Elon Musk là một doanh nhân khá độc lập và khác lạ, với một sứ mạng mang tầm vũ trụ: chế tạo những quả tên lửa đưa con người lên Sao Hỏa. Tsiolkovsky, Goddard, và von Braun đều đã mơ được đến Sao Hỏa, nhưng Musk có thể là người thực hiện điều đó. Trong quá trình thực hiện, ông đang phá vỡ mọi luật chơi.
Từ khi còn là đứa trẻ lớn lên ở Nam Phi, ông đã đam mê chương trình vũ trụ và thậm chí còn tự chế tạo tên lửa. Cha ông là kỹ sư, rất khuyến khích đam mê của con trai. Từ rất sớm, Musk đã kết luận cách duy nhất giúp con người thoát khỏi nạn tuyệt chủng là vươn tới các vì sao. Và ông quyết định một trong những mục tiêu của mình sẽ là “xây dựng cuộc sống đa hành tinh”, đây là điều ấp ủ dẫn lối cho toàn bộ sự nghiệp của ông.
Musk kỳ vọng đưa tàu không người lái lên Sao Hỏa vào năm 2018 và tàu chở người vào năm 2024. |
SpaceX tiên phong
Khi có tiền, ông bắt đầu thực hiện giấc mơ, thành lập SpaceX và Tesla Motors. Có thời điểm, ông đã đầu tư đến 90% vốn ròng vào hai công ty này. Không giống như các công ty hàng không vũ trụ khác chế tạo tên lửa dựa trên công nghệ cũ, SpaceX tiên phong thực hiện thiết kế mang tính cách mạng là tên lửa tái sử dụng. Mục tiêu của Musk là giảm chi phí du hành không gian xuống còn 1/10 khi tái sử dụng được tầng đẩy của tên lửa, vốn thường bị bỏ sau mỗi lần phóng.
Gần như từ con số 0, Musk phát triển tên lửa Falcon (đặt theo tên tàu liên sao Millennium Falcon trong phim Star Wars) để đẩy tàu Dragon (đặt theo tên bài hát “Puff, the Magic Dragon”) vào không gian. Năm 2012, tên lửa Falcon của SpaceX đi vào lịch sử với tư cách tên lửa thương mại đầu tiên bay đến Trạm Vũ trụ Quốc tế. Nó cũng là tên lửa đầu tiên hạ cánh thành công xuống Trái Đất sau khi bay một vòng quỹ đạo.
Năm 2017, ông ghi dấu thắng lợi lớn tiếp theo khi phóng thành công một tên lửa đẩy đã sử dụng. Tên lửa này đã từng được phóng, hạ cánh trở lại bệ phóng, được lau chùi và bảo dưỡng, rồi phóng tiếp lần hai. Khả năng tái sử dụng có thể tạo nên cách mạng trong công cuộc du hành vũ trụ.
Ngày nay, tại Mỹ có khoảng 40 triệu ôtô cũ được bán mỗi năm, nhiều gấp 2,2 lần số xe mới. Theo cách tương tự, Musk hy vọng tên lửa Falcon sẽ làm biến đổi thị trường hàng không vũ trụ và giúp hạ thấp giá tên lửa. Đa số các tổ chức không quan tâm đến việc tên lửa đưa vệ tinh của họ lên không gian là tên lửa mới nguyên hay đã dùng rồi. Họ sẽ chọn phương án rẻ và đáng tin cậy nhất.
Tên lửa tái sử dụng đầu tiên đã là cột mốc đáng nhớ, nhưng Musk còn khiến công chúng choáng váng khi ông tiết lộ những chi tiết trong kế hoạch tham vọng bay lên Sao Hỏa. Ông kỳ vọng sẽ đưa tàu không người lái lên Sao Hỏa vào năm 2018 và tàu chở người vào năm 2024, đi trước NASA khoảng một thập kỷ.
Elon Musk trình bày tham vọng chinh phục Sao Hỏa của mình. |
Mục đích cuối cùng của ông không chỉ là xây dựng một căn cứ mà là cả một thành phố trên Sao Hỏa. Ông dự định sẽ phóng khoảng 1.000 tên lửa Falcon cải tiến, mỗi tên lửa mang theo 100 “người khai khẩn”, để lập nên khu định cư đầu tiên trên Hành tinh đỏ. Yếu tố then chốt để Musk thực hiện kế hoạch là chi phí du hành vũ trụ đã giảm mạnh và sự xuất hiện của nhiều phát minh mới.
Theo tính toán, chi phí cho một nhiệm vụ Sao Hỏa thường nằm trong khoảng 400-500 tỷ đôla, nhưng theo Musk, ông có thể chế tạo và phóng tên lửa Sao Hỏa với chi phí chỉ 10 tỷ đôla. Ban đầu, giá vé lên Sao Hỏa sẽ đắt, nhưng sau này chi phí cho một chuyến khứ hồi sẽ giảm còn khoảng 200.000 đôla một người do chi phí du hành vũ trụ giảm.
Vé tàu SpaceShipTwo của Virgin Galactic cũng có giá 200.000 đôla nhưng chỉ bay lên không trung khoảng 112 km còn bay tới Trạm Vũ trụ Quốc tế bằng tên lửa Nga thì tốn khoảng 20 đến 40 triệu đôla.
Hệ thống tên lửa tương lai của Musk ban đầu mang tên Mars Colonial Transporter (Tàu vận chuyển Thuộc địa Sao Hỏa), nhưng sau được đổi thành Interplanetaty Transport System (Hệ thống Vận chuyển Liên hành tinh) bởi theo ông, “Hệ thống này sẽ thực sự cho bạn tự do đi tới bất cứ đâu trong Hệ Mặt Trời rộng lớn”. Mục tiêu lâu dài của ông là xây dựng một mạng lưới kết nối các hành tinh.
Musk nhìn ra tiềm năng hợp tác với các đối tác khác thuộc cùng đế chế trị giá hàng tỷ đô của chính ông. Tesla đã phát triển phiên bản tiên tiến của ôtô chạy hoàn toàn bằng điện, còn Musk mạnh tay đầu tư phát triển quang năng, nguồn năng lượng sẽ trở thành thiết yếu cho bất kỳ căn cứ Sao Hỏa nào. Do vậy, Musk hoàn toàn đủ khả năng cung cấp máy móc chạy điện và lưới điện mặt trời để phát triển khu định cư Sao Hỏa.
Trong khi NASA thường bị xem là tổ chức chậm chạp và ù lỳ khủng khiếp, thì giới doanh nhân tin rắng họ có thể nhanh chóng giới thiệu những ý tưởng và công nghệ mới mẻ, sáng tạo. “Có một quan niệm ngớ ngẩn rằng NASA không chấp nhận thất bại,” Musk nói. “Ở đây [SpaceX], chúng tôi chấp nhận thất bại. Nếu không gặp thất bại, nghĩa là bạn sáng tạo chưa đủ”.
Có lẽ Musk chính là khuôn mặt đương đại của chương trình không gian: vừa sáng tạo, thông minh, vừa ngông nghênh, không biết sợ là gì và mạnh dạn dẹp bỏ cái lạc hậu. Ông là nhà khoa học tên lửa kiểu mới: môt nhà khoa học-tỷ phú-doanh nhân. Ông thường được so sánh với Tony Stark, tức nhân vật Iron Man (Người Sắt)...
Musk tổng kết triết lý của bản thân như sau: “Tôi không có bất kỳ động cơ cá nhân nào về tích lũy tài sản”, ông nói, “tôi chỉ cống hiến hết khả năng có thể để xây dựng cuộc sống đa hành tinh”. Peter Diamandis, Chủ tịch Quỹ XPRIZE, nói: “Động cơ ở đây lớn hơn lợi nhuận rất nhiều. Giấc mơ [của Musk] thật mạnh mẽ và khiến người khác say lòng”.
Viễn cảnh cuộc sống trên Sao Hỏa. |
Cuộc chạy đua mới lên Sao Hỏa
Dư luận càng sôi nổi, cuộc cạnh tranh đương nhiên sẽ càng quyết liệt. Giám đốc điều hành của Boeing, Dennis Muilenburg, nói: “Tôi tin rằng người đầu tiên đặt chân lên Sao Hỏa sẽ bay tới đó bằng tên lửa Boeing”. Có lẽ chẳng phải ngẫu nhiên khi ông đưa ra nhận định gây bất ngờ đó chỉ một tuần sau khi Musk tuyên bố kế hoạch Sao Hỏa.
Có thể Musk xuất hiện trên mọi mặt báo, nhưng Boeing vốn sở hữu truyền thống lâu năm và lừng lẫy trong ngành du hành không gian. Chính Boeing chứ không ai khác đã sản xuất tầng đẩy cho Saturn V trứ danh từng đưa phi hành gia lên Mặt Trăng. Boeing cũng đang nắm giữ hợp đồng xây dựng hệ thống tên lửa SLS nền tảng cho nhiệm vụ đưa con người lên Sao Hỏa của NASA.
Những người ủng hộ NASA nhắc lại rằng nguồn vốn công có vai trò cốt yếu trong phần lớn các dự án không gian trước đây, ví dụ như Kính Viễn vọng Không gian Hubble, một trong những “viên ngọc quý" của chương trình không gian. Liệu các nhà đầu tư tư nhân có bỏ tiền vào một canh bạc rủi ro không có hy vọng mang về lợi nhuận cho chủ đầu tư như thế? Sự hỗ trợ từ các tổ chức lớn của nhà nước là rất cần thiết cho những kế hoạch quá đắt đỏ đối với giới tư nhân hoặc ít có triển vọng thu về lợi nhuận.
Mỗi chương trình lại có những điểm mạnh riêng. SLS của Boeing mang được 130 tấn vào vũ trụ, nhiều hơn so với Falcon Heavy của Musk - mang được 64 tấn. Nhưng giá thành vận chuyển của Falcon lại phải chăng hơn.
Hiện tại, SpaceX có giá phóng vệ tinh rẻ nhất, chỉ hơn 2.200 đôla mỗi kg, bằng 10% giá thông thường của các phương tiện không gian thương mại khác. Giá này còn có thể hạ nữa khi SpaceX hoàn thiện công nghệ tên lửa tái sử dụng.
NASA quả có vị thế đáng ghen tị khi có đến hai kẻ “cầu hôn” cùng giành giật một dự án béo bở. Về nguyên tắc, NASA vẫn có thể lựa chọn giữa SLS và Falcon Heavy. Khi được hỏi về thách thức từ Boeing, Musk nói: “Tôi nghĩ có nhiều con đường tới Sao Hỏa thì rất tốt... có nhiều sắt trong lò thì... Bạn biết đấy, càng nhiều càng tốt”.
Phát ngôn viên NASA nói: “NASA hoan nghênh tất cả những ai muốn tham gia bước nhảy vĩ đại kế tiếp và thúc đẩy hành trình đến với Sao Hỏa... Hành trình này sẽ cần những người giỏi nhất... Tại NASA, chúng tôi đã làm việc miệt mài suốt mấy năm vừa qua để phát triển một kế hoạch thám hiểm Sao Hỏa bền vững, đồng thời xây dưng một liên minh với các đối tác quốc tế và tư nhân nhằm thực hiện mục tiêu trên”. Rốt cuộc, tinh thần cạnh tranh sẽ mang lại nhiều lợi ích cho chương trình không gian.
Trong cuộc ganh đua này còn có một mối nhân quả thú vị. Do nhu cầu phải thu nhỏ các thiết bị điện tử, chương trình không gian đã mở ra cuộc cách mạng máy tính. Lấy cảm hứng từ những ký ức tuổi thơ về chương trình không gian, các tỷ phú bước ra từ cuộc cách mạng máy tính đã rót tiền trở lại cho chương trình thám hiểm không gian.
Người châu Âu, Trung Quốc và Nga cũng bày tỏ khát vọng đưa người lên Sao Hỏa trong khoảng thời gian từ năm 2040 đến 2060, nhưng ngân sách cho những kế hoạch này vẫn đang là vấn đề. Tuy nhiên, điều khá chắc chắn là người Trung Quốc sẽ lên Mặt Trăng vào năm 2025.
Ngay cả những nhà tiên phong với niềm tin mạnh mẽ nhất cũng phải thừa nhận rằng có rất nhiều hiểm nguy chực chờ các phi hành gia trong hành trình lên Sao Hỏa. Khi được hỏi có muốn đích thân lên thăm Sao Hỏa không, Musk thừa nhận khả năng tử vong trong chuyến đi đầu tiên đến Hành tinh đỏ là "khá cao" và ông vẫn muốn được chứng kiến các con mình khôn lớn.