Sau nhiều năm thai nghén và gần một năm chuẩn bị, Đường sách TP Thủ Đức dự kiến đi vào hoạt động từ ngày 22/12. Công trình được kỳ vọng sẽ trở thành điểm nhấn văn hóa trong nếp sinh hoạt của người dân thành phố, nơi trao đổi, gặp gỡ của các học sinh, sinh viên và là một điểm du lịch thú vị cho du khách.
Tri thức có dịp trò chuyện cùng ông Lê Hoàng, Giám đốc Công ty Đường Sách TP.HCM, thành viên của Hội Xuất bản Việt Nam. Ông cũng là người đã đồng hành cùng quá trình hình thành Đường sách TP Thủ Đức trong suốt thời gian qua.
Chỉ có sự tham gia của người dân mới giúp đường sách thực sự hoạt động
- Là người điều hành Đường sách TP.HCM nhiều năm qua và tham vấn cho các địa phương để xây dựng đường sách, ông cảm thấy như thế nào khi Đường sách TP Thủ Đức sắp đi vào hoạt động?
- Chỉ chưa tới nửa tháng nữa Đường sách TP Thủ Đức sẽ chính thức đi vào hoạt động. Là một thành viên của Hội Xuất bản Việt Nam (Hội Xuất bản), đã gắn bó với sách và văn hóa đọc nhiều năm, thực sự tôi có hai cảm xúc.
Cảm xúc thứ nhất là rất vui mừng. Từ một vỉa hè trên con đường Hồ Thị Tư, bây giờ nơi đây sẽ hình thành nên không gian của văn hóa, tri thức, của giáo dục và nghệ thuật. Thông qua các hoạt động của sách, đây sẽ trở thành một điểm đến cho người dân sinh hoạt văn hóa, tinh thần và nghỉ ngơi. Nghĩ đến Hội Xuất bản cùng với các thành viên của Hội, các đơn vị xuất bản đã tham gia và góp phần hình thành nên một không gian như vậy, tôi cảm thấy rất vui.
Nhưng cảm xúc thứ hai là đầy sự lo lắng. Nỗi lo đó là sự tham gia hưởng ứng của người dân. Liệu người dân có đến tham dự các hoạt động, có đón nhận sách của các đơn vị xuất bản khi đường sách đi vào hoạt động hay không? Chỉ có sự tham gia của người dân mới làm cho đường sách thực sự sống và hoạt động lâu dài.
- Mô hình đường sách đang được nhân rộng ở nhiều nơi, song ngoại trừ Đường sách TP.HCM, hầu như mỗi nơi đều đang đối mặt với nhiều khó khăn, Đường sách Vũng Tàu cũng vừa phải dừng hoạt động. Vậy làm sao để Đường sách TP Thủ Đức tránh được những điều đó?
- Dựa trên thực tế kinh nghiệm thành công, thất bại của các Đường sách đã triển khai trong những năm qua khắp cả nước, Hội Xuất bản Việt Nam cũng có những đề nghị với UBND TP Thủ Đức tích cực tham gia trong công tác điều hành hoạt động, có kế hoạch tài chính, đầu tư ngân sách cho đường sách nhằm kiến tạo thêm nhiều tiện ích, phục vụ nhu cầu văn hóa tinh thần của người dân, đặc biệt là các sân chơi và các trải nghiệm công nghệ mới, chuyển đổi số để xứng tầm là thành phố trẻ, năng động, công nghệ và khởi nghiệp sáng tạo.
Phía Hội Xuất bản và các đơn vị tham gia đường sách cũng rất nỗ lực để phối hợp tổ chức các hoạt động, truyền thông để nhiều người dân quan tâm và lựa chọn đến đường sách.
- Được biết trong quá trình triển khai Đường sách TP Thủ Đức, những người thực hiện nhiều lần “mất ăn mất ngủ”, vậy điều gì đã khiến ông kiên trì với dự án này?
- Thực ra tôi mong muốn có một không gian văn hóa mà nó mang lại lợi ích cho người dân, đồng thời có một nơi để phát triển văn hóa đọc. Đây cũng là nguyện vọng và nhiệm vụ của Hội Xuất bản. Thành ra mình có quyết tâm vượt qua khó khăn để hoàn thành không gian đường sách này.
Không gian gian văn hóa với nhiều điểm khác biệt
- Theo ông, ở Đường sách TP Thủ Đức có những thuận lợi và khó khăn như thế nào?
- Đường sách mặc dù ở trung tâm TP Thủ Đức nhưng cũng là vùng ven trung tâm TP HCM, khó có thể hút khách hàng từ các quận trung tâm đến thường xuyên. Hơn nữa, văn hóa đọc ở đây vẫn chưa được đánh giá cao, chưa được xem như loại nhu yếu phẩm của tinh thần.
Bên cạnh những khó khăn như vậy, Đường sách TP Thủ Đức cũng có thuận lợi mà những đường sách khác không có hoặc không bằng.
Thứ nhất là quyết tâm của lãnh đạo TP Thủ Đức, được thể hiện trong quá trình phối hợp và hỗ trợ hình thành đường sách. Thứ hai, vai trò điều hành của đường sách được giao cho Công ty Đường sách TP.HCM vốn có kinh nghiệm nhiều năm điều hành ở Đường sách TP.HCM.
Thứ ba, lãnh đạo TP Thủ Đức tạo điều kiện tối đa cho cơ sở vật chất và các cơ chế chính sách, các chủ trương phối hợp tổ chức hoạt động, còn việc kinh doanh, tổ chức các hoạt động thì các đơn vị tại đường sách có được sự chủ động rất cao để phát huy tính chủ động, sáng tạo, tạo ra nhiều hoạt động tích cực và có hiệu quả.
Một đặc điểm nữa là đường sách rất gần với các cơ sở giáo dục, Đại học quốc gia TP.HCM và các trường đại học khác, nơi có một lượng sinh viên, trí thức trẻ rất đông. Do vậy, tệp khách hàng chính của đường sách phần lớn sẽ là cư dân, học sinh, sinh viên trên địa bàn, những người đến với Đường sách để tìm kiếm kiến thức, tri thức, chất liệu học tập và phát triển.
Cuối cùng, không gian ở công viên Hồ Thị Tư vốn là một điểm đến của rất đông bạn trẻ vào buổi tối. Ngay lúc chưa có đường sách, thành phố cũng từng tổ chức nhiều hoạt động ở đây vào các dịp Tết, hội chợ, triển lãm... Vì vậy, đường sách mới cũng có thể tiếp tục kế thừa đặc điểm thuận lợi này, trở thành một điểm hội tụ, sinh hoạt, giải trí cho người dân.
- Trong thời gian tới, dự kiến mục tiêu hoạt động của Đường sách TP Thủ Đức sẽ như thế nào?
- Mục tiêu hoạt động của Đường sách TP Thủ Đức là hình thành một thiết chế văn hoá ngoài trời, hướng đến tạo lập Công viên sách Hồ Thị Tư hoạt động ổn định, lâu dài. Nơi đây sẽ không chỉ là không gian của sách mà còn cho các hoạt động, sự kiện nhân các ngày lễ lớn, phục vụ nhu cầu văn hóa, giáo dục, giải trí của bạn đọc, du khách và người dân địa phương.
Đây cũng là nơi gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm nghề nghiệp của các tác giả, xu hướng làm sách hiện đại, nơi ươm mầm cho các tác giả trẻ, đỡ đầu cho các tác phẩm mới, giao lưu tác giả - tác phẩm với người đọc, là nơi tạo dựng thói quen, niềm tin và sự say mê với sách, với kiến thức, lan tỏa tri thức.
- Đường sách TP Thủ Đức đang được đầu tư rất nhiều về mặt không gian để thu hút độc giả, ông có thể mô tả một chút về công trình sau khi hoàn thiện?
- Cảnh quan đẹp và tiện ích của đường sách sẽ đóng vai trò rất quan trọng trong việc thu hút đông đảo bạn đọc và cư dân trên địa bàn. Đường sách, bên cạnh một không gian văn hóa tri thức, còn là không gian riêng biệt, an toàn bởi hàng rào cây xanh ngăn cách giữa đường sách với lòng đường Hồ Thị Tư.
Bên trong có những tiểu cảnh mang đặc tính đồng bằng Nam Bộ, với 8 cây cầu bắc qua khu vườn cỏ, có cụm cây xanh, lu nước, hàng cây lộc vừng mọc giữa thảm cỏ xanh, tạo bóng mát cả ngày, chạy dài xuyên suốt cả đường sách. Các tiểu cảnh cây xanh tạo thành cụm bóng mát hay các quán cà phê có thể làm nơi tụ hội của gia đình, nhóm bạn hay các điểm dừng chân, nơi yên tĩnh để đọc sách.
Bên cạnh đó, không gian trò chơi trí tuệ trong nhà và một ít trò chơi vận động nhẹ dành cho trẻ em hy vọng giúp các bậc cha mẹ có thêm lựa chọn khi đưa con đến đây vào những ngày nghỉ hay ngoài giờ làm việc.
Về đêm, các gian hàng sẽ tạo ra một mảng sáng từ bên trong từng gian, có đèn chiếu sáng ra hành lang phía trước gian hàng, cùng các mảng sáng trang trí trên các hàng cây, hay ánh sáng tỏa trên cả phần vỉa hè sát với lòng đường Hồ Thị Tư sẽ tạo nên một không gian sáng đẹp. Một không gian với những nét khác biệt như vậy có lẽ sẽ thu hút người dân đến với đường sách.
Trân trọng cảm ơn ông!
Đường sách TP Thủ Đức được khởi công từ cuối tháng 12/2022 nằm trên đường Hồ Thị Tư thuộc phường Hiệp Phú, TP Thủ Đức. Đường sách TP Thủ Đức với gần 20 gian hàng dự kiến được khánh thành vào ngày 22/12.
Đọc được sách hay, hãy gửi review cho ZNews
Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. ZNews mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: books@zingnews.vn. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.
Trân trọng.