Sir Richard Branson - Ông chủ đế chế Virgin đầy quyền lực. Nguồn: businessinsider. |
Trải nghiệm thành công cũng như thất bại của các doanh nhân đi trước luôn là bài học hữu ích cho những người đang có ý định khởi nghiệp. Ý thức được điều này, nên có không ít tỷ phú trên thế giới đã viết sách nhằm truyền đạt những kinh nghiệm, bài học và kiến thức quý giá của mình đến với công chúng.
Những cuốn sách này (trong đó có không ít cuốn đã được xuất bản tại Việt Nam) không chỉ kể về cuộc đời, quá trình xây dựng sự nghiệp của các tỷ phú, mà còn là phương tiện để họ chia sẻ quan điểm, suy nghĩ của bản thân về cuộc sống, kinh doanh, tình yêu - thứ đã giúp họ tạo nên những kỳ tích.
Sách Tôi đã làm giàu như thế đấy! Ảnh: M.C. |
Tôi đã làm giàu như thế đấy!
J. Paul Getty (1862-1976) là nhà tư bản người Mỹ gốc Anh. Ông xuất thân từ một gia đình có điều kiện về kinh tế khi cha ông là chủ một doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh dầu mỏ.
Tuy vậy, Getty vẫn có những đường hướng riêng của mình. Ông bắt tay phát triển sự nghiệp từ sớm và đến khi 24 tuổi, vào năm 1916, ông đã trở thành một triệu phú. Năm 1957, ở tuổi 65, ông trở thành người giàu có nhất nước Mỹ. Năm 1966, sách kỷ lục Guiness ghi danh ông là công dân giàu có nhất thế giới với khối tài sản ước tính khoảng 1,2 tỷ đôla.
Trong cuốn Tôi Đã Làm Giàu Như Thế Đấy!, J. Paul Getty đã kể về cuộc đời, quá trình xây dựng sự nghiệp, đồng thời cũng là phương tiện để ông thể hiện cá tính, quan điểm, suy nghĩ của bản thân về nhiều khía cạnh trong công việc cũng như đời sống riêng tư. Những quan điểm này của ông được thể hiện dưới những khía cạnh sau:
Phong cách cá nhân: Thông thường, chúng ta hay bị định hình bởi những quy chuẩn để trở thành một công dân, để hòa nhập với cộng đồng. Nhưng với J. Paul Getty, những quy chuẩn này chỉ là thứ sáo rỗng. Sự thành công và thịnh vượng thực chất theo ông bắt nguồn từ những điểm khác biệt của mỗi người.
Trong cuốn sách, J. Paul Getty đã dẫn ra hai ví dụ về sự giàu có và thịnh vượng bắt nguồn từ khác biệt điển hình: Rockefeller và Condrad Hilton. Rockefeller bắt đầu sự nghiệp vào năm 1931, thời kỳ kinh tế suy thoái trầm trọng, còn Condrad Hilton tiến hành thu mua khách sạn khi toàn thị trường đua nhau bán và ngành bất động sản rơi xuống đáy. Theo J. Paul Getty, khi tất cả cùng hành động y hệt nhau, đó là thời điểm bạn trở thành kẻ nổi loạn, mạnh dạn khẳng định cá tính của riêng mình.
Giá trị của tính cá thể: Sau khi xác định được phong cách bản thân, điều tiếp theo là bạn cần định hình giá trị, thiết lập những nguyên tắc của bản thân. Theo J. Paul Getty bạn sẽ chẳng có gì nếu chỉ chăm chăm cống hiến, chăm chăm sống với những tiêu chuẩn giá trị của người khác chứ không phải giá trị của bản thân mình.
Tìm kiếm mục tiêu cuộc sống: Với J. Paul Getty sống chẳng gì khác ngoài mục tiêu vượt ra ngoài giới hạn mong muốn tích lũy cơ đồ. Ông khuyên chúng ta hãy sống một cuộc đời đáng giá, sống để tích lũy và dành tặng cho thế hệ mai sau.
Thách thức luôn song hành cùng cơ hội: Theo J. Paul Getty thách thức luôn là một phần không thể thiếu trên bước đường tiến tới thành công. Thách thức không nên né tránh mà bạn phải nhìn nhận rằng không có một môi trường kinh doanh, một chiến lược kinh doanh nào là hoàn hảo, không có thứ gì là hoàn hảo trên đời.
Điều tuyệt vời thực sự trong đời là sự đa dạng. Nhờ sự đa dạng, chúng ta mới có thể phát triển tốt hơn, biến nó thành lợi thế của bản thân. Và trong quá trình tìm kiếm sự đa dạng, bạn sẽ nhận thấy con đường đến thành công không bao giờ là con đường nhẹ nhàng, nó có những bước thụt lùi và phát triển nhảy vọt.
Sách Đường ra biển lớn. Ảnh: M.C. |
Đường ra biển lớn
Với vẻ ngoài phong trần, ít ai nghĩ rằng Richard Branson - người đàn ông mang phong cách “hippi” - lại là một tỷ phú giàu có, sở hữu trong tay hơn 250 công ty lớn nhỏ, từ lĩnh vực hàng không (Virgin Atlantic Airways) cho tới kinh doanh băng đĩa nhạc (Virgin Records và V2), từ các sản phẩm đồ uống Cola (Virgin Cola), cho tới chuỗi cửa hàng bán lẻ (Virgin Megastores)... với doanh thu mỗi năm khoảng 5 tỷ đôla.
Đường ra biển lớn của Richard Branson không đơn giản chỉ là một cuốn tự truyện, mà còn là kho tàng ẩn chứa những triết lý về cuộc sống, kinh doanh cũng như tình yêu, thứ đã đồng hành và giúp ông làm nên những kỳ tích phi thường suốt hơn 25 năm qua.
Ngay từ những ngày đầu mới chập chững bước đi trên con đường kinh doanh đầy chông gai, Richard Branson đã tự viết nên những quy tắc của riêng mình để xây dựng một hệ thống công ty mang thương hiệu Virgin với mật độ hiện diện rộng khắp toàn cầu, nhưng lại không hề có trụ sở chính, không hề có hệ thống phân cấp quản lý và quan liêu.
Ông đã đem đến cho nhân loại hình mẫu mới về một doanh nhân năng động, chăm chỉ và thành công cả trong sự nghiệp lẫn cuộc sống hàng ngày. Đối với ông, gia đình, bạn bè, hạnh phúc cùng những chuyến phiêu lưu mạo hiểm luôn là một phần không thể thiếu trong cuộc đời.
Có thể nói, Đường ra biển lớn chính là một cuốn phim khái quát và đầy đủ nhất giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về con người, cuộc sống cũng như chặng đường vươn lên trở thành ông chủ đế chế Virgin đầy quyền lực.
Sách Gã nghiện giày. Ảnh: bnabooks. |
Gã nghiện giày
Trong cuốn tự truyện, Phil Knight - nhà sáng lập Nike - đã thuật lại câu chuyện cuộc đời mình, bắt đầu từ lúc ông còn là một sinh viên cao học, vừa mới làm xong luận án tốt nghiệp, đang loay hoay tìm hướng đi cho cuộc đời.
Từ ý tưởng kinh doanh giày đã hình thành từ bài luận cuối khóa, ông đã đi đến một quyết định táo bạo là đi du lịch vòng quanh thế giới, với điểm đến mục tiêu là Nhật Bản, công xưởng sản xuất giày thể thao tại thời điểm đó.
Trở về Mỹ, ông đã cùng Bill Bowerman, người thầy cũ đồng thời cũng là một huấn luyện viên điền kinh nổi tiếng góp vốn để thành lập nên Blue Ribbon, tiền thân của Nike và chính thức nhập giày Onitsuka bán tại thị trường Mỹ.
Trải qua một vài năm với danh nghĩa nhà phân phối cho thương hiệu giày này, họ đã đưa Onitsuka trở thành một thương hiệu lớn tại Mỹ với doanh số tăng trưởng chóng mặt qua các năm. Mặc dù vậy, Phil Knight và Blue Ribbon đã không thể cùng Onitsuka đi tiếp để nối dài chuỗi ngày thành công khi mà hai bên đã có những xung đột không thể hòa giải. Hai bên đã kiện nhau ra tòa, và Phil Knight là người thua cuộc.
Cũng như người khởi nghiệp khác, từ bỏ một thương hiệu đang làm ra tiền để phát triển một thương hiệu riêng của mình quả thật là không hề dễ dàng. Phil cũng phải đối mặt với sự cô đơn vì không có người ủng hộ, thiếu vốn, ngân hàng từ chối cho vay, những người cộng sự phàn nàn, đối tác phản bội...
Hết khó khăn này đến khó khăn khác lần lượt kéo đến. Tuy nhiên, sau tất cả, bằng mọi sự nỗ lực và cố gắng, đặc biệt là sự ủng hộ của người vợ, Phil Knight đã đưa Nike phát triển lớn mạnh. Nike đã trở thành công ty hàng đầu trong lĩnh vực sản xuất giày thể thao.