Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Ế ẩm, cửa hàng bán lẻ ồ ạt đổi chủ

Không có người mua, kinh doanh thua lỗ, nhiều cửa hàng kinh doanh buộc phải đề biển sang nhượng mặt bằng để vớt vát chi phí thuê nhà đất.

Anh Tuấn, chủ quán cà phê trên đường Láng (Hà Nội) đã đề biển "cho thuê lại quán" từ 2 tháng nay nhưng vẫn không chưa tìm được người mướn lại. Cách đây khoảng một năm, anh Tuấn cùng 2 người bạn của mình quyết định góp vốn cùng mở quán kinh doanh cà phê trên đường Láng. Quán cà phê anh thuê lại từ một người bạn rộng khoảng 60m2 với giá 15 triệu đồng/tháng, hợp đồng ký là 2 năm và tổng số tiền thuê là 360 triệu đồng.

Những tưởng công việc làm ăn sẽ thuận lợi, nhưng cả năm nay quán cà phê của anh Tuấn vẫn rất vắng khách, trong khi chi phí thuê mặt bằng thì đắt đỏ, cộng thêm phần tiền công của nhân viên, khiến quán anh tháng nào cũng lỗ nặng. 2 người bạn góp vốn cùng anh Tuấn cũng đề nghị rút vốn để đi kinh doanh cái khác.

"Lúc mở quán tôi nghĩ kinh doanh dịch vụ này vẫn có lãi hoặc ít nhất cũng bù đủ các chi phí. Ai ngờ việc làm ăn bết bát quá, lỗ nặng nên mới phải đề biển cho thuê lại cửa hàng", anh Tuấn nhăn nhó nói.

Không có người mua, kinh doanh thua lỗ, nhiều cửa hàng kinh doanh buộc phải đề biển sang nhượng mặt bằng để vớt vát chi phí thuê nhà đất.
Cũng theo anh Tuấn, tổng chi phí anh đầu tư vào quán là khoảng 460 triệu đồng, nhưng đến nay dù vẫn còn 1 năm thuê nữa (đã trả hết tiền) nhưng anh chỉ dám đưa ra giá chuyển nhượng là 150 triệu đồng.

Tại nhiều khu phố kinh doanh sầm uất tại Hà Nội như Bà Triệu, Phố Huế, Phạm Ngọc Thạch, Tôn Đức Thắng..., mấy tháng gần đây, các tấm biển "Sang nhượng cửa hàng", "cho thuê lại cửa hàng" cũng xuất hiện ngày càng nhiều, thậm chí nhiều ông chủ còn chấp nhận chia đôi mặt bằng để cho thuê một nửa nhằm cắt giảm chi phí.

Cửa hàng áo cưới Moza (Bà Triệu, Hà Nội) trước đây khiến nhiều người phải trầm trồ khen ngợi vì vị trí đắc địa (nằm tại ngã tư đường Bà Triệu và đường Tuệ Tĩnh) với diện tích rộng lớn tạo nên một không gian sang trọng, ấm áp và rất thơ mộng. Tuy nhiên, vài tháng trở lại cửa hàng áo cưới này cũng đã phải chia đôi "mảnh đất vàng" này lại cho một đơn vị khác thuê vì giá thuê quá "chát".

Làn sóng di chuyển mặt bằng bán lẻ tại Hà Nội có thể thấy rõ nhất trong năm 2013 khi hàng loạt các cửa hàng sở hữu vị trí "đất vàng" đều di cư đi sang các khu vực khác với giá thuê rẻ hơn rất nhiều, diện tích lại gấp đôi, gấp ba so với trước đây.

Một ví dụ điển hình là cửa hàng thời trang PlayBoy trước đây nằm ngay mặt đường Lê Thái Tổ, nhìn thẳng ra Hồ Hoàn Kiếm, nhưng gần một năm nay địa điểm này đã đóng cửa, hiện vẫn chưa có người thuê, trong khi đó thương hiệu PlayBoy lại khai trương một cửa hàng mới hoành tráng ở ngay mặt đường Giảng Võ.

Chị Tú (chủ một shop thời trang trên đường Bà Triệu) tiết lộ, hiện giá thuê mặt bằng tại các khu "đất vàng" thường có giá rất "chát", tiền thuê mỗi m2 lên tới hàng triệu đồng (với những vị trí đắc địa). Nếu thời kỳ kinh tế tốt, người dân mua sắm nhiều thì khoản chi phí này không đáng lo, nhưng do kinh tế suy thoái, tiêu dùng giảm mạnh, nên nhiều cửa hàng buộc phải di dời hoặc chấp nhận cắt lỗ chuyển nhượng lại.

Chị Bình, chủ một shop thời trang trên phố Minh Khai (Hai Bà Trưng) vừa sang nhượng toàn bộ shop quần áo thời trang với giá 160 triệu đồng cho biết: "Lúc mở shop quần áo thời trang này, tiền thuê cửa hàng, tiền mua sắm, trang trí nội thất, tiền hàng hóa... tính ra cũng hết khoảng trên 250 triệu đồng. Giờ chấp nhận nhượng lại cho người khác với giá 160 triệu đồng bao gồm toàn bộ quần áo, nội thất rồi tiền thuê mặt bằng còn gần 4 tháng trên hợp đồng, tính ra mình lỗ gần 100 triệu".

"Chuyển nhượng vào thời điểm này, dân kinh doanh hầu như phải chịu thua lỗ chứ đừng nói tới chuyện hòa vốn. Song, nếu cố giữ lại với tình trạng buôn bán ế ẩm kiểu này, doanh thu thì âm liên tiếp, để lâu có khi còn lỗ nặng hơn bởi mình vẫn phải mất tiền thuê nhà hàng tháng, tiền thuê nhân viên bán hàng... ", chị Bình tâm sự. Dù chấp nhận lỗ nặng, nhưng để tìm được người thuê cũng vô cùng khó khăn vì kinh tế khó khăn, hàng quán đóng cửa hàng loạt, rất ít người có ý định kinh doanh, buôn bán vào thời điểm này.

Theo báo cáo của CBRE, tỷ lệ trống toàn thị trường mặt bằng bán lẻ trong Quý 4/2013 đạt 15,9%, tăng 1,5 điểm phần trăm so với quý trước và tăng 2,1 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm ngoái. Tỷ lệ trống của các trung tâm thương mại đạt 15,5%, tăng 1,9 điểm phần trăm so với quý trước, chủ yếu do một số khách thuê rút khỏi dự án hiện hữu.

http://vtc.vn/kinh-te/e-am-cua-hang-ban-le-o-at-doi-chu-576318.html

Theo VTC News

Bạn có thể quan tâm