Sáng 14/12, trao đổi với phóng viên Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Long Biên - Chủ tịch UBND huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận cho biết huyện đã chỉ đạo ban ngành chức năng của huyện đến nhà các hộ dân nhận lại bò do xã Nhơn Sơn giao để kiểm tra.
Kết quả kiểm tra thực tế cho thấy đúng là có tình trạng bò kém chất lượng như người dân phản ánh.
“Huyện yêu cầu Đảng ủy xã đưa việc bán bò cho dân ra họp và phải có báo cáo Thường vụ huyện ủy. Sau đó huyện sẽ có hướng chỉ đạo”, ông Biên nói.
Bà Mang Thị Củi (thôn Núi Ngỗng) bức xúc bên con bò già rụng hết răng. |
Trước đó, nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo thôn hai thôn Núi Ngỗng và Lương Tri (xã Nhơn Sơn) cho biết xã ép dân mua bò già, gầy, mắc bệnh với giá từ 18,5 - 20 triệu đồng/con.
Đây là những hộ dân thuộc diện được hưởng chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề theo Quyết định 755/QĐ-TTg ngày 20/5/2013 của Thủ tướng Chính phủ với số tiền 20 triệu đồng/hộ, bao gồm tiền hỗ trợ 5 triệu đồng và vay 15 triệu đồng lãi suất 1,2%/năm, thời gian vay 5 năm.
Tuy nhiên, các hộ dân không được nhận tiền theo chính sách hỗ trợ trên để tự đi mua bò về nuôi mà trên mà xã đứng ra mua bò, sau đó thông báo cho các hộ đến nhận.
Ông Lê Hồng Hà - Chủ tịch Hội Nông dân xã Nhơn Sơn cho biết UBND xã thông báo 37 hộ dân đã nhận bò đợt 1 đến xã ký thanh toán tiền mua bò. Tuy nhiên, hầu hết các hộ dân đều không đồng ý ký thanh toán vì cho rằng xã bán bò không ưng ý, giá cao.
Bà Mang Thị Xúc, ngụ thôn Núi Ngỗng, bức xúc: “Con bò do xã bán vừa già vừa gầy, lại viêm loét ngoài da nên tôi yêu cầu đổi lại thì xã cho xe chở con bò bị sứt mũi đến đổi”.
Còn bà Mang Thị Củi, cho biết nhà bà nhận hai con bò của xã bị mắc bệnh lở mồm long móng, gia đình yêu cầu đổi bò khác. Sau đó, xã cho chở hai con bò đến đổi nhưng lại là bò già rụng hết răng.
Theo ông Hà, đến nay xã đã đổi lại chín con bò theo yêu cầu của dân, nhưng bò được đổi cũng không chất lượng khiến người dân vẫn còn bức xúc. Xã đã kết hợp với một trại bò ở xã Mỹ Sơn (cùng huyện) bán bò cho dân.
“Nếu đem bò mắc bệnh giao cho dân thì sẽ lây lan ra đàn bò trong xã. Rồi bò bệnh có chết thì dân vẫn phải trả nợ vay. Tôi kịch liệt phản đối việc này, thì lãnh đạo xã đòi kỷ luật tôi”, ông Hà nói.
Trong khi đó, ông Nguyễn Hữu Chí - Chủ tịch UBND xã cho biết việc triển khai chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo được cấp ủy, ủy ban xã giao nhiệm vụ cho phó chủ tịch UBND xã là ông Đạo Văn Sói thực hiện.
Trong quá trình thực hiện, ông Sói để xảy ra sai sót là phát bò cho dân trước rồi mới mời dân đến ký thanh toán sau.
Cũng tại tỉnh Ninh Thuận, ở xã Phước Vinh (huyện Ninh Phước), trước đó, cũng đã xảy ra một vụ “Ép dân mua bò theo ý… xã” tương tự mà Tuổi Trẻ đã phản ánh.