EU cấm nhập khẩu dầu mỏ của Iran
Chính phủ các nước thuộc liên minh châu Âu EU đã đồng ý với thỏa thuận cấm nhập khẩu dầu mỏ từ phía Iran, nhằm gia tăng áp lực đối với chương trình hạt nhân gây tranh cãi của quốc gia Hồi giáo này.
>>Mỹ điều tàu sân bay tới Vùng Vịnh
>>Iran thử thành công tên lửa tầm xa 'miễn nhiễm' với radar
Các nước EU đã đồng ý thông qua lệnh cấm nhập khẩu dầu từ Iran, một cú đánh mạnh vào nền kinh tế vốn đang bị bao vây của nước này, trong khi các áp lực quốc tế nhằm về phía Tehran vẫn không ngừng gia tăng.
Ngành công nghiệp dầu mỏ của Iran sẽ gặp nhiều khó khăn vì bị cấm vận. |
Các đàm phán về một lệnh cấm nhập khẩu dầu mỏ của Iran được khởi xướng trong cuộc họp của các Bộ trưởng EU hồi tháng trước và đã được chính thức thông qua rạng sáng hôm nay theo giờ Việt Nam. Tuy nhiên, các bên vẫn tiếp tục tranh luận về thời gian áp đặt lệnh trừng phát đối với ngành công nghiệp xuất khẩu dầu mỏ của Tehran.
Thỏa thuận chính thức về các biện pháp trừng phạt sẽ được các Bộ trưởng các nước EU thông qua vào ngày 30/1 nhưng nó có thể chưa có hiệu lực ngay lập tức. Một nhà ngoại giao cho biết, nó có thể có hiệu lực cùng lúc với các biện pháp trừng phạt tài chính của Mỹ nhằm vào các ngân hàng quốc tế hỗ trợ việc bán dầu thô của Iran.
Châu Âu là khách hàng lớn thứ hai của Iran sau Trung Quốc với sức mua khoảng 450.000 thùng dầu trong tổng số 2,6 triệu thừng dầu quốc gia này xuất khẩu mỗi ngày. Đứng trước đe dọa của Châu Âu, Iran khẳng định mình có thể tìm kiếm được những khách hàng mới nhưng chắc chắn giá dầu xuất khẩu của quốc gia này sẽ giảm nhiều.
Tehran cũng cảnh báo lệnh trừng phạt sẽ làm gia tăng căng thẳng ở Trung Đông đồng thời để ngỏ khả năng đóng của eo biển Hormuz, nơi trung chuyển tới 40% sản lượng dầu thô của thế giới. Trong khi đó, Mỹ cũng đã điều tàu sân bay USS John C. Stennis tới khu vực Vùng Vịnh với tuyên bố "không tha thứ" cho Iran nếu như quốc gia này tiến hành chặn eo biển Hormuz.
Trịnh Duy
Theo Infonet