Tại một sự kiện đầu tuần này, ông Duterte gặp gỡ các doanh nhân và trao đổi về chiến dịch trấn áp tội phạm ma túy gây tranh cãi do ông khởi xướng. Sau khi chia sẻ về những nỗ lực của lực lượng cảnh sát, Duterte nói chính ông đã từng tiến hành chiến dịch tương tự ở Davao, nơi ông là thị trưởng hơn 20 năm.
"Ở Davao, tôi nhiều lần đích thân làm việc này (giết tội phạm). Đó là cách để chứng tỏ với họ rằng nếu tôi làm được tại sao họ không thể", AFP trích lời Tổng thống Duterte.
Ông Duterte từng khởi xướng chiến dịch trấn áp tội phạm mạnh tay ở Davao trước khi mở rộng nó ra phạm vi toàn quốc lúc trở thành tổng thống. Ảnh: SCMP. |
"Những năm ấy, tôi lái xe đi vòng quanh Davao, tuần tra dọc các tuyến đường để xem nơi nào đang có vấn đề. Tôi thực sự muốn tìm những vụ ẩu đả để tôi có thể hạ gục vài tên", ông Duterte nói.
Tổng thống Duterte cũng phản bác những chỉ trích của các tổ chức nhân quyền và cả Tổng thống Mỹ Barack Obama đối với chiến dịch của ông. "Nếu người ta cho rằng tôi sẽ vì lo sợ những nhóm này hay các ông như Obama mà ngưng chiến dịch lại thì tôi sẽ nói rằng tôi không bao giờ có ý định đó".
Tính đến tháng 12/2016, gần 6.000 người đã thiệt mạng trong chiến dịch truy quét ma túy mạnh tay ở quốc gia này. Nhiều người trong số đó bị bắn chết bởi các đội dân phòng, một số do các băng nhóm thù địch triệt hạ.
Bên cạnh những cái chết trên đường phố, hơn 35.000 người đã bị bắt. Khoảng 727.600 người sử dụng ma túy và 56.500 nghi phạm buôn bán chất cấm này đã ra đầu thú, khiến cho các nhà tù rơi vào tình trạng quá tải.
Để cứu Philippines khỏi nguy cơ trở thành một "đất nước của ma túy”, sau khi nhậm chức vào ngày 30/6, Tổng thống Duterte đã khởi xướng một cuộc chiến chống ma túy. Ông lệnh cho cảnh sát và kêu gọi cả dân thường góp tay tiêu diệt những đối tượng buôn bán và sử dụng "chất trắng".
Chiến dịch này vấp phải sự lên án mạnh mẽ của Liên minh Châu Âu (EU), Liên Hợp Quốc, chính quyền Obama và nhiều chính khách quốc tế khác. Tổng thống Mỹ cảnh báo Philippines về việc giết hại tội phạm không thông qua xét xử là hành động vi phạm quyền con người.