Là tác giả của những nhạc phẩm nổi tiếng, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý đã định hình tên tuổi của mình trong lòng bạn yêu nhạc qua những nhạc phẩm mang phong cách trữ tình đậm âm hưởng dân ca. Nhạc sĩ sinh năm Giáp Tý (1924) trải gần 100 tuổi với những cống hiến trọn vẹn cho âm nhạc, và gia tài âm nhạc ông để lại cho đời, vẫn mãi là vốn quý trong kho tàng âm nhạc nước nhà.
Khởi nghiệp… ca sĩ phòng trà
Vốn biết đến âm nhạc thuở ấu thơ qua sự gieo mầm của người cha, Nguyễn Văn Tý phát lộ tài năng ca hát từ dạo còn học Trường Quốc học Vinh. Sau khi ra trường năm 1942, con đường trở thành nhạc sĩ chưa đến ngay với chàng thanh niên tuổi vừa đôi mươi, mà Nguyễn Văn Tý khởi nghiệp là… ca sĩ.
Dạo đó từ năm 1944, Nguyễn Văn Tý hoạt động Việt Minh dưới hình thức công khai. Để che mắt tụi mật thám Tây, tổ chức bố trí cho chàng trai tài hoa đi hát ở phòng trà Moongate, lúc ấy là phòng trà lớn nhất thành phố Vinh do Hoa kiều làm chủ.
Phòng trà Moongate đông khách dẫu giá cà phê, rượu cái gì cũng cao. Mỗi đêm được chia làm ba tăng chia theo mốc thời gian. Riêng với tăng từ 22h đến 23h là thuộc về phần biểu diễn của ca sĩ Tý. Là ca sĩ phòng trà, nhưng Tý dạo ấy cũng bảnh chọe lắm. Anh được xe Ford mui trần bốn chỗ đưa đón. Cùng đi là ba người bạn, mà thực chất là những đồng chí trong tổ chức cả.
Nếu những ca sĩ ở tăng trước đó hát bài hát Tây thì đến phiên Tý, anh hát toàn bài lãng mạn của Phạm Duy, Nguyễn Đình Phúc… Cái phong cách hát phòng trà qua miêu tả trong hồi ký Nguyễn Văn Tý tự họa mới thấy thật hấp dẫn và khác xa so với thời nay như nào. Tỉ như khi hát bài Cô lái đò (thơ Nguyễn Bĩnh, nhạc Nguyễn Đình Phúc), mỗi khi đến câu nghe buồn cảm đến nao lòng “Bỏ thuyền, bỏ lái, bỏ dòng sông… cô lái đò kia đi lấy chồng” là ở hàng ghế khán giả sụt sịt tiếng khóc. Hoặc như lúc nhạc phẩm Cô hái mơ của Phạm Duy cất lên qua giọng ca của ca sĩ Tý, thì cảnh tượng lúc ấy có kém gì phim hay kịch đâu “đến câu: “Cô hái mơ ơi!” Tôi như một người đang đi trong bão tố… một cái quạt bàn Marcelli cực mạnh làm mái tóc tôi đổ về một bên. Đến câu “không trả lời tôi lấy một lời” thì lại một cái quạt Marcelli khác ở bên khác làm đổ mái tóc về phía khác. Đến câu: "Cứ lặng mà đi, rồi khuất bóng”, tôi giơ một tay về phía sau làm hiệu, ban nhạc bỗng im phăng phắc, để câu cuối cùng cất lên “Rừng mơ hiu hắt” (hoàn toàn im lặng), “Lá mơ rơi ì ì” (một tay làm như có lá rơi thật) sau đó tiếng kèn saxo mới vào, rồi tiếng violon mới tiếp và cuối cùng tiếng piano mới có nhịp vào theo. Ai nghe xong đoạn này cũng cảm thấy bàng hoàng”.
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý thời trẻ. |
Không chỉ ca hát, Nguyễn Văn Tý thuở ban đầu còn bước vào sân khấu kịch khi dạo sau Cách mạng tháng Tám 1945 từng đóng vai Thi Sách trong vở “Trưng Trắc Trưng Nhị”, vai Nguyễn Phi Khanh trong vở “Nguyễn Trãi - Phi Khanh”. Thậm chí còn cùng với Nguyễn Tuân, Chu Ngọc xây dựng đội kịch Tỉnh đoàn Cứu quốc tỉnh Nghệ An…
Bên trong nhạc phẩm
Đối với nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý, trong các nhạc phẩm ông sáng tác, có hai nhạc phẩm được ông nhận định là có đời sống dài hơn cả so với những bài khác. Đó là Dư âm (1950) và Mẹ yêu con (1956) bởi “đề tài tình yêu trong Dư âm hay tình mẹ trong Mẹ yêu con thì muôn thuở vẫn còn”.
Nhạc phẩm Dư âm của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý. |
Nói riêng về một số nhạc phẩm gắn liền với tên tuổi của cố nhạc sĩ, hẳn không phải ai cũng hay, cũng biết những ẩn tình bên trong đó. Như bài Mẹ yêu con ở trên, chính là bài hát dành cho con gái nhỏ Thái Linh phải sống xa mẹ với những ca từ ngọt ngào đậm chất dân ca:
A á ru hời, ơ hời ru!
Mẹ thương con có hay chăng?
Thương từ khi thai nghén trong lòng
Mấy nắng sớm chiều mưa ròng
Chín tháng so chín năm...
Gian khó tính khôn cùng
A á ru hời, ơ hời ru!
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý hát Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh cùng Bộ trưởng Kim Tiến dạo tháng 9 năm 2019. |
Nhạc phẩm Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh (1974) đã nổi tiếng khắp nơi. Trong bài hát có câu “thương con đò, cắm con sào đứng đợi”. Ẩn sau câu hát ấy là cả mối tình lỡ của người nhạc sĩ với người con gái cùng quê thuở còn son trẻ và cô gái dệt vải được mai mối mà không thành duyên nhưng vẫn đợi chờ bao năm. Thế nên câu hát ấy là “cốt để tự trách mình đã để cho những cuộc đời vô tội kia phải đợi, phải chờ”.
Mỗi nhạc phẩm, là một câu chuyện riêng, như bài Cô đi nuôi dạy trẻ sáng tác năm 1980 cũng vậy. Nhạc phẩm được sáng tác theo đơn đặt hàng của Đài Truyền hình TP.HCM biểu diễn chương trình Tết. Giữa lúc bí đề tài, đêm ấy vô tình nhạc sĩ mở cuốn album cũ ra, ngắm tấm hình con gái Thái Linh chụp dạo đi học mẫu giáo. Cảm xúc ùa đến và ngay trong đêm 26 tháng Chạp, Cô đi nuôi dạy trẻ đã thành hình và kịp để Đài thực hiện chương trình với giọng ca của ca sĩ Thanh Lan. Bài hát sau đó là một trong những nhạc phẩm được nhiều người biết đến của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý.