định.

Song giới chuyên gia cho rằng Liên minh châu Âu có một vài lựa chọn để ứng phó với đạo luật IRA.

EU có thể khiếu nại với Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) hoặc tung ra gói trợ cấp công nghệ xanh. Hôm 5/12, Bộ trưởng Kinh tế Italy Giancarlo Giorgetti cũng nói rằng EU nên tạo ra “kế hoạch IRA phiên bản châu Âu”, theo Reuters.

Tuy nhiên, cho đến nay, các quy định nghiêm ngặt của EU về “viện trợ chính phủ” đã ngăn các quốc gia thành viên “bơm” quá nhiều nguồn lực vào các ngành công nghiệp trong nước, vì lo ngại bóp méo thị trường nội địa.

“Mục đích của họ là ngăn chặn các cuộc chạy đua trợ cấp giữa các quốc gia thành viên, sự cạnh tranh không lành mạnh và bóp méo thị trường nội bộ EU”, David Kleimann, thành viên công ty nghiên cứu Bruegel có trụ sở tại Brussels, cho biết.

Song bà Von der Leyen ngày 4/12 cho biết khối sẵn sàng “đơn giản hóa” các quy tắc này để “tái cân bằng” sân chơi với Mỹ.

Nhiều ngôi sao xuất hiện tại quốc yến đầu tiên của Tổng thống Biden Nhiều người nổi tiếng đã tham dự quốc yến đầu tiên dưới thời Tổng thống Joe Biden vào ngày 1/12, bao gồm John Legend, Stephen Colbert, Julia Louis-Dreyfus và Jennifer Garner.

Mục Thế giới giới thiệu cuốn sách “Bản sắc cộng đồng của liên minh Châu Âu những vấn đề lý luận và thực tiễn” do NXB Chính trị Quốc gia Sự thật xuất bản năm 2018. Cuốn sách tập trung nghiên cứu bản sắc châu Âu trong tiến trình hình thành và phát triển của EU nhằm làm rõ khái niệm bản sắc cộng đồng mới, bản sắc khu vực và đánh giá thực tế vai trò của một bản sắc chung trong tiến trình hội nhập khu vực ở châu Âu.

G7 và Australia áp trần với giá dầu Nga

Nhóm G7 và Australia hôm 2/12 nhất trí áp giá trần 60 USD/thùng với dầu của Nga được vận chuyển bằng đường biển, sau khi Liên minh châu Âu (EU) đạt được đồng thuận nội khối.

Ông Biden xoa dịu EU

Trong cuộc gặp với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết sẽ có những điều chỉnh về Đạo luật Giảm lạm phát để giải quyết lo ngại của Liên minh châu Âu.

Hải Linh

Bạn có thể quan tâm