Ngày 19/11 được coi là “Ngày Quốc tế Nam giới” tại 70 quốc gia khác nhau. Tại Việt Nam, trong một năm có tới hai ngày tôn vinh phụ nữ, nhưng phái mạnh vẫn chưa có một ngày tôn vinh mình. Một buổi tọa đàm bàn về vai trò của người đàn ông, về mối quan hệ giữa đàn ông và phụ nữ, cũng như việc có nên có ngày dành riêng cho đàn ông ở Việt Nam… được đưa ra bàn luận.
Tọa đàm có tên “Đàn ông là số 1 hay số 0” diễn ra sáng 19/11 tại Thông tấn xã Việt Nam, Hà Nội. Buổi tọa đàm được danh hài Chí Trung gọi là “cuộc phất cờ khởi nghĩa, vùng lên của cánh đàn ông”.
Tại đây, “Giáo sư Xoay” Đinh Tiến Dũng cho rằng phụ nữ thường kêu ca họ là nạn nhân của bất bình đẳng giới, bị phân biệt đối xử, nhưng đàn ông cũng chịu nhiều kỳ thị không kém. “Đàn ông Việt chịu nhiều định kiến. Ở rể thì bị coi là hèn, nghe lời vợ thì bị nói là đội vợ lên đầu, không uống rượu thì bị cho là đồ mặc váy, chỉ sinh con gái thì bị cho là phải ngồi chiếu dưới…” - “Giáo sư Xoay" nói.
Miss Thân thiện Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2008 Dương Thùy Linh lập tức phản bác lại ý kiến của Đinh Tiến Dũng. Theo chị, tất cả những điều được cho là “kỳ thị đàn ông” kể trên đều là do đàn ông nói nhau, đàn ông “tự dìm hàng nhau”.
Người đẹp Dương Thùy Linh (phải) và danh hài Chí Trung trò chuyện về vai trò của đàn ông và phụ nữ. |
Người đẹp thân thiện lập luận: “Nếu đàn ông không uống rượu thì lập tức được phụ nữ tôn vinh, chứ đâu có kỳ thị. Đàn ông mà nghe lời vợ lại càng được tôn vinh, chứ chẳng phụ nữ nào định kiến. Có những người đàn ông chẳng có gì ngoài việc đẻ được đứa con trai, nên mới phải lấy điều đó mang đi kỳ thị người khác đẻ con gái”.
Khi được hỏi, đàn ông thế nào là “chất”, Dương Thùy Linh cho rằng mỗi người phụ nữ có một gu đàn ông khác nhau: “Bạn thân của tôi thích đàn ông phải thành đạt, bệ vệ, chắc chắn, không bao giờ nhúng tay vào việc phụ nữ. Nhưng tôi thích đàn ông không phải gồng lên như một siêu nhân, mà vẫn là người mạnh mẽ ở bên người phụ nữ yếu mềm. Và người đàn ông đó cũng biết để cho phụ nữ có lúc được gồng lên mạnh mẽ”.
Với Dương Thùy Linh, không nên cực đoan trong việc phân định vai trò của người đàn ông trong gia đình cũng như trong xã hội. Việc biến người đàn ông thành “siêu nhân”, lúc nào cũng phải ra ngoài kiếm tiền… là tạo áp lực lớn cho phái mạnh.
Người phụ nữ và người đàn ông cùng nhau chia sẻ, hòa hợp, cả hai đều có lúc cương, lúc nhu mới là cách ứng xử văn minh giữa hai giới. Với những quan điểm chưa được tiến bộ về nữ giới, Dương Thùy Linh cho rằng, chính người phụ nữ có thể thay đổi tình hình bằng việc tự mình thay đổi nhận thức, hoặc giúp người đàn ông văn minh lên.
Một phần khiến người đàn ông chưa văn minh cũng do phụ nữ, bởi người con ảnh hưởng tính cách rất lớn từ người mẹ. Mỗi người phụ nữ có thể dạy dỗ giúp những đứa con mai này lớn lên thành đàn ông văn minh. Thêm vào đó, người đàn ông có cổ hủ đến đâu, quan hệ giữa hai giới vẫn còn nằm ở người phụ nữ nữa. “Làm vợ đôi khi cũng giống làm mẹ, phải hết sức kiên nhẫn, quên đi cái tôi của mình, để vì mục đích chung” - Dương Thùy Linh nói.
Người đẹp Dương Thùy Linh cùng chồng con. Ảnh: HB |
Đồng quan điểm với Dương Thùy Linh, NSƯT Chí Trung cho rằng để mối quan hệ giữa hai giới được tốt đẹp, vấn đề không chỉ đến từ đàn ông. Với danh hài “không hề có một mẫu đàn ông hoàn hảo, ngay cả trong cổ tích cũng không có”. Bởi vậy, một người đàn ông tốt là làm sao “hài hòa được lợi ích của hai phe, hợp pháp hóa được sở thích, niềm vui của nữ giới”.
Trước câu hỏi liệu Việt Nam nên hưởng ứng ngày Quốc tế Nam giới, Giám đốc Nhà hát Kịch Tuổi Trẻ cho rằng, phụ nữ có hai ngày trong năm, thì nam giới có một ngày cũng được. Nhưng ngày đó nên hưởng ứng theo tinh thần để vui vẻ, chứ không nên quá nặng nề, coi đó là cuộc cách mạng hay cuộc “phất cờ khởi nghĩa” của những người đàn ông.
“Phụ nữ có hai ngày, chứ có tới 20 ngày trong năm, thì họ vẫn phải chịu những áp lực, khó khăn, vẫn phải lao động và yêu thương như ngày thường. Với nam giới cũng vậy. Chúng ta có một ngày tụ bên nhau để cho ‘nước mắt đỡ rơi’ thì được” - nghệ sĩ Chí Trung nói.