160 tỷ đồng là con số lỗ lũy kế khi vận hành tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông, vừa được Công ty TNHH MTV đường sắt Hà Nội (Hanoi Metro) nêu ra tại báo cáo tài chính của doanh nghiệp.
Câu chuyện tàu điện Cát Linh "đã chạy là lỗ" từng được các chuyên gia cảnh báo. Tuy nhiên, mức lỗ lên tới 160 tỷ đồng có nguyên nhân từ việc công trình chưa được Hà Nội trợ giá vận hành.
Khách đông kỷ lục vẫn không đủ chi phí vận hành
Trao đổi với Zing, ông Vũ Hồng Trường, Tổng giám đốc Hanoi Metro, cho biết với tính chất "doanh thu không đảm bảo chi phí vận hành", đường sắt Cát Linh - Hà Đông sẽ được Nhà nước trợ giá tương tự xe buýt.
Lưu lượng khách đi tàu Cát Linh - Hà Đông đang ở mức 20.000-30.000 lượt/ngày. Ảnh: Thạch Thảo. |
Tuy nhiên, đến nay Hanoi Metro vẫn vận hành với đơn giá tạm, chưa chính thức được TP Hà Nội đặt hàng. Ông Trường cho hay công ty đang trong quá trình hoàn thiện hồ sơ để thành phố đặt hàng cho tuyến Cát Linh - Hà Đông 2 tháng cuối năm 2021 và cả năm 2022.
"Sau khi doanh thu được cộng thêm trợ giá theo đặt hàng của thành phố, chắc chắn bức tranh tài chính sẽ khác. Trợ giá không chỉ bù đắp phần thiếu hụt do doanh thu không đảm bảo chi phí, mà còn có lãi định mức theo quy định", lãnh đạo Hanoi Metro chia sẻ.
Theo báo cáo tài chính đã kiểm toán 2021 vừa được công bố, doanh thu của Hanoi Metro khi vận hành chính thức đoàn tàu chạy tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông đạt hơn 5 tỷ đồng. Tuy nhiên, chi phí vận hành, quản lý khiến doanh nghiệp lỗ ròng 64 tỷ đồng.
Vào năm 2020, công ty báo lỗ 23 tỷ đồng khi chưa vận hành. Tính lũy kế, doanh nghiệp đang lỗ tổng cộng 160 tỷ đồng.
Chia sẻ với Zing trước đó, ông Vũ Hồng Trường từng khẳng định việc đường sắt đô thị thu không đủ bù chi là "chuyện đương nhiên" và phổ biến trên thế giới. Ông tiết lộ ngay cả ngày đông khách kỷ lục như dịp 30/4-1/5 (53.000 khách/ngày), doanh thu bán vé của tàu điện Cát Linh - Hà Đông cũng chưa đủ để bù đắp chi phí vận hành.
"Đốt tiền" nếu chỉ chạy đơn tuyến
"Nếu làm đúng quy hoạch, giờ này Hà Nội đã có đến 4 tuyến đường sắt đô thị hoạt động rồi", thạc sĩ Vũ Anh Tuấn (Đại học GTVT), nói với Zing.
Việc vận hành đơn tuyến khiến đường sắt Cát Linh - Hà Đông thua lỗ càng lớn. Ảnh: Hoàng Hà. |
Ông Tuấn khẳng định nếu tàu điện Cát Linh chỉ chạy một mình, không thể hiệu quả. Hiện nay, bình quân lượng khách đi tàu mỗi ngày chỉ đạt gần 30.000 lượt. Trong khi một tuyến xe buýt lớn cũng đạt khoảng 15.000 khách/ngày. Như vậy, tàu Cát Linh - Hà Đông chỉ đáp ứng được số "chuyến đi" bằng 2 tuyến buýt.
Theo thiết kế, năng lực khai thác tối đa của tàu Cát Linh - Hà Đông là hơn một triệu người/ngày. Mỗi đoàn tàu có thể chở 960 người. "Sản lượng hiện nay chưa đạt nổi 1/10 thì giải quyết được vấn đề gì? Mỗi ngày cả thành phố có 30 triệu chuyến đi mà tàu điện chỉ đáp ứng 30.000, đó là điều cần xem xét?", ông Tuấn nêu vấn đề.
Ông nhìn nhận đến nay, ý nghĩa của đường sắt Cát Linh - Hà Đông vẫn dừng lại ở mức độ cho người dân trải nghiệm, làm quen với loại hình vận tải công cộng văn minh.
Theo quan điểm của chuyên gia, metro là loại hình vận tải cộng sinh, đơn tuyến sẽ không thể thu hút được hành khách. Do đó, sự chậm trễ, ì ạch của các dự án metro đang triển khai cũng góp phần kéo dài cả thời gian lẫn mức độ thua lỗ của tuyến Cát Linh - Hà Đông.
"Khi nào Hà Nội có được mạng lưới 4 tuyến metro ở 4 hướng nối nhau thì sản lượng của từng tuyến mới cải thiện được. Cát Linh - Hà Đông từ 30.000 khách có thể tăng lên 100.000 khách. Khi nào có 8 tuyến, sản lượng có thể vọt lên bằng công suất thiết kế", thạc sĩ Vũ Anh Tuấn dự báo.
Thời điểm khai trương tuyến tàu điện Cát Linh - Hà Đông, Phó chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Văn Quyền cho biết thành phố sẽ có 10 tuyến đường sắt đô thị với tổng chiều dài 417 km.
Tuy nhiên, tiến độ của các tuyến được triển khai sau Cát Linh - Hà Đông đều đang có vấn đề. Trong đó, dự án metro Nhổn - Ga Hà Nội đang gặp bế tắc phải dừng thi công hạng mục khoan hầm. Ban Quản lý dự án đường sắt đô thị Hà Nội (MRB) phải đề xuất tăng tổng mức đầu tư dự án Nhổn - ga Hà Nội thêm 4.905 tỷ đồng và lùi thời gian vận hành đến năm 2027.
Dự án metro số 1 Yên Viên - Ngọc Hồi sau nhiều năm được Ban quản lý dự án Đường sắt (Bộ GTVT) nghiên cứu đầu tư thì đến nay được bàn giao lại cho MRB. Tiến độ triển khai chưa được MRB cập nhật.
Tuyến đường sắt đô thị số 2 đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo vừa qua đội vốn từ 19.555 tỷ lên 35.679 tỷ đồng, trong khi vẫn chưa rõ ngày khởi công.