Ông Thái Kỳ từng có nhiều năm làm việc với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại tỉnh Phúc Kiến và Chiết Giang. Ảnh: Reuters. |
Sau khi kết thúc Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XX vào hôm 23/10, Bí thư Thành ủy Bắc Kinh Thái Kỳ đã được bầu vào Ban thường vụ Bộ Chính trị Trung Quốc, theo kết quả do Tân Hoa xã công bố.
Ông Thái Kỳ từng làm việc cùng ông Tập Cận Bình trong nhiều năm tại tỉnh Phúc Kiến và Chiết Giang.
Việc ông Thái Kỳ được bầu vào Ban thường vụ Bộ chính trị Trung Quốc sau Đại hội XX khiến nhiều người liên tưởng tới thời điểm ông được bầu vào Bộ Chính trị Trung Quốc tại Đại hội XIX năm 2017, dù khi ấy ông chưa là ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Đường thăng tiến nhanh chóng
Ông Thái Kỳ sinh năm 1955, người gốc Phúc Kiến. Ông tốt nghiệp chuyên ngành kinh tế chính trị thuộc Trường Luật và Kinh tế, Đại học Sư phạm Phúc Kiến.
Theo China Daily, trong khoảng thời gian 1978-1999, ông làm việc tại tỉnh Phúc Kiến với chức vụ cao nhất là thị trưởng thành phố Tam Minh.
Trước khi có sự thăng tiến vượt bậc trong những năm gần đây, ông Thái Kỳ dành phần lớn sự nghiệp làm việc tại các tỉnh Phúc Kiến và Chiết Giang. Ảnh: Reuters. |
Trong 15 năm tiếp theo, ông Thái công tác tại tỉnh Chiết Giang trước khi được bổ nhiệm giữ chức Phó chủ tịch tỉnh vào năm 2013.
Trước khi được bầu vào Ban thường vụ Bộ Chính trị Trung Quốc tại Đại hội XX, sự nghiệp của ông Thái đã có những bước thăng tiến mạnh mẽ trong khoảng 10 năm gần đây.
Vào năm 2014, ông Thái được bổ nhiệm làm Phó chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban An ninh Quốc gia. Một năm sau đó, ông được thăng lên cấp bộ trưởng trước khi được bổ nhiệm làm Thị trưởng Bắc Kinh vào năm 2016.
Ông Thái gia nhập Bộ Chính trị Trung Quốc vào năm 2017, sau khi được bổ nhiệm làm Bí thư Thành ủy Bắc Kinh.
Việc ông Thái được thăng chức 4 lần trong vòng 4 năm cho thấy tầm quan trọng của ông, ông Cheng Li, một chuyên gia về chính trị Trung Quốc tại Viện nghiên cứu Brookings, đánh giá.
Ông Thái Kỳ (thứ hai từ trái qua) trong lễ ra mắt Thường vụ Bộ Chính trị khóa XX của Đảng Cộng sản Trung Quốc hôm 23/10. Ảnh: Reuters. |
Theo Neil Thomas, một nhà phân tích về Trung Quốc và Đông Bắc Á của hãng tư vấn Eurasia Group, ngoài ông Thái, chỉ có ông Dương Hiểu Độ được bầu vào Bộ Chính trị năm 2017 dù trước đó chưa là ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Lần gần nhất một chính trị gia được bầu trực tiếp vào Bộ Chính trị mà không thông qua Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc diễn ra vào năm 1992.
"Ngôi sao" trên mạng xã hội Trung Quốc
Bên cạnh đà thăng tiến nhanh, ông Thái cũng được biết đến là một trong những chính trị gia cấp cao tại Trung Quốc tích cực sử dụng mạng xã hội.
Theo Reuters, trong thời gian làm việc tại tỉnh Chiết Giang vào năm 2011-2013, ông đã thu hút được hơn 10 triệu người theo dõi trên tài khoản mạng xã hội của mình.
Theo China Daily, trong khoảng thời gian này, ông thường xuyên tương tác trên mạng xã hội với người dân. Một trong số những lần tương tác ấy đã khiến ông được công chúng Trung Quốc biết đến rộng rãi.
Cụ thể, sau khi nhận được tin nhắn của một người phụ nữ than phiền về việc con trai của bà bị bắt uống rượu bia với sếp tại một cơ quan nhà nước, ông Thái đã lập tức trả lời người phụ nữ và khẳng định sẽ can thiệp để giải quyết tình hình. Hành động này của ông đã nhận được phản ứng tích cực từ công chúng Trung Quốc.
Trước khi chuyển về công tác tại thủ đô Bắc Kinh, ông Thái Kỳ được biết đến là một trong những lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc tích cực sử dụng mạng xã hội. Ảnh: China Daily. |
Theo China Daily, vào năm 2014, ông Thái cũng gây bất ngờ khi thông báo trên mạng xã hội việc mình sẽ chuyển công tác sang Văn phòng Ủy ban An ninh Quốc gia. Thông báo của ông được đưa ra sớm hơn các phương tiện truyền thông của chính phủ Trung Quốc, phá vỡ truyền thống về việc công bố thông tin bổ nhiệm cán bộ ở nước này.
Trong các năm sau đó, do công tác ở vị trí đòi hỏi tính bảo mật thông tin cao, ông Thái đã dừng việc sử dụng mạng xã hội.
Tuy nhiên, ông Thái vẫn đánh giá cao tầm quan trọng của mạng xã hội, nhấn mạnh việc sử dụng nền tảng trên là một hoạt động cần thiết để đảm bảo sự giám sát của người dân đối với quan chức chính phủ.
"Mạng xã hội là một kênh liên lạc trực tiếp đến người dân, giúp chúng ta biết được công chúng đang nghĩ gì và cần gì. Tài khoản mạng xã hội của tôi đã góp phần giúp giải quyết những khúc mắc và vấn đề của người dân thông qua việc đối thoại trực tiếp với họ", China Daily dẫn lời ông Thái.
Chức vụ hiện tại của 7 ủy viên Ban thường vụ Bộ Chính trị mới của Trung Quốc. Đồ họa: Mỷ Thi. |