Thông tin chi tiết về tình trạng dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông vừa được Chính phủ nêu ra trong báo cáo gửi Quốc hội về tiến độ thực hiện các công trình giao thông trọng điểm.
Báo cáo chỉ ra nhiều vấn đề vướng mắc tại dự án, đồng thời cho thấy sự mâu thuẫn quan điểm giữa chủ đầu tư là Bộ GTVT và Tổng thầu EPC đường sắt Cát Linh - Hà Đông.
Phát sinh hàng loạt vấn đề
15 tháng đã trôi qua từ thời điểm ông Vũ Hồng Phương, quyền Giám đốc Ban quản lý dự án Đường sắt, thông báo khối lượng xây lắp của đường sắt Cát Linh - Hà Đông đã hoàn thành được 99%.
1% còn lại, theo kỳ vọng của Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể, có thể hoàn thành trong 1-2 tháng để đến cuối tháng 4/2019 đưa dự án vào vận hành thương mại.
Đường sắt Cát Linh - Hà Đông đã có nhiều chuyến vận hành thử nhưng vẫn chưa hẹn ngày khánh thành. Ảnh: Việt Linh. |
Kịch bản mà Bộ trưởng Thể mong đợi đã không xảy ra. Ngày 30/4/2019, Ban quản lý dự án Đường sắt cho biết mục tiêu hoàn thành dự án đã không đạt được dù cả tổng thầu và ban quản lý dự án đều nỗ lực.
Đại diện ban quản lý dự án cho biết còn nhiều phần việc liên quan như công tác đào tạo nhân sự, nghiệm thu và tiến độ xây dựng tại hiện trường.
Sau đó 1 tháng, đường sắt Cát Linh tiếp tục gây xôn xao dư luận sau khi Kiểm toán Nhà nước kết luận Bộ GTVT đã phê duyệt tăng tổng mức đầu tư dự án từ 8.770 lên hơn 18.000 tỷ đồng mà không được Quốc hội phê duyệt.
Tháng 10/2019, lần đầu tiên một lãnh đạo Chính phủ là Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng trực tiếp đi thử tàu điện Cát Linh - Hà Đông. Ông Dũng thị sát dự án và yêu cầu Bộ trưởng Thể trong năm 2019 phải đưa được dự án vào khai thác.
Qua năm 2020, công trình vẫn im lìm không hoạt động. Khuôn viên nhà ga Cát Linh bị người dân lấn chiếm, biến thành chợ cây cảnh và đồ gốm sứ.
Trong một lần trả lời chất vấn Đại biểu Quốc hội về sự chậm trễ của dự án, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kết luận Bộ GTVT chịu trách nhiệm chính trong việc chậm tiến độ, tăng tổng mức đầu tư. UBND Hà Nội chịu trách nhiệm về việc chậm trễ trong công tác giải phóng mặt bằng.
Khi những vướng mắc tại dự án còn chưa giải quyết xong thì dịch Covid-19 bùng phát tại Trung Quốc và lan sang Việt Nam. Ban quản lý dự án Đường sắt cho biết gần 100 chuyên gia người Trung Quốc làm việc cho tổng thầu bị kẹt ở Trung Quốc, không thể sang vì quy định hạn chế nhập cảnh.
Công trường dự án rơi vào cảnh thiếu nhân lực từ ngày 1/2 đến hôm nay vẫn chưa được bổ sung. Tổng thầu cho biết mới chỉ có 8 công nhân Trung Quốc có mặt tại dự án, gồm 4 người trực Tết ở Việt Nam và 4 người mới sang bằng hộ chiếu công vụ.
Gần đây nhất, báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội đã nêu ra vấn đề bất đồng lớn giữa chủ đầu tư và tổng thầu khi tổng thầu đòi thanh toán ngay 50 triệu USD (hơn 1.100 tỷ đồng) để vận hành hệ thống và thanh toán toàn bộ trước khi bàn giao.
Không đơn giản là 1%
Liên tiếp những lần vỡ tiến độ cộng với các vướng mắc liên tục phát sinh cho thấy cơ quan quản lý thiếu sự thành thật với đông đảo người dân đang quan tâm đến dự án.
Một so sánh đơn giản với dự án đường sắt Nhổn - Ga Hà Nội, đơn vị quản lý dự án này là Ban quản lý dự án đường sắt đô thị Hà Nội (MRB) thực hiện cơ chế báo cáo tiến độ theo từng tháng. Bản tin tiến độ được đăng tải đều đặn lên website của MRB với những thông tin từ thuận lợi đến khó khăn của dự án.
Dự án đường sắt Cát Linh nhìn bề ngoài đã hoàn thiện nhưng bên trong vẫn tồn tại nhiều phần việc chưa thể giải quyết. Ảnh: Việt Linh. |
Ban quản lý dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông không có cơ chế thông tin định kỳ. Có những giai đoạn dự án im lìm vài tháng mà không biết tiến độ đến đâu. Đôi khi phải đợi đến lúc Bộ trưởng GTVT lên "ghế nóng" trả lời chất vấn trước Quốc hội, thông tin dự án mới được cập nhật.
Đầu tháng 6/2019, tại nghị trường Quốc hội, các đại biểu tập trung chất vấn trách nhiệm của Bộ trưởng GTVT khi để dự án bị đội vốn, chậm tiến độ, đồng thời đặt câu hỏi về hạn cuối cùng hoàn thành dự án.
Ông Thể lặp lại những nguyên nhân như tư vấn trong nước và Ban quản lý dự án có yếu kém, tổng thầu có vấn đề. Các đơn vị quản lý đường sắt trình độ cũng hạn chế, nên khi triển khai lúng túng...
Với câu hỏi khi nào dự án được đưa vào khai thác, Bộ trưởng không trả lời.
Trao đổi với Zing, TS Nguyễn Xuân Thủy, nguyên Giám đốc Nhà xuất bản GTVT, cho rằng 1% mà Bộ GTVT đưa ra không chính xác, nó phải là một tỷ lệ cao hơn. "Nếu chỉ còn 1% thì đến nay tàu đã chạy rồi. Hoặc nếu phần việc còn lại rất khó khăn, phức tạp thì nó không phải là 1% nữa", ông Thủy nói.
Báo cáo tiến độ gần đây nhất mà Chính phủ gửi Quốc hội đã cho thấy rõ phần việc còn lại của dự án không phải là 1%. Bộ GTVT thừa nhận dự án còn nhiều phần việc từ hồ sơ nghiệm thu đến các hạng mục kiến trúc, thiết bị trên công trường.
Những vấn đề cũ được nêu từ nhiều tháng trước vẫn chưa được khắc phục như đề cương và kế hoạch vận hành thử toàn hệ thống hiện chưa hoàn thiện. Đánh giá chứng nhận an toàn hệ thống cũng chưa xong do tổng thầu chưa phối hợp cung cấp các hồ sơ tài liệu. Hầu hết chuyên gia người Trung Quốc cũng chưa được đưa sang Việt Nam do quy định hạn chế nhập cảnh.
Thay vì đồng thuận quan điểm để đẩy dự án về đích, giữa Bộ GTVT và Tổng thầu EPC Trung Quốc đang tồn tại những vấn đề mâu thuẫn, giằng co như việc tổng thầu đòi thanh toán 50 triệu USD, hay việc tổng thầu từ chối cung cấp thêm hồ sơ thi công dù Bộ GTVT coi đây là điều kiện quan trọng để đánh giá an toàn.
Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông được Bộ GTVT phê duyệt đầu tư vào tháng 10/2008 với tổng mức đầu tư hơn 8.700 tỷ đồng (tương đương 552 triệu USD). Quá trình thực hiện, dự án đội vốn lên hơn 18.000 tỷ đồng (tương đương 868,04 triệu USD), trong đó vốn vay của Trung Quốc là 669,62 triệu USD và 198,42 triệu USD vốn đối ứng Việt Nam.
Dự án đã cơ bản hoàn thành các hạng mục xây dựng nhưng vẫn chưa được bàn giao do Tổng thầu chưa thực hiện được khâu đánh giá an toàn hệ thống. Việc vận hành thử toàn hệ thống cũng đang đình trệ do phần lớn chuyên gia của dự án vẫn đang kẹt ở Trung Quốc vì dịch bệnh. Do công trình chưa được đánh giá an toàn, Bộ GTVT chưa thể thực hiện các bước tiếp theo là nghiệm thu, thanh toán và bàn giao cho TP Hà Nội đưa vào khai thác.