Chủ tịch Quốc hội 90 tuổi Kim Yong Nam là người chính thức dẫn đầu phái đoàn Triều Tiên tham dự lễ khai mạc Olympics mùa đông vào ngày 9/2 ở Pyeongchang, Hàn Quốc. Tuy nhiên, mọi ánh mắt sẽ tập trung vào một người khác. Đó là Kim Yo Jong, em gái nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un.
Sau 6 năm cầm quyền của người anh, Kim Yo Jong, 30 tuổi, đã vươn lên là người đứng thứ hai trong cơ quan tuyên truyền của đảng Lao động Triều Tiên cầm quyền. Ngày 9/2, cô sẽ đảm nhận một nhiệm vụ quan trọng khác là trở thành "bộ mặt" của Triều Tiên đến tham dự Olympics mùa đông tại Pyeongchang, Hàn Quốc. Cô cũng là thành viên duy nhất của gia đình họ Kim từng đến Hàn Quốc sau khi 2 miền bán đảo Triều Tiên chia cắt.
Truyền thông Hàn Quốc gọi Kim Yo Jong là "Ivanka của Kim Jong Un", ám chỉ ảnh hưởng của cô lên người anh cũng tương tự cách con gái của Tổng thống Mỹ Donald Trump tác động đến các chính sách của cha.
Kim Yo Jong, em gái nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un. Ảnh: Reuters. |
Sứ giả chia cắt Mỹ - Hàn?
News Corp Australia dẫn nhận định của Leonid Petrov, nhà nghiên cứu tại Trường châu Á - Thái Bình Dương thuộc Đại học Quốc gia Australia, nói rằng khi ông Kim Jong Un không thể đến Hàn, ông gửi đến người mình tin tưởng nhất. Petrov cho rằng Kim Yo Jong thông minh, có học thức và quan trọng nhất là cô được anh trai tin tưởng. Trong lúc quan hệ với Mỹ căng thẳng, ông Kim Jong Un vừa có một bước đi khôn ngoan là cố gắng cải thiện quan hệ với Hàn Quốc.
"Cô ta như là nguyên thủ vậy. Cô ta tiếp quan khách, tham gia vào các hoạt động ngoại giao", ông nói. "Quan trọng nhất là ông ấy có thể tin cô ấy".
Một số nhà quan sát cho rằng Kim Yo Jong đến Hàn với nhiệm vụ mang theo thông điệp của ông Kim Jong Un để gửi tới Seoul.
"Nếu bạn muốn một người truyền tin đáng tin cậy cho chính quyền Triều Tiên, đó nên là một thành viên của gia đình Kim", Washington Post dẫn lời Christopher Green, cố vấn cao cấp về vấn đề bán đảo Triều Tiên cho Nhóm Khủng hoảng Quốc tế, tổ chức phi chính phủ chuyên nghiên cứu về các cuộc xung đột trên thế giới.
Ông Green cho rằng nếu mục đích của Triều Tiên là chia cắt quan hệ đồng minh Mỹ - Hàn, họ đã làm một việc khôn ngoan khi gửi đến một quan chức cấp cao để yêu cầu Seoul hủy cuộc tập trận chung với Washington. Cuộc tập trận thường niên Mỹ - Hàn đã bị trì hoãn đến sau Olympics để giữ hòa khí cho bán đảo Triều Tiên.
So với các quan chức Triều Tiên khác, Kim Yo Jong tỏ ra đặc biệt thoải mái và gần gũi với ông Kim Jong Un. Ảnh: AP. |
Tuổi trẻ, quyền cao
Năm 2011, khi nhà lãnh đạo Kim Jong Il qua đời, một người phụ nữ trẻ được thế giới nhìn thấy lần đầu tiên. Cô đứng rất gần nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong Un và các quan chức cao cấp.
Trong vài năm sau đó, giới quan sát "dán mắt" vào các đoạn video phát trên truyền hình Triều Tiên để tìm kiếm tung tích về cô gái bí ẩn kia. Thỉnh thoảng họ lại thấy cô xuất hiện bên cạnh nhà lãnh đạo Kim Jong Un trên khán đài trong một sự kiện nhà nước hoặc thoải mái đi lại phía sau vợ chồng ông Kim trong một buổi thị sát.
Sự ung dung và thậm chí "tung tăng" của cô trông hoàn toàn khác với các quan chức cao tuổi đứng khép nép và nghiêm trang trước nhà lãnh đạo trẻ.
Những lần xuất hiện như thế củng cố niềm tin của giới quan sát rằng cô gái kia ắt phải là em gái cùng mẹ cùng cha với nhà lãnh đạo Kim Jong Un. Sau đó, cô được xác nhận là Kim Yo Jong.
Kim Yo Jong trong một lần tháp tùng anh trai. Ảnh: AP. |
Hai anh em được cho đã trở nên thân thiết trong thời gian học sống biệt lập và đi học tại Thụy Điển.
"Họ sống trong đại sứ quán", đài ABC (Australia) dẫn lời Michael Madden, chuyên gia về Triều Tiên, người điều hành một trang web theo dõi tình hình Triều Tiên và đóng góp vào các nghiên cứu của Đại học Johns Hopkisn. "Họ được ngụy trang như những đứa con của người giúp việc và người làm vườn".
Kim Yo Jong và Kim Jong Un đều là con của bà Ko Yong Hui và cố lãnh đạo Kim Jong Il. Người anh Kim Jong Chul bị cố lãnh đạo Kim Jong Il đánh giá là "yếu đuối" và được cho là không có tham vọng chính trị.
Ngoài chuyến đi học lâu năm ở Thụy Sĩ, Kim Yo Jong được cho là có đặc quyền hiếm có trong việc đi ra nước ngoài, ngay cả so với các quan chức thuộc giới tinh hoa Triều Tiên. Cô từng được thấy cùng mẹ đến Paris mua sắm trước khi bà mất vì ung thư vú, hoặc đến Singapore nghe nhạc cùng người anh trai còn lại.
Công việc chính của Kim Yo Jong đến lúc này là bảo vệ hình ảnh anh trai quyền lực. Dù vậy, hình ảnh trên truyền thông nhà nước Triều Tiên cho thấy cô thường xuyên tháp tùng người anh trong các chuyến đi thị sát quan trọng. Kim Yo Jong cũng là người phụ nữ duy nhất có chân trong bộ chính trị của đảng Lao động Triều Tiên.
BBC đưa tin cô đã kết hôn với con trai của Choe Ryong Hae, bí thư đảng Lao động Triều Tiên.
Áp lực lễ tân đối với Hàn Quốc
Guardian cho biết dù Phó tổng thống Mỹ Mike Pence và em gái của lãnh đạo Triều Tiên "không hề có ý" gặp nhau, hàng ghế VIP trong lễ khai mạc Olympics mùa đông có thể đặt họ vào thế chỉ cách nhau vài mét.
Olympics mùa đông 2018 sẽ khai mạc tối 9/2 tại sân vận động PyeongChang, Hàn Quốc. Ảnh: AFP. |
Việc sắp xếp hàng ghế VIP cho lễ khai mạc Olympics mùa đông đang trở thành một "cơn đau đầu" về mặt lễ tân cho Hàn Quốc, nước đang muốn tạo dựng hình ảnh một kỳ thế vận hội hòa bình.
Một quan chức có liên hệ với bộ phận tổ chức nói với Reuters: "Đây là một cơn đau đầu về lễ tân... Những người Triều Tiên và Mỹ nên ngồi cách nhau bao xa, trong lúc Washington luôn công khai về các lệnh trừng phạt và áp lực lên Bình Nhưỡng? Và ai nên ngồi cao hơn?".
Trước đó, trên đường đến Hàn Quốc để dự lễ khai mạc, phó tổng thống Mỹ nói rằng mục đích chuyến đi của ông là để ngăn ngừa Triều Tiên "đánh cắp thông điệp và hình ảnh của Olympics".
Kim Yo Jong hiện cũng nằm trong danh sách đen của các lệnh trừng phạt do Mỹ áp đặt lên Triều Tiên vì cáo buộc vi phạm nhân quyền nhưng không nằm trong danh sách bị cấm đi lại của Liên Hợp Quốc.
Việc đưa Kim Yo Jong đến PyeongChang cũng là một vấn đề. Phía Hàn Quốc đã phải xin một giấy phép đặc biệt từ Mỹ và nhiều nước để cho phép các vận động viên và nghệ sĩ Triều Tiên đến Hàn bằng xe buýt và tàu. Họ có thể phải xin một giấy phép khác cho thành viên của gia đình họ Kim.
Kim Yo Jong sẽ gặp Tổng thống Moon Jae In, người có tư tưởng tự do và luôn bày tỏ nguyện vọng được đối thoại với Triều Tiên.