Đảng Bảo thủ của Thủ tướng Anh Boris Johnson vừa giành thắng lợi trong buộc bỏ phiếu tối ngày 29/10 với kết quả áp đảo, 439 phiếu thuận và 20 phiếu chống. Với kết quả này, nước Anh chính thức ấn định một cuộc bầu cử sớm vào ngày 12/12 tới.
Đây là lần thứ tư ông Johnson nỗ lực kêu gọi một cuộc bầu cử sớm.
Trước đó, trong cuộc bỏ phiếu ngày 28/10, ông đã thất bại trong việc kêu gọi hai phần ba số nghị sĩ chấp thuận đề nghị này.
Chiến thắng này có ý nghĩa quan trọng với đảng Bảo thủ. Việc không chiếm đa số trong quốc hội tỏ ra là một bất lợi lớn cho chính quyền ông Johnson trong việc kêu gọi sự ủng hộ đối với các quyết sách liên quan tới Brexit.
Sau khi thất bại trong việc để Anh rời EU vào ngày 31/10 - một lời hứa mà ông Boris luôn cam đoan thực hiện - đảng này đứng trước nguy cơ sụt giảm tín nhiệm.
Tổ chức bầu cử sớm là một canh bạc mà nếu thắng, đảng Bảo thủ, với đa số ghế trong quốc hội, có thể khiến Brexit được thông qua dễ dàng hơn, củng cố niềm tin từ EU và đưa Anh rời khỏi châu Âu đúng hạn.
|
Thủ tướng Anh Boris Johnson. Ảnh: Reuters. |
Kết quả xoay chiều
Có công lớn trong thắng lợi này là sự đổi chiều mang tính quyết định của Công đảng Anh.
Trước đó, đảng của ông Jeremy Corbyn không thể đồng thuận trước kế hoạch bầu cử tiền Giáng Sinh của chính quyền ông Johnson. Đảng này kiên quyết không chấp nhận bầu cử chừng nào kế hoạch Brexit không thỏa thuận chưa được loại bỏ.
Chủ tịch đảng này sau đó ủng hộ với đề xuất của đảng Dân chủ tự do (LDP) và đảng Quốc gia Scotland (SNP) bầu cử sớm hơn ba ngày, cho rằng 12/12 là thời điểm trời tại Scotland và nhiều vùng phía bắc Liên hiệp Anh trở tối từ rất sớm, trong khi hầu hết sinh viên đã nghỉ học để chuẩn bị cho Giáng Sinh, khiến lượng cử tri đi bầu giảm đáng kể.
Chính phủ Anh phủ quyết, cho rằng theo luật, cần ít nhất 25 ngày giữa ngày Quốc hội cũ ngưng làm việc và ngày diễn ra bầu cử.
Lãnh đạo Công đảng đối lập Jeremy Corbyn. Ảnh: Reuters. |
Phát biểu trước phóng viên trước cuộc bỏ phiếu 29/10, lãnh đạo Công đảng Jeremy Corbyn giải thích sự xoay chiều của họ: “Toàn bộ 28 thành viên của EU đã đảm bảo Brexit không thỏa thuận sẽ không xảy ra”.
“Chúng tôi sẽ chuẩn bị một chiến dịch bầu cử lớn nhất từ trước tới nay… Chúng tôi không thể chờ đợi được đem tới cho cử tri niềm hy vọng, thứ mà chính phủ đương nhiệm hoàn toàn không có”, ông Corbyn cho biết.
Dấu hỏi về tương lai Công đảng ở quốc hội
Bất chấp nhiều ý kiến cho rằng đảng Bảo thủ đã mất tín nhiệm sau khi thất hứa thực hiện Brexit vào ngày 31/10 hay để thủ tướng Boris Johnson gửi thư “xin” Chủ tịch EU Donald Tusk gia hạn Brexit, nhiều cuộc khảo sát cho thấy điều ngược lại.
Một khảo sát của Britain Elects cho thấy 35% người được hỏi ủng hộ đảng Bảo thủ, trong khi chỉ 25% nghiêng về đảng Lao động.
Khảo sát ngắn bởi trang Daily Express cũng cho thấy dự thảo Brexit mới của ông Boris được 40% người tham gia ủng hộ, cao hơn so với dự thảo trước kia của bà Theresa May.
Tuy nhiên, không thiếu người cho rằng việc có một chính quyền mới chỉ càng làm rối ren thêm tình hình khi chỉ có thể lên nắm quyền vào tháng 1/2020, dẫn đến một Brexit không được chuẩn bị kỹ càng.
Cựu thủ tướng Anh Tony Blair, một thành viên Công đảng, là người ủng hộ mạnh mẽ tổ chức trưng cầu dân ý thay cho bầu cử chung.
Trao đổi với kênh Channel 4, ông Tony Blairs cho biết: “Họ đang cố tình trộn lẫn khái niệm bầu cử và Brexit, và tôi cho rằng đây là nhầm lẫn tai hại. Khả năng Brexit không thành hiện thực chính là lý do tại sao bầu cử không phải cách giải quyết thỏa đáng."
"Brexit phải được quyết định bởi một cuộc trưng cầu dân ý. Đáng lẽ Jeremy Corbyn phải hỏi Boris Johnson rằng tại sao chính quyền ông ta không muốn trao quyết định đi hay ở vào tay người dân Anh.”
Ngưởi biểu tình ủng hộ Brexit tụ tập trước nghị viện Anh. Ảnh: Reuters. |
Cuộc bầu cử chia rẽ trước Giáng Sinh
Brexit là vấn đề gây chia rẽ chính ở Anh chỉ sau Dịch vụ Chăm sóc sức khỏe Quốc gia (NHS).
Cuộc bầu cử quyết định tương lai Brexit sắp tới dự đoán sẽ có nhiều bất ngờ từ bốn đảng chính.
Paula Surridge, nhà xã hội học chính trị tại Đại học Bristol, cho biết cuộc bầu cử ngày 12/12 có khả năng đặt ra những thách thức chính cho cả hai đảng Lao động và Bảo thủ.
Theo chuyên gia này, cả hai đảng đều cần cải thiện số ghế vì “những gì họ đạt được trong cuộc bầu cử năm 2017 đã không còn tương thích với bối cảnh hiện tại”.
Đảng Bảo thủ đã quyên được 5 triệu bảng Anh trong quý II năm nay và dự kiến đầu tư phần lớn ngân sách này vào vận động tranh cử thông qua mạng xã hội và email.
Trong khi đó, đảng Lao động của ông Corbyn thể hiện quyết tâm tăng cường quan hệ với các nước thành viên EU và đặt quyền quyết định Brexit vào tay người dân thông qua trưng cầu dân ý.
Đảng này cũng hứa hẹn tập trung ngân sách vào dịch vụ công như chăm sóc sức khỏe và miễn học phí, lý do khiến đảng này nhận sự ủng hộ từ phần lớn cử tri độ tuổi 18 đến 34, theo kết quả khảo sát của Ipsos Mori.
Chỉ cần 1.97% cử tri đảng Bảo thủ đổi chiều ủng hộ đảng Lao động cũng sẽ khiến đảng của ông Corbyn trở thành đảng cầm quyền ở Westminster với 297 ghế, theo tờ Guardian.
Bên cạnh đó, đảng Quốc gia Scotland được cho là đang quyết tâm chạy đua trong cuộc bầu cử lần này do lo ngại kết quả của phiên tòa với cựu bộ trưởng Alex Salmond sắp tới có thể gây chia rẽ chính trị.
Đảng không kém quan trọng khác là đảng Dân chủ Tự do với tân chủ tịch Jo Swinson là người chống Brexit mạnh mẽ. Đảng này vừa tăng từ 17 ghế trong quốc hội lên 19 ghế chỉ trong vài tháng gần đây.
Brexit vẫn chưa thể thành hiện thực kể từ khi dự thảo này nhận được 51.9% số phiếu trong cuộc trưng cầu dân ý năm 2016.
Cuộc bầu cử sắp tới là đợt bầu cử sớm thứ ba kể từ năm 2015, và là lần đầu nước Anh có bầu cử Giáng Sinh kể từ năm 1923. Dự kiến có 46 triệu cử tri đi bầu cử.