- Được biết ý tưởng thành lập phố sách cố định ở Hà Nội bắt nguồn từ Hội Xuất bản Việt Nam, ông có thể thông tin cụ thể thêm về dự án này?
- Sau khi xây dựng đường sách TP.HCM, Hội Xuất bản Việt Nam đã có văn bản gửi tất cả các thành phố lớn như Hà Nội, Huế, Đà Nẵng, Hải Phòng. Hội đề nghị các thành phố lớn quan tâm, tổ chức và thành lập đường sách để phục vụ nhân dân trên cơ sở mô hình của TP.HCM.
Ngay sau khi nhận được văn bản của hội, một số địa phương để khảo sát, xây dựng đề án, trong đó có thành phố đã quyết định được ngày khai trương đường sách như Hà Nội.
Ông Đỗ Quý Doãn, Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam. Ảnh: Quang Đức. |
- Theo ông, việc lần đầu tiên Hà Nội có phố sách cố định có ý nghĩa như thế nào?
- Tôi nghĩ việc hình thành một đường sách ở trung tâm thủ đô là việc làm hết sức cần thiết và ý nghĩa. Có thể coi đó là một tụ điểm văn hóa, đó không chỉ là nơi kinh doanh mà còn là địa điểm diễn ra hoạt động giao lưu, trao đổi của nhiều đối tượng.
Mục đích của đường sách là làm sao để chính tác giả và người làm sách hiểu được nhu cầu, thị hiếu, tâm tư, tình cảm của công chúng. Và công chúng - độc giả cũng hiểu được ý tưởng xuất bản của tác phẩm.
Khi sự hiểu tăng lên thì sự say mê với sách cũng tăng lên. Người đọc sẽ chủ động tìm đọc tác phẩm. Mối quan hệ giữa các đối tượng sẽ ngày càng trở nên gần gũi, thân thiện.
- Không ít ý kiến cho rằng, Hà Nội đã có nhiều phố sách, do vậy, không nhất thiết phải thành lập một phố sách cố định hoặc cũng có thể chọn Đinh Lễ, Nguyễn Xí - những địa chỉ sách quen thuộc thay vì phố 19/12. Quan điểm của ông thế nào?
- Chúng ta cần phân biệt cửa hàng kinh doanh sách với đường sách. Đinh Lễ, Nguyễn Xí hay Tràng Tiền chỉ là tập hợp những cửa hàng bán sách, nơi họ trưng bày để công chúng có thể chọn lựa và mua sách.
Còn đường sách, ngoài mục đích kinh doanh, mua bán thông thường còn là nơi giao lưu - trao đổi giữa những người làm sách với nhau và những người làm sách - tác giả với công chúng - độc giả.
Ở đường sách, tất cả mọi người đều có cơ hội trao đổi tâm tư, tình cảm, ý kiến của mình về sách, về xuất bản. Các tác giả, đơn vị xuất bản có thể chọn đường sách để giới thiệu tác phẩm đến với công chúng.
Ngược lại, công chúng cũng có thể coi đây là không gian để tìm hiểu về quy trình xuất bản, về tác phẩm. Mức tác động và ảnh hưởng của đường sách đối với xã hội và người dân là rất lớn.
Đường sách tại TP.HCM. Ảnh: Bá Ngọc. |
- Hội Xuất bản Việt Nam đã đồng hành cùng các thành phố lớn như thế nào trong quá trình thành lập phố sách cố định?
- Đối với đường sách TP.HCM, UBND thành phố giao Hội Xuất bản Việt Nam và Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì xây dựng. Do vậy, hội đã thành lập một doanh nghiệp để quản lý đường sách. Tôi nghĩ chủ trương này là kinh nghiệm quý báu cho các nơi.
Còn đối với Hà Nội, chúng tôi tham gia đồng hành ngay từ thời gian đầu, từ việc tác động về ý tưởng, đến khảo sát và trao đổi. Mọi kinh nghiệm mà Hội Xuất bản Việt Nam có được trong việc thành lập đường sách ở TP.HCM đều cung cấp cho Hà Nội.
Dù không phải đơn vị chủ trì nhưng hội sẵn sàng phối hợp chặt chẽ và hỗ trợ kinh nghiệm, nghiệp vụ cho Hà Nội. Chúng tôi sẽ luôn đứng cạnh thành phố đến khi nào đường sách chính thức ra đời và hoạt động có hiệu quả.
Còn đối với các thành phố lớn khác, chúng tôi đều đã có văn bản. Nếu các địa phương có nhu cầu, chúng tôi cũng sẵn sàng cử cán bộ có kinh nghiệm đến để hỗ trợ thành lập đường sách.
Cuối tháng 8/2016, UBND Thành phố Hà Nội đã phê duyệt đề án xây dựng phố sách cố định của Hà Nội tại phố 19/12.
Phố 19/12 dài gần 200m, nằm cạnh Tòa án Nhân dân Thành phố Hà Nội, nối giữa hai phố Hai Bà Trưng và Lý Thường Kiệt. Theo đề án đã được phê duyệt, khi xây dựng phố sách sẽ cân nhắc thiết kế các hộp sách gắn tường, đáp ứng các tiêu chí: Phù hợp với cảnh quan đô thị, có không gian văn hóa, diện tích dành cho độc giả.