Lời kêu gọi điều tra được Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đưa ra một ngày sau khi cố vấn đối ngoại của bà, Josep Borrell, xác nhận Trung Quốc đã cố gây sức ép với Liên minh châu Âu (EU) về bản báo cáo.
Báo cáo này cáo buộc Trung Quốc tuyên truyền ra quốc tế các thông tin sai lệch về dịch bệnh, “chỉ ra rõ ràng các chiến dịch làm nhiễu thông tin được nhà nước tài trợ và nêu cụ thể các bên đứng sau, bao gồm Trung Quốc”, ông Borrell trả lời chất vấn tại Nghị viện châu Âu.
Tuần này, chính phủ Thụy Điển cũng cho biết sẽ yêu cầu EU mở cuộc điều tra nguồn gốc virus corona và về cách ứng phó của WHO.
Bắc Kinh đã gạt đi những yêu cầu điều tra của cộng đồng quốc tế, và lập luận rằng không nên “chính trị hóa” vấn đề vốn mang tính “khoa học” này.
Việc Bắc Kinh không hợp tác trước các yêu cầu trên đã khiến ngày càng nhiều nước lên tiếng đòi phải điều tra, South China Morning Post bình luận.
“Tôi nghĩ (việc điều tra) là quan trọng đối với tất cả chúng ta. Cho cả thế giới”, bà von der Leyen nói với CNBC ngày 1/5.
“Bạn không thể biết virus tiếp theo sẽ bùng phát khi nào, vì vậy chúng ta muốn rằng khi nó đến thì chúng ta đã học được bài học và thiết lập được cơ chế cảnh báo sớm thực sự hiệu quả, và cả thế giới cần đóng góp vào điều đó”.
Chủ tịch Hội đồng châu Âu Ursula von der Leyen. Ảnh: Reuters. |
Cộng đồng tình báo Mỹ cho biết đã cố xác định xem có mối liên hệ nào giữa virus và một phòng thí nghiệm ở Vũ Hán hay không, nhưng đã kết luận virus không phải nhân tạo, cũng không phải biến đổi gen.
Các lãnh đạo châu Âu khác cũng đã lên tiếng đòi Bắc Kinh phải minh bạch hơn, bao gồm Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Angela Merkel, dù những tuyên bố của họ chưa thẳng thắn yêu cầu Trung Quốc hợp tác điều tra như bà Ursula von der Leyen.
Riêng Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã bác bỏ cáo buộc của Tổng thống Trump rằng virus có thể đến từ phòng thí nghiệm virus ở Vũ Hán.
Một nguồn tin ngoại giao của châu Âu cho biết chính nỗ lực tuyên truyền của Trung Quốc đã khiến EU cứng rắn hơn.
Các nhà ngoại giao Trung Quốc đang hoạt động mạnh trên mạng xã hội nhằm đẩy lui các cáo buộc nói Bắc Kinh nên có phần trách nhiệm về đại dịch.
Trong khi Bắc Kinh gửi hàng triệu khẩu trang tặng nhiều nước châu Âu như Italy, EU cũng lo ngại về uy tín của chính mình khi nỗ lực của khối này giúp đỡ các nước thành viên như Italy mang tính thầm lặng, và cũng đến chậm hơn, so với hỗ trợ từ Trung Quốc.
Trước đó, Bộ Nội vụ Đức cho biết Trung Quốc muốn Đức nhận xét tích cực về cuộc chiến chống dịch của Bắc Kinh, nhưng Berlin từ chối. Theo đó, “có các liên hệ cá nhân từ các nhà ngoại giao Trung Quốc nhằm tạo ra các nhận xét công khai tích cực về việc kiểm soát virus của Trung Quốc”.
Cũng theo Bộ Nội vụ Đức, Berlin đã đáp lại yêu cầu từ Bắc Kinh rằng họ tin sự minh bạch là quan trọng trong việc chống dịch. Trung Quốc phủ nhận nỗ lực này.
Cùng thời gian này, một số nghị viên đảng Bảo thủ của Anh đã lập một nhóm để xem xét lại mối quan hệ với Trung Quốc.