Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại của EP ghi nhận cố gắng của Việt Nam trong việc chống nạn đánh bắt thủy sản phi pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU). Ảnh: Phạm Ngôn. |
“Tôi muốn ghi nhận cố gắng của Việt Nam trong việc chống lại IUU, thể hiện qua cam kết chính trị và sửa đổi quy định pháp luật”, ông David McAllister, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại của EP, nói trong cuộc gặp gỡ báo giới vào chiều 23/2 tại Hà Nội.
Ông McAllister khẳng định đây là vấn đề được hai bên quan tâm và trao đổi rất nhiều.
“Các bạn có thể tin tưởng là khi tôi về Brussels (Bỉ) vào tuần sau, một trong những cuộc gọi đầu tiên của tôi sẽ là nhằm xác định ai đang phụ trách vấn đề này để hỏi về việc thẻ vàng”, vị chủ tịch Ủy ban Đối ngoại EP nhấn mạnh.
Ông McAllister đưa ra khẳng định trên trong bối cảnh đã hơn 5 năm trôi qua kể từ ngày 23/10/2017, thời điểm Ủy ban Châu Âu (EC) đưa ra “thẻ vàng” đối với thủy sản khai thác của Việt Nam.
Quyết định ấy đã khiến xuất khẩu thủy sản của Việt Nam vào EU giảm sút do gặp phải một số hạn chế.
Trước khi bị “thẻ vàng”, thủy sản Việt Nam xuất khẩu sang châu Âu chỉ mất 1-3 ngày thì nay mất 2-3 tuần để kiểm tra nguồn gốc khai thác, từ đó làm mất thời gian và chi phí cho doanh nghiệp. Uy tín và thương hiệu của ngành hải sản Việt Nam cũng có thể chịu ảnh hưởng.
Ông David McAllister, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại của EP, có chuyến thăm Việt Nam trong các ngày 22-23/2. Ảnh: EP. |
Trong hơn 5 năm qua, EC đã 3 lần cử đoàn thanh tra sang Việt Nam để làm việc về vấn đề thẻ vàng thủy sản. Tháng 6 tới đây, đoàn thanh tra EC dự kiến thăm Việt Nam lần thứ 4, theo TTXVN.
Đại sứ EU tại Việt Nam Giorgio Aliberti khẳng định Việt Nam đang đi đúng hướng về mặt quy định pháp luật nhưng điều còn thiếu là ở phương diện thực thi. Về chuyến thăm lần thứ 4 của đoàn thanh tra EC, ông Aliberti cho rằng không nên quá lạc quan vì đây là quá trình kéo dài.
Trước đó, trong một hội nghị hôm 20/2, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến chỉ ra một số khó khăn trong tiến trình gỡ thẻ vàng thủy sản.
TTXVN dẫn lời ông Tiến cho biết dù Việt Nam đã lắp thiết bị giám sát hành trình cho trên 95% tàu cá thuộc diện phải lắp đặt, số còn lại là đối tượng có nguy cơ cao. Hiện tượng tàu vi phạm tại vùng biển nước ngoài vẫn tồn tại.
Cũng trong cuộc gặp gỡ báo chí chiều 23/2, ông McAllister khẳng định sẽ khuyến khích 15/27 thành viên EU còn lại chưa phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA) sớm làm điều này vì nó cũng đem lại lợi ích cho các doanh nghiệp châu Âu.
Về an ninh, chủ tịch Ủy ban Đối ngoại EP cho biết EU đánh giá cao việc Việt Nam đưa 2 cán bộ tham gia phái bộ huấn luyện của EU tại Cộng hòa Trung Phi. Theo ông, EU muốn hợp tác sát sao hơn với Việt Nam về an ninh hàng hải, an ninh mạng và ứng phó khủng hoảng.
Ông McAllister cũng hoan nghênh nỗ lực của Việt Nam trong quá trình ASEAN đàm phán xây dựng Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) thực chất, hiệu lực, có tính ràng buộc pháp lý.
Vị chủ tịch Ủy ban Đối ngoại EP có chuyến thăm Việt Nam trong các ngày 22-23/2. Trước Việt Nam, ông McAllister thăm Indonesia, hiện là nước chủ nhà luân phiên của ASEAN.
Những cuốn sách hay về châu Âu
Zing giới thiệu tới độc giả các cuốn sách hay nên đọc để hiểu thêm về châu Âu, khu vực có bề dày lịch sử được mệnh danh là "lục địa già".
Độc giả có thể xem thêm tại đây.