Trong cuộc họp ở Brussels, các lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) cũng bày tỏ sự nhẹ nhõm rằng các cử tri Anh đã gửi thông điệp rõ ràng, chấm dứt giai đoạn đầu tiên của cuộc khủng hoảng đã đeo bám châu Âu trong hơn ba năm qua.
Dẫn đầu là Pháp và Đức, các quốc gia thành viên EU cho biết họ sẽ theo đuổi thỏa thuận thương mại nhanh chóng với thời hạn cuối năm 2020 nhưng nhấn mạnh rằng bất kỳ thỏa thuận mới nào cũng phải duy trì các giá trị và chuẩn mực của châu Âu.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cảnh báo về khả năng London có thể trở thành "đối thủ cạnh tranh không công bằng". Ảnh: AFP. |
"Không có chuyện đạt được thỏa thuận bằng mọi giá", Chủ tịch Hội đồng EU Charles Michel phát biểu tại cuộc họp báo sau cuộc hội đàm.
"Các cuộc đàm phán sẽ kết thúc khi kết quả cân bằng và đảm bảo sự tôn trọng đối với các mối quan tâm khác nhau", cựu thủ tướng Bỉ nói.
Thủ tướng Đức Angela Merkel cảnh báo rằng Anh sẽ là đối thủ cạnh tranh kinh tế "trước ngưỡng cửa của chúng ta" sau khi nước này rời khỏi EU. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thấy mối đe dọa rằng London sẽ trở thành "đối thủ cạnh tranh không lành mạnh".
Theo AFP, điều này phản ánh lo ngại rằng Anh có thể trở thành "Singapore trên sông Thames" - một trung tâm thương mại nơi các công ty đa quốc gia có thể tiếp cận thị trường khổng lồ của EU mà không cần tuân thủ các quy tắc của nó.
Brussels cũng lo lắng về tốc độ chóng mặt mà Thủ tướng Johnson muốn đạt được thỏa thuận thương mại với châu Âu, cũng như bất kỳ nỗ lực nào của Anh nhằm phá hoại sự thống nhất giữa 27 thành viên còn lại.
"Khung thời gian phía trước chúng tôi rất khó khăn," Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho biết.
Với Brexit (Anh rời EU) hiện được mong đợi vào ngày 31/1, vào "ngày đầu tiên của tháng 2, chúng tôi sẽ làm việc", bà nói.