Hồi ký Permanent Record của cựu điệp viên Edward Snowden phát hành tháng 9/2019 đã tạo nên cơn địa chấn trong lịch sử tình báo Mỹ. Sách vừa phát hành tại Việt Nam với tên Bị theo dõi.
Được sự đồng ý của Phan Book (đơn vị nắm bản quyền tiếng Việt cuốn sách), Zing trích đăng một phần nội dung tác phẩm.
Đây là điều tôi muốn nhấn mạnh: Vào giữa năm 2012, tôi chỉ đang cố gắng hiểu rõ việc giám sát hàng loạt này thực sự hoạt động ra sao. Hầu như mọi nhà báo sau này tường thuật về các tiết lộ của tôi lại quan tâm chủ yếu đến các mục tiêu giám sát - các nỗ lực theo dõi công dân Mỹ, chẳng hạn, hay theo dõi các lãnh đạo đồng minh của Mỹ.
Như vậy, họ quan tâm đến vấn đề của các báo cáo giám sát này hơn là đến cái hệ thống đã sinh ra chúng. Tôi tôn trọng mối quan tâm đó, tất nhiên, chính tôi cũng quan tâm như họ, nhưng sự tò mò hàng đầu của tôi vẫn là bản chất kỹ thuật.
Sách Bị theo dõi. Ảnh: Phan Book. |
Đúng là nên và cần phải đọc một tài liệu hoặc nhấp chuột qua các trang trình bày PowerPoint để biết được một chương trình nào đó sẽ thực hiện mục đích gì, nhưng bạn càng hiểu rõ hơn về cơ chế hoạt động của một chương trình thì bạn càng hiểu rõ khả năng lạm dụng của nó.
Vì thế tôi không quan tâm nhiều đến các tài liệu tóm tắt, ví dụ như, tập tin có lẽ đã trở thành tài liệu nổi tiếng nhất mà tôi tiết lộ, một bản trình chiếu từ một bài thuyết trình PowerPoint 2011 phác hoạ sức mạnh giám sát mới của NSA qua sáu tiến trình: “Thăm dò tất cả, Hiểu biết tất cả, Tập hợp tất cả, Xử lý tất cả, Khai thác tất cả, Hợp tác tất cả".
Đây chỉ là ngôn ngữ quảng cáo rao hàng, nhằm để gây ấn tượng với các đồng minh của Mỹ: Úc, Canada, New Zealand và Anh quốc, những quốc gia chính mà Mỹ chia sẻ thông tin tình báo. (Cùng Mỹ, các quốc gia này được gọi là liên minh Five Eyes - Năm con mắt).
“Thăm dò tất cả” có nghĩa là tìm ra nguồn dữ liệu; “Hiểu biết tất cả” là tìm hiểu xem dữ liệu đó là gì; “Tập hợp tất cả” là thu thập dữ liệu đó; “Xử lý tất cả” là phân tích dữ liệu đó để tìm thông tin tình báo hữu dụng; “Khai thác tất cả” là dùng thông tin tình báo đó để xúc tiến các mục đích của NSA, và “Hợp tác tất cả” là chia sẻ nguồn dữ liệu mới với các đồng minh.
Mặc dù kiểu đặt tên phân loại sáu mũi nhọn này dễ nhớ, dễ rao bán và là thước đo chính xác về quy mô tham vọng của NSA và mức độ cấu kết của cơ quan này với các chính phủ nước ngoài, nhưng cái ngôn ngữ ấy không cho tôi biết đích xác về cách thức thực hiện tham vọng đó về mặt kỹ thuật.
Tiết lộ nhiều hơn nữa là một mệnh lệnh của Toà án FISA mà tôi tìm được, một yêu cầu hợp pháp buộc một công ty tư nhân phải nộp thông tin cá nhân các khách hàng cho chính phủ liên bang.
Edward Snowden. Ảnh: Theguardian. |
Trên khái niệm, các lệnh như thế này được ban hành dựa trên thẩm quyền của pháp luật công cộng; tuy nhiên, nội dung của chúng, thậm chí sự tồn tại của chúng, lại được xếp loại Tối mật.
Theo Khoản 215 của Đạo luật Yêu nước, hay còn gọi là điều khoản về “các hồ sơ kinh doanh”, chính phủ có quyền xin lệnh từ Toà án FISA buộc các bên thứ ba phải trình ra “bất kỳ điều gì hữu hình” mà “có liên quan” đến tình báo nước ngoài hoặc điều tra khủng bố.
Nhưng như mệnh lệnh của toà án FISA mà tôi tìm được đã cho thấy rõ, NSA đã bí mật diễn dịch cái thẩm quyền này như một giấy phép để thu thập tất cả “các hồ sơ kinh doanh”, hay siêu dữ liệu, của các thông tin liên lạc điện thoại thông qua các công ty viễn thông Mỹ, như Verizon và AT&T, trên “cơ sở diễn ra hàng ngày”.
Tất nhiên, việc thu thập này bao gồm cả các lưu trữ thông tin liên lạc qua điện thoại giữa các công dân Mỹ, một hành động thực tế là vi hiến.
Ngoài ra, Khoản 702 của Đạo luật Sửa đổi FISA cho phép Cộng đồng IC (Cộng đồng tình báo Mỹ) nhắm mục tiêu đến bất kỳ người nước ngoài nào bên ngoài Mỹ được coi là có khả năng truyền đạt “thông tin tình báo nước ngoài” - một cách phân loại mục tiêu tiềm năng quá rộng lớn bao gồm cả các nhà báo, nhân viên công ty, giới hàn lâm, nhân viên cứu trợ, và vô số những người khác không phạm bất kỳ hành vi sai trái nào.
Luật này đã được NSA sử dụng để biện minh cho hai phương pháp giám sát Internet nổi bật nhất của họ: chương trình PRISM và thu thập đầu nguồn.
PRISM cho phép NSA thu thập dữ liệu thường xuyên từ Microsoft, Yahoo!, Google, Facebook, Paltalk, YouTube, Skype, AOL và Apple, bao gồm email, ảnh, video và âm thanh các cuộc trò chuyện, nội dung duyệt Web, các truy vấn qua công cụ tìm kiếm và tất cả các dữ liệu khác đã được lưu trữ trên đám mây của các công ty này, biến các công ty thành đồng loã có ý thức.