Các đại sứ EU là những người khởi xướng yêu cầu này và gửi tới Ủy ban châu Âu - cơ quan điều hành của khối - trong bối cảnh Nga đang tiến hành chiến dịch quân sự nhằm vào Ukraine. Các quốc gia đều nói rằng bối cảnh an ninh thay đổi nhanh chóng buộc EU phải nhanh chóng xem xét các hồ sơ dự thầu thành viên, Politico đưa tin.
Các đại sứ EU đã thảo luận về 3 đơn xin gia nhập tại một cuộc họp vào chiều 7/3 (giờ địa phương) trước khi đưa ra quyết định cuối cùng. Lãnh đạo EU sẽ bắt đầu thảo luận về ba đơn xin gia nhập ngay trong tuần này tại Hội nghị thượng đỉnh ở Pháp.
Politico nhận định động thái trên mang giá trị biểu tượng lớn. EU được biết đến với quá trình xét duyệt thành viên bao gồm một loạt bước và có thể kéo dài hơn một thập niên. Croatia là quốc gia cuối cùng gia nhập khối vào năm 2013 và quá trình đăng ký kéo dài tới 10 năm.
Ukraine, Gruzia và Moldova là ba trong số sáu quốc gia EU phân loại là “láng giềng”, theo cách gọi trong sáng kiến “Đối tác phương Đông”. Tuy nhiên, trong nhiều năm, EU lưỡng lự trong việc tăng tốc mở rộng khối.
Tổng thống Ukraine phát biểu trước EC hôm 1/3 thông qua hình thức trực tuyến. Ảnh: Shutterstock. |
Đối với một số nhà ngoại giao, thật khó để tưởng tượng Ukraine, Gruzia và Moldova có thể đột ngột thực hiện những cải cách mà họ gặp khó khăn nhiều năm nay. Quốc gia xin gia nhập cần phải thông qua hệ thống luật đã được thiết lập của EU, cũng như ban hành các cải cách - bao gồm cả hệ thống tư pháp và kinh tế - để đáp ứng các tiêu chí của khối.
Những người khác cho rằng "thật kỳ quặc" khi gộp chung ba quốc gia chỉ vì họ có một số điểm tương đồng.
Mặc dù mỗi bên còn xa mới đạt được tư cách thành viên EU, Ukraine hiện ở trong một tình thế khác do xung đột với Nga hiện tại. Ukraine đã yêu cầu EU đẩy nhanh quá trình gia nhập của nước này trong bối cảnh giao tranh giữa Kyiv và Moscow leo thang nhanh chóng.
Một số quốc gia thành viên EU tán thành tư cách thành viên của Ukraine, bất chấp sự phản đối của những quốc gia khác đối với ý tưởng này do lo ngại về xung đột của Nga với phương Tây.
Các nhà ngoại giao cũng nhấn mạnh dù quá trình gia nhập có thể mất nhiều năm, EU vẫn đang cung cấp cho Ukraine và các nước khác trong khu vực viện trợ tài chính, hỗ trợ nhân đạo và bây giờ, trong trường hợp của Kyiv, là cả vũ khí.
Một số người mong đợi ủy ban sẽ đề xuất vài thỏa thuận đối tác đặc quyền cho Ukraine, Georgia và Moldova trước hội nghị thượng đỉnh trong tuần này.