Hôm 15/5, quốc hội Philippines đã mở phiên điều trần về một đơn kiện yêu cầu phế truất Tổng thống Rodrigo Duterte. Nội dung đơn cáo buộc vị tổng thống phạm nhiều "tội nghiêm trọng" bao gồm che giấu tài sản, ra lệnh cho cảnh sát giết người và thể hiện rõ ràng ý định không bảo vệ chủ quyền của Philippines trên biển.
Theo Reuters, người đệ đơn là ông Gary Alejano, thành viên một nhóm thiểu số. Ông Alejano cho rằng Tổng thống Duterte đã phản bội niềm tin của nhân dân với cách tiếp cận "như một kẻ bại trận" trước Bắc Kinh về vấn đề Biển Đông cũng như lạm dụng quyền lực khi tiến hành cuộc chiến chống ma túy.
Tuy nhiên, một ủy ban thuộc hạ viện Philippines đã bác bỏ đơn kiện với lý do lập luận không đủ thuyết phục. Ông Alejano đã tỏ ra giận dữ trước tuyên bố này, cho rằng ủy ban đã đưa ra quyết định hoàn toàn chỉ dựa trên sự tín nhiệm dành cho ông Duterte.
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte. Ảnh: Reuters. |
"Tôi đảm bảo với các bạn rằng nếu chúng ta cứ để cho tổng thống sử dụng quyền lực như thế, vi phạm hiến pháp... Nếu chúng ta để sự việc này tiếp diễn, kết quả sẽ là một chế độ độc tài", ông Alejano nói với phóng viên.
Từ khi lên nắm quyền vào tháng 7 năm ngoái, Tổng thống Duterte nhiều lần tuyên bố muốn "thoát ly" khỏi Mỹ, đồng thời cho thấy ý định xích lại gần Trung Quốc. Philippines gần như không có nỗ lực đáng kể nào trong việc ép Bắc Kinh tuân thủ phán quyết của tòa quốc tế rằng tuyên bố đường lưỡi bò mà Trung Quốc tự vạch ra trên Biển Đông là phi pháp.
Bên cạnh đó, cuộc chiến chống ma túy mà ông Duterte phát động đã khiến ông nhận về nhiều chỉ trích từ phương Tây cũng như các tổ chức nhân quyền. Đến nay, chiến dịch này đã gây ra cái chết của khoảng 9.000 người tại Philippines.
Tháng trước, một người tự nhận là thành viên của nhóm sát thủ thừa lệnh ông Duterte thời ông còn làm thị trưởng thành phố Davao đã đệ đơn lên Tòa Hình sự Quốc tế, cáo buộc vị tổng thống phạm nhiều "tội ác chống lại loài người".
Tuy vậy, ông Duterte hiện vẫn có tỷ lệ ủng hộ lên đến 82% cùng một lượng "fan" đông đảo trên mạng xã hội.