Theo Guardian, trước đây tại Thụy Điển và Mỹ đã có những trường hợp ghép tử cung và sinh sản thành công từ một người hiến tặng còn sống, nhưng trường hợp tương tự với một người hiến tạng đã chết là một bước tiến mới trong lĩnh vực này của y học.
Bác sĩ Dani Ejzenberg đến từ Đại học Sao Paulo, người đứng đầu nhóm nghiên cứu, cho biết: "Với một người hiến tạng đã chết, các rủi ro được hạn chế vì bạn không phải đối mặt với nguy cơ nào ở phía người hiến tạng, giá thành của việc cấy ghép cũng giảm đi vì bạn không phải thực hiện một cuộc phẫu thuật kéo dài với người hiến tạng".
Tuy nhiên, ông Ejzenberg cũng cho biết việc tìm được một người chịu hiến tử cung đã là rất khó khăn, chưa kể đến việc tìm ra một địa điểm thích hợp cho cho cả hai người để thực hiện ca cấy ghép.
Các bác sĩ Thụy Điển chuẩn bị trước một ca phẫu thuật cấy ghép tử cung từ người hiến tặng còn sống. Ảnh: AP. |
Đây không phải là lần đầu tiên một ca cấy ghép tử cung từ người chết được thực hiện, nhưng chưa có trường hợp nào sinh sản thành công với tử cung được hiến tặng từ người chết. Đội ngũ y tế cho biết bé gái có sức khỏe ổn định và phát triển bình thường.
Trong bài viết trên chuyên san y học Lancet, bác sĩ Ejzenberg và các cộng sự miêu tả lại quá trình tách tử cung từ một phụ nữ 45 tuổi, người đã chết vì vỡ mạch máu não và từng có 3 lần sinh con trước đó. Người nhận là một phụ nữ 32 tuổi mắc một hội chứng đặc biệt khiến không có tử cung bẩm sinh mặc dù có buồng trứng, điều này có nghĩa các bác sĩ có thể lấy trứng để làm thụ tinh trong ống nghiệm.
Các bác sĩ đã phải thực hiện một cuộc phẫu thuật cấy ghép kéo dài trong 10 giờ 30 phút để đưa tử cung được hiến tặng vào cơ thể người nhận. Một phần âm đạo của người hiến tặng được gắn vào âm đạo của người nhận, trong khi các mạch máu và dây chằng được nối lại. Ca phẫu thuật được thực hiện vào tháng 9/2016.
Người phụ nữ 32 tuổi được tiêm ức chế miễn dịch để ngăn chặn cơ thể phản ứng từ chối cơ quan mới. Trong thời gian này, nhóm nghiên cứu thường xuyên lấy mẫu sinh thiết ở cổ tử cung để kiểm tra các dấu hiệu từ chối.
Chỉ hơn một tháng sau khi cấy ghép, người phụ nữ có kinh trở lại và 7 tháng sau khi phẫu thuật, nhóm nghiên cứu đã chuyển phôi thai được thụ tinh trong ống nghiệm vào tử cung của người phụ nữ này. Việc mang thai diễn ra suôn sẻ và một bé gái ra đời bằng phương pháp sinh mổ sau hơn 35 tuần.
Ngay sau khi em bé chào đời, các bác sĩ quyết định cắt bỏ tử cung được cấy ghép khỏi người phụ nữ 32 tuổi ngay trong ca phẫu thuật sinh mổ. Bác sĩ Ejzenberg cho biết quyết định này được đưa ra vì việc sử dụng thuốc ức chế miễn dịch trong thời gian dài đối với người phụ nữ là rất tốn kém và nhóm của ông muốn sử dụng kinh phí để thực hiện những ca cấy ghép cho những phụ nữ thiếu may mắn khác.
Nhóm nghiên cứu cho biết quy trình này có thể mang lại hy vọng sinh sản cho những phụ nữ với những thiếu sót đặc biệt, bao gồm cả những người phải cắt bỏ tử cung vì lý do y tế. Bác sĩ Ejzenberg nhận định: "Bạn có một số lượng đáng kể bệnh nhân có thể hưởng lợi từ kỹ thuật này".