Không khó để cảm nhận được mối liên hệ giữa đường ruột và trí nhớ. Ảnh: Adrienn/Pexels. |
Như chúng ta đã thấy ở chứng lo âu, không khó để cảm nhận được mối liên hệ giữa đường ruột và trí nhớ. Nếu bạn nhìn thấy người yêu cũ từng cắm sừng mình, có thể bạn sẽ lập tức cảm thấy buồn nôn. Nếu bạn đang lái xe qua con phố nơi bạn từng được thưởng thức một bữa ngon, bạn sẽ bắt đầu chảy nước miếng và dạ dày bạn sẽ bắt đầu kêu réo. Căn cứ vào việc đường ruột của bạn cũng biết ghi nhớ thì chẳng có gì đáng ngạc nhiên trước việc nó hoạt động song song với hệ thống ghi nhớ của não bộ.
Mấu chốt của mối liên hệ này nằm ở các chất hóa học giúp cho não bộ và cơ thể vận hành, vì có rất nhiều chất trong số đó được điều chỉnh bởi đường ruột.
Ví dụ, hormon gây căng thẳng cortisol có thể làm gián đoạn khả năng hồi tưởng những ký ức dài hạn; và như chúng ta đã đề cập, hệ vi khuẩn đường ruột tác động đến nồng độ cortisol trong máu thông qua việc điều chỉnh trục dưới đồi-tuyến yên-tuyến thượng thận. Điều này đồng nghĩa với việc sự mất cân bằng trong hệ vi khuẩn đường ruột có thể dẫn tới sự gia tăng đột biến nồng độ cortisol, từ đó gây cản trở khả năng hồi tưởng của bạn.
Trí nhớ cũng bị ảnh hưởng bởi nồng độ các chất hóa học thần kinh khác như noradrenaline, serotonin và dopamine. Ví dụ, hiện nay chúng ta biết rằng noradrenaline giúp tăng cường trí nhớ, đặc biệt là khi các cảm xúc đang dâng cao.
Nhiều nghiên cứu đã xác định được mối tương quan chặt chẽ giữa sự mất cân bằng serotonin-dopamine và những thay đổi trong mô não dẫn tới sự suy giảm khả năng học tập và ghi nhớ. Một lần nữa, tất cả hóa chất thần kinh này đều trông chờ vào hệ vi sinh đường ruột sản sinh ra những tiền chất thiết yếu thì chúng mới có thể duy trì ở mức độ lành mạnh.
Dây thần kinh phế vị có thể giúp tăng cường trí nhớ khi được kích thích, bởi nó kết nối với các cấu trúc của não như hạch hạnh nhân và hồi hải mã, những phần não đóng vai trò trung tâm trong việc hình thành trí nhớ. Vì các vi khuẩn đường ruột có thể thay đổi sự kích hoạt dây thần kinh phế vị nên đó cũng là một cách khác để chúng có thể tác động tới trí nhớ của ta.
Dấu hiệu rõ ràng nhất cho thấy giữa ruột và trí nhớ có mối liên hệ chặt chẽ với nhau là thành phần của vi khuẩn đường ruột thay đổi ở những bệnh nhân mắc một số bệnh liên quan đến trí nhớ.
Ví dụ, ở bệnh nhân Parkinson như Brian, người ta nhận thấy có sự sụt giảm đáng kể lượng vi khuẩn đường ruột Prevotellaceae so với nhóm đối chứng - tới 77,6%. Còn ở hệ vi sinh của bệnh nhân Alzheimer thì có sự sụt giảm lượng vi khuẩn Firmicutes, gia tăng vi khuẩn Bacteroidetes và giảm Bifidobacterium.
Đôi khi mối quan hệ đó có thể diễn ra theo chiều hướng khác, theo đó những thay đổi ở hệ vi khuẩn đường ruột có thể biến đổi tiến trình phát triển của những chứng bệnh này. Chẳng hạn, bệnh rosacea (chứng đỏ mặt) chủ yếu được biết đến như một bệnh ngoài da khiến bệnh nhân thường dễ đỏ mặt hơn bình thường. Tuy nhiên, ở các bệnh nhân rosacea cũng có sự tăng nhẹ về nguy cơ hình thành chứng sa sút trí tuệ, đặc biệt là bệnh Alzheimer.
Việc thay đổi hệ vi khuẩn đường ruột có thể tạo ra sự khác biệt rất lớn đối với bệnh nhân rosacea. Năm 2009, Andrea Parodi cùng cộng sự đã chứng minh rằng khi triệt tiêu sự phát triển quá mức của vi khuẩn ruột non thường gặp ở bệnh nhân rosacea, bệnh trạng về da của họ biến mất.
Phương pháp điều trị dựa trên hệ vi sinh vật này có thể kéo dài tới chín tháng; và cùng với sự thuyên giảm bệnh rosacea thì nguy cơ mắc sa sút trí tuệ cũng có khả năng giảm theo.
Các nhà nghiên cứu cũng tin rằng vi khuẩn đường ruột kích hoạt quá trình trao đổi chất và tình trạng viêm ở não - những vấn đề ảnh hưởng đến trí nhớ - đồng thời cũng có thể gây hại cho sự lưu thông máu trong não. Ngoài ra, những thay đổi trong hệ vi khuẩn đường ruột có thể làm gia tăng sự lắng đọng mảng bám amyloid, từ đó góp phần gây bệnh Alzheimer.
Việc thay đổi hệ vi sinh đường ruột thông qua chế độ ăn uống hoặc bằng cách sử dụng probiotic có thể mang lại những lựa chọn điều trị mới và các biện pháp phòng ngừa mới tiềm năng đối với chứng Alzheimer.
Tất cả những bằng chứng này đều dẫn tới quan điểm rằng chúng ta có thể giảm thiểu khả năng mắc sa sút trí tuệ bằng cách tránh xa thực phẩm gây tổn hại hệ vi khuẩn đường ruột và tiêu thụ thực phẩm giúp tăng cường hệ này.