Giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ hai diễn ra tối 26/12 tại Nhà hát Đài tiếng nói Việt Nam thu hút đông đảo các tác giả, giới xuất bản, đặc biệt có sự hiện diện của nhiều lãnh đạo các cấp.
Phát biểu tại lễ trao giải, ông Võ Văn Thưởng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, nhấn mạnh vai trò, ý nghĩa của Giải thưởng Sách Quốc gia. Giải thưởng khẳng định giá trị sách đối với đời sống xã hội, đồng thời khuyến khích tôn vinh các tác giả, dịch giả, nhà nghiên cứu, sáng tác, sưu tầm, các nhà xuất bản (NXB), đơn vị làm sách.
Giải thưởng nâng tầm giá trị mỗi cuốn sách
Nhận xét về giải thưởng lần thứ hai, ông Võ Văn Thưởng bày tỏ sự vui mừng khi ban tổ chức tiếp tục có nhiều đổi mới nhằm nâng cao chất lượng như điều chỉnh tiêu chí xét giải, đối tượng đề cử, quy trình chấm giải, cơ cấu và giá trị giải thưởng để phù hợp và đáp ứng yêu cầu của tình hình mới.
Ông Võ Văn Thưởng (phải) tại Lễ trao Giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ hai. |
Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương khẳng định việc làm ra được cuốn sách hay là sự cố gắng, tâm huyết của rất nhiều người. Nhưng để sách đến được với bạn đọc, nhân lên được những giá trị tri thức, giá trị văn hóa trong đời sống xã hội còn là một đòi hỏi yêu cầu cố gắng nỗ lực nhiều hơn.
"Chính vì vậy, cùng với việc tôn vinh thành quả to lớn của các nhà khoa học, các tác giả, dịch giả và đội ngũ những người làm sách, cần phải có biện pháp để nâng tầm giá trị cho mỗi cuốn sách đạt giải tương xứng với kỳ vọng của đông đảo bạn đọc, trở thành tài sản tinh thần quý giá trong mỗi gia đình và cộng đồng", ông Võ Văn Thưởng nói.
Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Xuất bản Việt Nam tiếp tục thực hiện nghiêm túc, hiệu quả quy trình tuyển chọn, xét giải ở những mùa giải tiếp theo.
Bên cạnh đó, ban tổ chức cần chú trọng đẩy mạnh công tác quảng bá cho giải thưởng nhằm huy động được nhiều hơn nữa sự tham gia của các NXB, nhà sách, tác giả, cũng như sự hỗ trợ, đồng hành của các doanh nghiệp để đưa Giải thưởng Sách Quốc gia trở thành một trong những giải thưởng danh giá, uy tín hàng đầu trong lĩnh vực của báo chí, xuất bản, văn hóa văn nghệ.
Theo ông Võ Văn Thưởng, công tác tuyên truyền cho các tác phẩm đạt giải tới bạn đọc cần phải làm nhiều hơn nữa, nhằm “mang đến niềm vinh dự, tự hào to lớn cho tổ chức, cá nhân đạt giải; cổ vũ, khích lệ quá trình sáng tạo và cống hiến của đội ngũ tác giả, dịch giả, nhà nghiên cứu, nhà khoa học và những người làm sách”.
Sách là một trong những di sản lớn nhất của nhân loại
Tại buổi lễ, ông Võ Văn Thưởng cũng dành thời gian chia sẻ về vai trò của sách, người làm sách. Dẫn lời đại văn hào Maksim Gorky: “Sách là kỳ công phức tạp và vĩ đại nhất trong tất cả những kỳ công tuyệt diệu mà loài người sáng tạo ra trên con đường tiến tới hạnh phúc và tương lai tươi sáng”, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương cho rằng sách là một trong những di sản lớn nhất, cung cấp tri thức góp phần tạo nên nhân cách con người và văn hóa nhân loại.
Để có được những bước tiến vĩ đại, con người cần có tri thức. Và sách là kho tàng tri thức của nhân loại. Để có được những cuốn sách giá trị phục vụ bạn đọc, không thể thiếu sự đóng góp hết sức thầm lặng của đội ngũ tác giả, dịch giả, nhà khoa học, các nhà xuất bản và các tổ chức cá nhân tham gia vào từng quy trình xuất bản sách.
“Với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, hoạt động xuất bản đã có những thành tựu đáng kể. Phong trào đọc sách có bước phát triển đáng mừng. Công tác quảng bá sách đã được chú trọng. Các tác giả, tác phẩm xuất sắc được trân trọng trao những giải thưởng ý nghĩa”, ông Thưởng nhận xét.
Một mùa giải đổi mới
Để giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ hai diễn ra tốt đẹp, có những bước đổi mới như nhận xét của ông Võ Văn Thưởng, ban tổ chức đã làm việc nghiêm cẩn, nhiệt huyết.
Ông Hoàng Vĩnh Bảo - Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Giải thưởng Sách Quốc gia - cho biết Hội Xuất bản Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với Cục Xuất bản, In và Phát hành tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo lấy ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học, các NXB, công ty phát hành, công ty sách và các ban ngành hữu quan, để hoàn thiện quy chế.
|
Các tác giả, đại diện NXB nhận giải A Giải Sách Quốc gia. |
Cùng việc rút kinh nghiệm từ mùa giải lần thứ nhất, Hội đồng Giải thưởng đã xem xét chỉnh sửa, bổ sung một số nội dung quy chế cho phù hợp với tình hình thực tế.
Do vậy, giải thưởng năm nay có những thay đổi cơ bản. Về cơ cấu giải, thay vì trao hai loại giải sách hay và sách đẹp, năm nay chỉ còn một loại giải với tên gọi: Giải thưởng Sách Quốc gia. Mùa giải trước trao cho 7 hạng mục sách, năm nay rút gọn còn 5 hạng mục phù hợp thực tế và điều kiện chấm giải.
Các hội đồng chấm giải chia thành những tiểu ban chuyên ngành. Quy chế mới đưa ra sách được Hội đồng Giải thưởng Sách Quốc gia nhất trí trao giải phải được ít nhất 70% thành viên trong Hội đồng thông qua.
Nhờ sự quan tâm, ủng hộ của một số doanh nghiệp, mức giải thưởng năm nay so với giải lần đầu tăng cao (gấp 5 lần so với giải A, tăng ba lần đối với giải B và C).
Giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ 2 có sức lan tỏa trong cộng đồng khi thu hút sự tham gia của đông đảo giới xuất bản. 42/59 nhà xuất bản tham gia, với 259 tên sách và bộ sách, bao gồm 355 cuốn.
Một số tác phẩm đạt Giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ hai. |
Ở giải A, hai bộ sách đạt giải đều là những công trình đồ sộ, là một phần của những đề tài nghiên cứu khoa học cấp nhà nước, với dung lượng lên tới hàng nghìn trang. Cả hai tác phẩm đều là công trình của tập thể các nhà khoa học nhiệt huyết, có những cuốn sách là tâm huyết nghiên cứu cả đời của tác giả.
Bộ sách Động vật chí Việt Nam (6 tập) và Thực vật chí Việt Nam (10 tập) có nội dung được cấu trúc theo quy phạm khoa học, chính xác, có giá trị thực tiễn và ứng dụng quan trọng trong sản xuất, xã hội, bảo tồn và phát triển bền vững. Công trình Vùng đất Nam Bộ - Quá trình hình thành và phát triển (gồm 2 tập tổng quan và 10 tập chuyên khảo sâu) nghiên cứu sâu rộng và toàn diện lịch sử vùng đất Nam Bộ, từ điều kiện tự nhiên, cội nguồn vùng đất từ thời tiền sử đến đặc trưng văn hóa, văn minh.
Giải thưởng cũng trao cho những tác phẩm có giá trị cao, truyền cảm hứng như: Công trình Nguyễn Trãi Quốc âm từ điển của Trần Trọng Dương gìn giữ vẻ đẹp chữ Nôm; tiểu thuyết Hùng binh (Đặng Ngọc Hưng) là một cột mốc chủ quyền biển đảo bằng văn chương; Xóm bờ dậu (Trần Đức Tiến) với những bài học nhân văn sâu sắc cùng trí tưởng tượng phong phú cho bạn đọc nhỏ…