Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đường sụt lún, kênh nội đồng trơ đáy trong hạn mặn gay gắt ở miền Tây

Vùng ngọt hóa thiếu nước do hạn mặn đã gây thiệt hại cho hàng chục nghìn ha lúa ở miền Tây. Tại Cà Mau, có trên 900 vị trí ven kênh rạch và đường giao thông bị sụt lún.

Ngày 21/2, lãnh đạo UBND tỉnh Cà Mau cho biết đã lên kế hoạch cùng các bộ, ngành Trung ương và nhà khoa học khảo sát, đánh giá nguyên nhân, tìm giải pháp phòng chống hạn mặn trước mắt và lâu dài.

Cà Mau sụt lún và sạt lở trên 22 km đường ven kênh

Theo dự báo của các cơ quan chuyên môn, tình hình hạn hán, xâm nhập mặn trong mùa khô năm nay sẽ kéo dài đến tháng 5. Do vùng ngọt hóa thiếu nước sản xuất, kênh rạch khô cạn nên có trên 18.000 ha lúa ở Cà Mau bị thiệt hại.

Han man o mien Tay anh 1

Đường sụt lún ở Cà Mau. Ảnh: Nhật Tân.

Hạn hán đã gây chênh lệch nước giữa trong và ngoài vùng ngọt quá lớn khiến một số cống ngăn mặn ở vùng cực Nam Tổ quốc đã bị rò rỉ đáy. Toàn tỉnh Cà Mau có đến trên 900 vị trí ven kênh rạch và đường giao thông ven kênh bị sụp lún, sạt lở với tổng chiều dài khoảng 22 km.

Hiện, mực nước trong các kênh rạch ở Cà Mau cạn rất nhanh. Kênh trục và kênh cấp 1 chỉ còn 0,5-1 m, kênh cấp 2 và 3 đã khô cạn. Hạn mặn cũng làm cho trên 43.000 ha rừng, trong đó có Vườn Quốc gia U Minh Hạ đặt trong tình trạng báo động cháy (11.000 ha báo động cấp 4, cấp 5 là 12.000 ha).

Tại Trà Vinh, hạn mặn gây ảnh hưởng đến trên 5.177 ha lúa của 6.710 hộ dân. Bến Tre có 5.059 ha thiệt hại tại huyện Ba Tri (4.428 ha) và Giồng Trôm (631 ha), trong đó có đến 5.031 ha thiệt hại trên 70%.

Tại Tiền Giang, hạn mặn cũng khiến nhiều cánh đồng lúa ở huyện Gò Công Đông bị ảnh hưởng năng suất. Anh Dương Văn Thanh Vũ (39 tuổi, ngụ xã Tân Thành, huyện Gò Công Đông) cho biết từ ngày cấy dặm đến nay không có nước vào đồng nên đất ruộng khô nứt. Thấy ruộng lúa như "da beo" và nhiều hạt lép, anh Vũ không dám thuê người gặt vì sợ lỗ tiền công.

"Lúa chết nhiều như của tôi chỉ có thể cho vịt ăn nhưng cho người ta chứ bán chủ vịt không mua đâu. Chưa năm nào hạn hán khắc nghiệt như năm nay. Mùa khô 4 năm trước cũng đã xảy ra tình trạng này nhưng lúa vẫn có để gặt. 6 công lúa èo uột vì thiếu nước xem như tôi trắng tay vụ này", anh Vũ nói.

Thoát hạn mặn nhờ xuống giống sớm

Ông Nguyễn Quốc Minh, Phó chủ tịch UBND xã Tân Thành cho biết toàn xã có 1.200 ha đất trồng lúa (chiếm hơn 80% đất nông nghiệp của xã). Trước tình hình hạn hán, chính quyền khuyến cáo bà con xuống giống sớm để tránh thiệt hại.

Han man o mien Tay anh 2

Một con kênh nội đồng tại Tiền Giang sắp trơ đáy. Ảnh: Nhật Tân.

Trước diễn biến gay gắt của hạn mặn, ông Lê Văn Hưởng, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang chỉ đạo ngành nông nghiệp đắp đập kênh Nguyễn Tấn Thành để quyết tâm bảo vệ vùng sản xuất lúa tại huyện Tân Phước và nguồn nước sinh hoạt của khoảng 800.000 người dân. Đối với ngành cấp nước thì khuyến cáo người dân sử dụng nước tiết kiệm và điều tiết nước sinh hoạt theo hướng mở van tối đa ở khu vực khó khăn và khu vực nào nước tốt thì mở van nhỏ.

Ông Lê Thanh Tùng, Cục phó Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cho biết hầu hết diện tích lúa xuống giống sớm tại các tỉnh ven biển đã thoát được sự ảnh hưởng của tình hình xâm nhập mặn và hạn gay gắt của vụ lúa 2019-2020.

Năng suất của diện tích xuống giống sớm năm nay tăng so với trung bình hàng năm. Đây là nỗ lực của ngành nông nghiệp các địa phương và bà con nông dân. Giá lúa hiện nay cao hơn so với tháng trước và trung bình của vụ trước nên thu nhập của nông dân đã có sự cải thiện hơn.

Song song với cây lúa, ngành nông nghiệp chuẩn bị tốt các giải pháp phòng chống hạn mặn cho cây ăn quả. Nhờ tuân thủ nghiêm ngặt các giải pháp từ phía nông dân và địa phương nên khoảng 89.000/370.000 ha cây ăn quả dự kiến bị ảnh hưởng hạn mặn đã không bị thiệt hại.

Theo đánh giá của lãnh đạo Cục Trồng trọt, hạn mặn còn gay gắt thêm khoảng 1 tháng nữa nên các địa phương và nông dân cần tích trữ nước trong mương vườn, ủ rơm trên liếp vườn và tưới nước tiết kiệm để hạn chế việc ra hoa. Nếu thực hiện tốt điều này thì qua hết tháng 3/2020, cây ăn trái sẽ thoát hạn mặn như cây lúa.

Han man o mien Tay anh 3

Anh Dương Văn Thanh Vũ (39 tuổi, ngụ xã Tân Thành, huyện Gò Công Đông, Tiền Giang) trên cánh đồng đất nứt nẻ vì nắng hạn. Ảnh: Nhật Tân.

Đối với cây lúa, ông Lê Thanh Tùng khuyến cáo nông dân tuyệt đối không xuống giống xuân hè. Toàn miền Tây có thể mất vài chục nghìn ha lúa xuân hè nhưng phải chấp nhận và người dân chuyển diện tích này sang cây trồng cạn vì mùa mưa phải chờ đến cuối tháng tư hoặc đầu tháng 5/2020.

"Tốt nhất để làm lúa hè thu trúng hơn nữa là cày ải phơi đất sau vụ đông xuân, ngưng xuống giống vụ xuân hè, chờ các thông tin về nguồn nước và mưa trên địa bàn để bắt đầu bố trí vụ hè thu trong toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long, nhất là vùng ven biển", ông Tùng nói.

Miền Tây hạn mặn

Nếu như những năm trước nước mặn bắt đầu từ vùng bán đảo Cà Mau xâm nhập dần lên phía Hậu Giang và Vĩnh Long thì năm nay nước sông ở Bến Tre nhiễm mặn trước rồi đến Vĩnh Long.

Việt Tường

Bạn có thể quan tâm