Theo Công ty cổ phần vận tải Đường sắt Sài Gòn, ga Sài Gòn là điểm trung chuyển hành khách của tuyến đường sắt Bắc - Nam ra vào TP, có một số điểm giao cắt giữa đường bộ và đường sắt, chủ yếu từ ga Gò Vấp đến ga Sài Gòn.
Kẹt xe do ý thức chưa tốt
Đối với ý kiến di dời ga Sài Gòn do đường sắt có nhiều điểm giao cắt gây kẹt xe, Công ty cổ phần vận tải Đường sắt Sài Gòn cho rằng đường sắt không phải là nguyên nhân chính gây kẹt xe tại các điểm này mỗi khi có tàu hỏa chạy qua mà do ý thức chấp hành luật giao thông chưa tốt của một số người chen lấn giành đường.
Nếu tổ chức tốt, tàu hỏa chính là phương tiện ít gây ùn tắc nhất, đảm bảo an toàn và đúng giờ để chở hành khách, hàng hóa, góp phần tạo thuận lợi cho hoạt động đi lại của người dân TP và các vùng lân cận.
Đoạn đường sắt từ ga Bình Triệu vào ga Sài Gòn tạo ra 14 điểm giao cắt giữa đường sắt và đường bộ, gây kẹt xe khiến nhiều người đề nghị dời ga Sài Gòn. |
Theo Công ty cổ phần vận tải Đường sắt Sài Gòn, một đoàn tàu ra hoặc vào TP có thể chuyên chở gần 1.000 hành khách.
Hiện hành khách đi tàu rất thuận lợi khi đến ga Sài Gòn thay vì phải mất thời gian, chi phí để đi từ nội thành đến một ga ở ngoại ô hoặc ngược lại.
Trong khi đó, người dân của các tỉnh khác như Bình Dương, Đồng Nai... có thể lên tàu tại ga Biên Hòa, Dĩ An.
Phải di dời nhiều công trình
Cũng theo Công ty cổ phần vận tải Đường sắt Sài Gòn, nếu dời ga Sài Gòn ra Dĩ An hoặc Biên Hòa thì không đơn giản chỉ dời ga là xong, mà còn phải di dời khối lượng lớn các công trình phụ trợ phục vụ chạy tàu.
Cụ thể là nhà xưởng, máy móc, thiết bị chạy tàu của 7 công ty, xí nghiệp với lực lượng lao động gần 3.000 người sửa chữa đầu máy, toa xe, thông tin, duy tu, bảo dưỡng đường sắt và làm việc trên các đoàn tàu.
Công ty cổ phần vận tải Đường sắt Sài Gòn đưa ra giải pháp trong khi chờ xây dựng đường sắt trên cao từ Sài Gòn đến Trảng Bom theo quyết định đã được Thủ tướng phê duyệt thì cần xây dựng bổ sung các giải pháp để điều tiết giao thông hợp lý tại các điểm giao cắt giữa đường sắt và đường bộ.
Đối với giải pháp trên, TP HCM hoàn toàn có thể thực hiện được vì số lượng giao cắt giữa đường sắt và đường bộ trong nội đô thành phố là không nhiều.
Công ty này cho biết đang xây dựng phương án trình UBND TP về việc tổ chức chạy tàu khách đường ngắn từ TP đi Bình Dương, Đồng Nai và ngược lại để phục vụ hành khách, giảm bớt ùn tắc giao thông đô thị.