Hôm 14/3, Elon Musk lên Twitter khuyên mọi người nên sở hữu những loại tài sản vật chất như nhà đất hay cổ phiếu trước tình hình lạm phát đang tăng cao. Tuy nhiên, CEO Tesla khẳng định sẽ không bán lượng lớn Bitcoin, Ethereum hay Dogecoin mà ông đang sở hữu.
“Về cơ bản, khi tỷ lệ lạm phát tại Mỹ tăng vọt như hiện nay, tốt nhất là bạn nên mua những loại tài sản vật lý như nhà đất hay cổ phiếu của các công ty mà bạn tin tưởng”, Musk bình luận trong một bài viết về chủ đề lạm phát.
“Tuy nhiên, tôi vẫn sẽ không bán lượng Bitcoin, Ethereum và Dogecoin của mình vì chúng đáng giá”, tỷ phú bổ sung.
CEO Tesla khẳng định không bán lượng tiền mã hóa đang sở hữu. Ảnh: Bloomberg. |
Tại hội nghị tiền mã hóa The B Word diễn ra vào tháng 7/2021, Musk cho biết ngoài cổ phiếu của Tesla, 3 loại tài sản số ông sở hữu gồm Bitcoin, Ethereum và Dogecoin. Vị tỷ phú còn bày tỏ sự kỳ vọng với Bitcoin và mong được nhìn thấy Bitcoin thành công.
Tuy nhiên, Musk khẳng định thứ quan trọng nhất với ông sau Tesla là SpaceX, doanh nghiệp khai phá vũ trụ mà ông cũng đang điều hành.
Theo Cục Thống kê Lao động Mỹ (BLS), lạm phát ở Mỹ vào tháng 2 đã tăng 7,9% so với cùng kỳ năm ngoái, đồng thời là mức cao nhất trong gần 40 năm qua. Do đó, Musk cho biết công ty xe điện Tesla và hãng hàng không vũ trụ SpaceX của ông đang đối mặt với sức ép lạm phát nghiêm trọng do chi phí vật liệu thô và chuyên chở tăng cao.
Trước đó, tháng 5/2020, Musk tuyên bố bán gần hết tài sản của mình. Ông đã bán căn nhà cuối cùng mà ông sở hữu vào tháng 12/2021.
Được biết đến là một người ủng hộ tiền mã hóa, Elon Musk luôn lên tiếng bênh vực cho đồng Dogecoin.
Đầu năm 2021, Tesla cũng cho biết hãng đã đầu tư 1,5 tỷ USD vào Bitcoin nhằm giảm thiểu ảnh hưởng của lạm phát. Giá cổ phiếu của hãng xe điện đình đám cũng giảm 35%, làm "bốc hơi" 1/4 khối tài sản của Elon Musk. Tuy nhiên, ông vẫn là người giàu nhất thế giới, sở hữu 206 tỷ USD, theo Chỉ số Tỷ phú Bloomberg.
Giá cả hàng hóa toàn cầu đang trên đà tăng cao trước tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng sau đại dịch Covid-19. Mặt khác, năng lượng, kim loại và lúa mì là những mặt hàng bị khan hiếm khi chiến sự giữa Nga và Ukraine diễn ra. Nga là nhà sản xuất nhôm, nickel lớn thứ ba thế giới và xuất khẩu của nước này có thể bị ảnh hưởng bởi các biện pháp trừng phạt của các quốc gia khác.